Bộ GD-ĐT vừa đưa ra dự thảo Thông tư quy chế thi tốt nghiệp THPT 2009. Theo đó, có nhiều đối tượng được miễn thi hoặc đặc cách tốt nghiệp.
Đối với thí sinh được miễn thi tốt nghiệp phải là người học lớp 12 được Bộ GD-ĐT triệu tập tham gia thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, khu vực các môn văn hoá, được tuyển chọn tham gia các cuộc thi quốc tế hoặc khu vực về thể dục thể thao, văn hoá văn nghệ; Người học khiếm thị.
Những đối tượng trên phải có điều kiện: Tổng số buổi nghỉ học trong năm học lớp 12 không quá 45 buổi. Được triệu tập vào học kỳ 2 lớp 12.
Xếp loại cả năm lớp 12: Hạnh kiểm loại tốt, học lực từ loại khá trở lên hoặc từ trung bình trở lên. Có tên trong danh sách miễn thi của Bộ GD-ĐT hoặc có công văn đề nghị miễn thi và xác nhận tham dự tập huấn và dự thi đúng quy định của cơ quan tuyển chọn gửi đến Sở GD-ĐT trước ngày thi tốt nghiệp.
Đối với người học khiếm thị: Học hết chương trình trung học phổ thông; đủ diều kiện dự thi theo quy định. Được các cơ sở y tế và trường phổ thông nơi học tập xác nhận tình trạng khiếm thị.
Người học thuộc diện miễn thi được công nhận tốt nghiệp và xếp loại tốt nghiệp theo các tiêu chuẩn dưới đây: Loại giỏi: Năm học lớp 12 được xếp loại học lực giỏi, hạnh kiểm tốt; Được tính tương đương với tốt nghiệp loại giỏi có điểm xếp loại tốt nghiệp là 9,0 điểm. Loại khá: Năm học lớp 12 được xếp loại học lực và hạnh kiểm đều từ loại khá trở lên; Được tính tương đương với tốt nghiệp loại khá có điểm xếp loại tốt nghiệp là 7,0 điểm.
Người học diện miễn thi nếu muốn có điểm xếp loại tốt nghiệp cao hơn thì phải dự thi tốt nghiệp.
Đối với thí sinh được đặc cách tốt nghiệp với điều kiện là công dân Việt Nam và người nước ngoài đang học tập, sinh sống tại Việt Nam (sau đây gọi chung là người học) đã học hết chương trình trung học phổ thông, trong năm tổ chức kỳ thi.
Người học đã học hết chương trình trung học phổ thông nhưng không đủ điều kiện dự thi hoặc đã dự thi nhưng chưa tốt nghiệp ở những năm trước và các đối tượng khác được Bộ GD&ĐT cho phép dự thi (sau đây gọi chung là thí sinh tự do).
Phải được đánh giá, xếp loại ở lớp 12: hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên, học lực không bị xếp loại kém; Tổng số buổi nghỉ học trong năm học lớp 12 không quá 45 buổi (nghỉ một lần hoặc nghỉ nhiều lần cộng lại); Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không trong thời gian bị kỷ luật cấm thi; Đã tốt nghiệp trung học cơ sở;
Bị ốm hoặc có việc đột xuất đặc biệt, không quá 10 ngày trước ngày thi hoặc ngay trong buổi thi đầu tiên, không thể dự thi. Điều kiện: xếp loại về học lực và hạnh kiểm cả năm ở lớp 12 đều từ khá trở lên;
Hồ sơ nhập viện, ra viện do bệnh viện từ cấp huyện trở lên cấp (nếu bị ốm) hoặc xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú (nếu có việc đột xuất đặc biệt);
Biên bản đề nghị xét đặc cách tốt nghiệp của trường phổ thông nơi đăng ký dự thi.
Bị ốm hay có việc đột xuất đặc biệt sau khi đã thi ít nhất một môn và không thể tiếp tục dự thi hoặc sau khi bị ốm hay có việc đột xuất đặc biệt tự nguyện dự thi số môn thi còn lại.
Điều kiện: Điểm bài thi của những môn đã thi đều đạt từ 5,0 trở lên; Xếp loại ở lớp 12: học lực từ trung bình trở lên, hạnh kiểm từ khá trở lên.
Ngay khi kết thúc buổi thi cuối cùng của kỳ thi, Hội đồng coi thi chịu trách nhiệm thu nhận và chuyển giao hồ sơ đặc cách cho Hội đồng chấm thi; Hội đồng chấm thi xem xét, quyết định đặc cách cho thí sinh căn cứ hồ sơ và các quy định của Bộ. Thí sinh tốt nghiệp đặc cách đều xếp loại trung bình.
Mỗi cụm thi ít nhất 3 trường THPT
Theo dự thảo, mỗi cụm trường gồm ít nhất 3 trường THPT hoặc 3 trung tâm giáo dục thường xuyên; hoặc thành lập cụm thi hỗn hợp gồm ít nhất