Kết thúc các đợt tuyển sinh đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ) năm nay, cả nước có hơn 30 thí sinh khuyết tật (TSKT) đủ tiêu chuẩn được xét đặc cách tuyển thẳng vào đại học, học các chuyên ngành phù hợp. Ðây cũng là kỳ tuyển sinh có số lượng TSKT trúng tuyển nhiều nhất từ trước tới nay. Tuy vậy, bên cạnh hy vọng vẫn còn ngổn ngang bao điều trăn trở.
Hai bạn Cao Thị Yến và Dương Thị Xuân trong giờ học. |
Gợi mở nhiều hy vọng
Sau khi Luật Người khuyết tật (NKT) có hiệu lực (1-1-2011), quy chế tuyển sinh ÐH, CÐ của Bộ GD-ÐT cho phép hiệu trưởng các trường căn cứ kết quả học tập THPT của học sinh, tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét đặc cách tuyển thẳng thí sinh là NKT đủ tiêu chuẩn. Quy định này được các trường và dư luận ủng hộ, góp phần "khuyến học, khuyến tài" tạo điều kiện tốt nhất cho các thí sinh bị thiệt thòi có cơ hội theo đuổi ước mơ học tập, hòa nhập cộng đồng, đồng thời khích lệ các TSKT nhẹ hơn cố gắng vượt khó vươn lên, trở thành người có ích cho xã hội. Theo PGS, TS Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ GD-ÐT): Ðây là chủ trương đúng, mang ý nghĩa nhân văn. Quá trình học, các sinh viên khuyết tật (SVKT) được xét ưu tiên không phải đóng học phí và tạo điều kiện thuận lợi học tập tốt.
Các trường ÐH, CÐ đều đồng tình ủng hộ chủ trương nói trên. PGS, TS Ðinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng ÐH Vinh nói: Tạo điều kiện cho NKT học đại học giúp họ có nhiều cơ hội kiếm việc làm, giúp đỡ bản thân, gia đình và cống hiến cho xã hội. Các khóa đào tạo những năm trước tại ÐH Luật Hà Nội đã có nhiều thí sinh là NKT trúng tuyển, theo học và tốt nghiệp. Trường cũng tạo điều kiện tốt nhất cho các SVKT, thậm chí còn bố trí phòng thi riêng và hai giám thị trông thi như các phòng thi khác khi thi hết môn.
Tuy nhiên, có những ngành như các trường thuộc lực lượng vũ trang, ngoại giao, bác sĩ, giao thông… TSKT khó có thể theo học bởi đặc thù ngành học và công việc trong tương lai. Thực tế đào tạo cho thấy, các nhóm ngành như: ngoại ngữ, tin học, luật, kinh tế… các em có thể theo học và tìm kiếm công việc phù hợp sức khỏe sau khi tốt nghiệp.
Các TSKT và phụ huynh rất vui vì từ nay con em họ có điều kiện tốt để phấn đấu. Mùa hè này, tin vui được tuyển thẳng vào ÐH Bách khoa Hà Nội đến với ba thí sinh Dương Thị Xuân, Cao Thị Yến và Chu Thị Huế. Ba em khiếm thị đều học tại Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội). Xuân tâm sự: "Em đăng ký Khoa Quản trị kinh doanh, hy vọng ra trường có thể tự kinh doanh, hoặc xin việc ở đâu đó". Bà Nguyễn Thị Thủy, mẹ Xuân bày tỏ: "Thật may mắn khi năm nay Bộ ra quy chế mới, tôi cũng đỡ một phần lo lắng".
Nhìn chung, các em được xét đặc cách đợt này đều được các trường chọn lọc kỹ, có học lực khá, tư duy tốt và khả năng theo học suốt bốn năm đại học. Tuy nhiên, vẫn còn suy nghĩ mặc cảm cho rằng "đặc cách" giống như một sự chiếu cố đối với NKT. Ðược ÐH Bách khoa Hà Nội tuyển thẳng, Cao Thị Yến vẫn quyết tâm thi vào khoa Tiếng Anh, ÐH Sư phạm Hà Nội với mong muốn khẳng định năng lực. Với tiêu chí riêng nhằm bảo đảm chất lượng nên ÐH Sư phạm Hà Nội vẫn tổ chức phòng thi riêng cho các TSKT.
Còn những điều trăn trở
Học ÐH đối với các sinh viên lành lặn đã vất vả, với SVKT thì đây là thử thách lớn các em phải vượt qua, thậm chí kết quả học tập phải xuất sắc hơn mới đủ sức cạnh tranh khi đi xin việc. Những ngày này, nhiều em được tuyển thẳng đang củng cố kiến thức và nâng cao thể trạng để có đủ tri thức, sức khỏe khi nhập trường, bắt đầu những tháng năm đèn sách của đời sinh viên.
Không chỉ khi Luật Người khuyết tật ban hành, Nhà nước từng có nhiều chính sách quan tâm tới NKT từ những năm trước nhưng việc thực hiện chưa mấy khả quan. Qua kỳ tuyển sinh ÐH, CÐ năm nay cho thấy, vẫn còn sự lúng túng và chưa chủ động đón nhận TSKT của một số Hội đồng tuyển sinh (HÐTS) cũng như xã hội chưa có sự chuẩn bị cần thiết. Số thí sinh biết quy chế để gửi hồ sơ xét tuyển tới trường mình đăng ký dự thi phần lớn ở thành phố, thị xã – nơi dễ dàng có điều kiện tiếp nhận thông tin. Ngược lại, nhiều TSKT ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa khi đến làm thủ tục dự thi ÐH mới biết mình trong diện được xét tuyển thẳng. Có trường hợp nếu giám thị không nhiệt tình chủ động phát hiện, báo cáo HÐTS thì TSKT đành chịu thiệt thòi.
Khi nhận TSKT vào học, nhà trường sẽ phải tính đến việc tổ chức dạy và học thế nào cho phù hợp khả năng các em. Hàng loạt vấn đề nảy sinh như bố trí giảng viên, cung cấp học liệu, ra đề thi, tổ chức thi… Có như vậy mới bảo đảm chất lượng đào tạo, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để SVKT hòa nhập. Việc học đã vậy, vấn đề giải quyết việc làm giúp các em sau khi tốt nghiệp cũng cần được quan tâm ngay từ bây giờ. PGS, TS Vũ Quang Thọ, Phó Hiệu trưởng ÐH Công đoàn bày tỏ: "Các trường đã ủng hộ "đầu vào", mong rằng xã hội sẽ tạo điều kiện "đầu ra" để khi các em tốt nghiệp có ngay được việc làm".
Năm nay là năm đầu tiên các TSKT được xét đặc cách vào ÐH và con số này sẽ ngày càng tăng lên ở các năm sau. Ðể chủ trương này thật sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của cả thí sinh và nhà trường cùng với sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội.
Theo Khúc Hồng Thiện
(Nhandan)
Bình luận (0)