Một hàng dài phụ huynh học sinh (PHHS) chầu chực trước cửa phòng ban giám hiệu một trường THCS trọng điểm của Q.3, TP.HCM. PHHS nào cũng lăm le lá đơn xin học diện trái tuyến, ngoài tuyến với “bút phê” của lãnh đạo quận, của phòng GD-ĐT…
Tiếp hoài mà dòng người vẫn chưa vơi. Chịu không thấu, một lãnh đạo của trường chạy ra ngoài nói với đám đông: “Danh sách của phòng GD-ĐT, của ủy ban về hết đi! Khi nào tôi tuyển hết trong tuyến mới xét đến ngoài tuyến”.
Phụ huynh xếp hàng chờ đợi nộp hồ sơ tại các trường trong nội thành
TP.HCM – Ảnh: Trần Huy |
Ngoài tuyến “đè” trong tuyến
Ngày 15/7, hàng loạt các trường THCS ở TP.HCM công bố danh sách trúng tuyển. Tại trường THCS Nguyễn Du, Q.1, nhiều người thất vọng vì không thấy tên con mình. Một PHHS nói: “Thông báo tuyển sinh của trường nhận HS ngoài tuyến đạt từ 19 điểm trở lên. Con tôi 20 điểm mà vẫn bị rớt”. Bức xúc của vị PHHS này lập tức được nhiều PH khác chia sẻ, vì đồng cảnh ngộ 19, 20 điểm vẫn rớt.
Trong mùa tuyển sinh năm học 2011 – 2012, theo ghi nhận của chúng tôi, các trường “điểm” ở các quận trung tâm vẫn tiếp tục là “điểm nóng” của sự gửi gắm. Lượng đơn ngoài tuyến thường nhiều gấp ba, thậm chí gấp 10 lần so với “chỗ trống” của trường. Theo điều tra của chúng tôi, mỗi trường “điểm” nhận danh sách ngoài tuyến của UBND quận, của phòng GD-ĐT dài từ một đến hai trang giấy A4, dĩ nhiên có “bút phê”, chữ ký của lãnh đạo (để tiếp cận danh sách “ngoại giao” này, chúng tôi phải nhận là PHHS xin dò tìm tên con em được lãnh đạo bảo lãnh). Một số hiệu trưởng bức xúc: “Đành rằng lãnh đạo có những mối quan hệ cần giải quyết, nhưng việc tập hợp danh sách gửi đến các trường đã tạo một sức ép rất lớn. Có lãnh đạo chỉ ký tên vào danh sách rồi gửi đi mà không hề thắc mắc mối quan hệ của người bảo lãnh với HS ra sao. Ngay cả nhân viên văn phòng của quận, phòng kế hoạch tài chính… cũng tự nhận hồ sơ của PHHS. Chưa kể mối quan hệ của phòng GD-ĐT, chỉ riêng mối quan hệ của lãnh đạo quận (trung bình mỗi bí thư, chủ tịch quận, phó chủ tịch bảo lãnh gần 20 trường hợp), cộng thêm các phòng, ban của quận khiến danh sách tuyển thêm ở mỗi trường ngày càng dài thêm. Trong khi nhiều diện chính đáng khác lý ra được học ở trường lại bị chối từ vì… hết chỗ!
Ở Q.3, số đơn ngoài tuyến của trường Lê Quý Đôn là 150, Colette hơn 70, Kỳ Đồng: 116, Nguyễn Thái Sơn: hơn 100, Lương Định Của: 80… Ở Q.1, Trường THCS Nguyễn Du nhận HS ngoài tuyến có điểm thi từ 19 trở lên, nhưng có đến 523 em được 20 điểm nộp hồ sơ, chưa kể những diện “ngoại giao”. Kết quả, số HS ngoài tuyến được tuyển là 259 trong tổng chỉ tiêu 360 HS. Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1 năm nay càng “căng” hơn vì có 206 em 20 điểm xin học diện ngoài tuyến, trong khi khả năng của trường chỉ có thể giải quyết phân nửa nhu cầu. Tương tự, ở bậc tiểu học, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 tuyển 240 HS cho sáu lớp, trong đó, diện trong tuyến là hơn 225 em, chỉ còn 15 suất cho ngoài tuyến. Tuy nhiên, trường đã phát hơn 300 hồ sơ cho PHHS ngoài tuyến. Hai trường “nóng” nhất của Q.5 là tiểu học Minh Đạo chỉ dành 12% cho ngoài tuyến nhưng có 30% lượng đơn này nộp tại trường. Trường THCS Hồng Bàng cũng có vài trăm trường hợp ngoài tuyến.
Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 có cơ sở vật chất tốt, được nhiều
phụ huynh “nhắm” đến cho con em |
“Phình” thêm lớp, đào đâu ra phòng học?
Ở Q.3, các trường “điểm” cấp tiểu học phải mở thêm từ hai đến bốn lớp, có trường, sĩ số HS đã lên đến 58 em/lớp. Do vậy, kế hoạch thực hiện trường tiên tiến chất lượng cao tại một số trường “điểm” của Q.3 bị phá sản vì số lượng tuyển cao hơn chỉ tiêu dự kiến. Phương án quá tải được các trường giải quyết theo hướng tăng sĩ số mỗi lớp thêm chục em, tăng đến mức không thể tăng thêm thì phòng GD-ĐT sẽ duyệt cho các trường mở thêm lớp. Nhưng một số trường “điểm” đang than khổ, không biết tìm đâu thêm giáo viên (GV), phòng học cho chỉ tiêu phát sinh, đành dự kiến bỏ bán trú, giảm học hai buổi, xin thêm GV hoặc hợp đồng thêm người. Trong khi đó, PHHS rất ấm ức vì danh sách trúng tuyển không công khai số điểm của HS.
|
Theo ông Đinh Thiện Căn, Trưởng phòng GD-ĐT Q.1, sau khi tuyển hết HS trong tuyến, nếu còn dư chỉ tiêu, các trường mới tuyển tiếp ngoài tuyến. Số chỗ “trống” không nhiều nên các trường sẽ ưu tiên cho HS giỏi cấp quận, cấp thành, HS có thành tích ở các môn năng khiếu, thể dục thể thao, tin học; con GV, bộ đội, công an, cán bộ công chức, bác sĩ… đang công tác ở Q.1. Nhưng trên thực tế, ở bậc THCS, chưa tính số HS ngoài tuyến, chỉ riêng Q.1 đã có 800 em đạt 20 điểm trong kỳ kiểm tra định kỳ lớp 5 vừa qua. Vì vậy, sức ép tuyển sinh ngoài tuyến rất lớn so với khả năng của các trường.
Một số GV Q.3 phản ánh kế hoạch phân tuyến của quận chưa hợp lý cũng góp phần dẫn đến quá tải. Chẳng hạn, những năm trước, HS Trường Tiểu học Trương Quyền sẽ lên học lớp 6 trường THCS Đoàn Thị Điểm, nhưng năm học 2011 – 2012, 40 em HS khá giỏi của trường Trương Quyền được phân tuyến vào trường THCS Lê Quý Đôn một cách bất hợp lý. Trường Trương Quyền ở P.13, cuối quận, lại điều về trường Lê Quý Đôn ở P.6 đầu quận, "góp phần" gia tăng tình trạng kẹt xe.
“Mỗi năm cứ đến mùa tuyển sinh là các quận náo loạn về cảnh “chạy” trường. Chính UBND duyệt danh sách phân tuyến HS, nhưng cũng chính một số người trong đó duyệt hồ sơ ngoài tuyến. Cần có sự chấn chỉnh chạy trường, đừng để tham nhũng xảy ra trong ngành GD-ĐT”, GV của nhiều quận kiến nghị. Còn bà Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng GD-ĐT Q.5 thì cho rằng: “Để không còn cảnh man mác buồn mỗi mùa tuyển sinh, bản thân mỗi trường “chưa điểm” phải biết “đánh bóng” thương hiệu, nâng cao chất lượng giảng dạy. Mặt khác, lãnh đạo phường, lãnh đạo quận không nên gây sức ép cho các trường”.
Trước bức xúc của PHHS về vấn nạn “chạy trường”, Ban giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM ngại bình luận, chỉ cho biết: ở các quận, huyện, quyền tuyển sinh do lãnh đạo quận huyện quyết định và các quận huyện phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Tương Giang
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quang Bá, Phó chủ tịch UBND Q.3 cho biết: “Do tính chất của quận trung tâm có nhiều cơ quan trú đóng, những quan hệ ngoại giao, rồi nhu cầu chuyển đổi của PHHS, năm nào cũng áp lực như năm nào. Nhưng quận sẽ xét, giải quyết ngoài tuyến sau khi nhận hết trong tuyến”.
* Báo Phụ Nữ nhận được phản ánh rằng, tình trạng quá tải là do hai chuyên viên của quận “làm đầu mối thu nhận hồ sơ ngoài tuyến”?
– Cái này tôi không biết. Năm nào chúng tôi cũng có nghe phản ánh, có đơn thư. Nếu phát sinh thì sẽ xử lý liền, tôi sẽ lưu ý. Nhiều lúc các anh chị ở bên ủy ban, lãnh đạo quận, cũng có nhiều mối quan hệ cần gửi gắm. Ví dụ như bản thân mình cũng phải giới thiệu mười mấy trường hợp. Tuy nhiên, quyền quyết định là của hiệu trưởng, rồi phải thông qua Phòng GD-ĐT có ý kiến nữa.
* Ủy ban có ép các trường nhận ngoài tuyến không, thưa ông?
– Làm gì ép, Ủy ban chỉ giới thiệu thôi.
* Có tiêu chí nào để xác định là con cháu ruột của cán bộ không?
– Cũng khó lắm, chẳng lẽ nói đưa lý lịch đây tôi xem… Quận ủy, Ủy ban gửi xuống bao nhiêu đều có danh sách, chữ ký…
Hồng Liên (ghi)
|
Theo PNO
Bình luận (0)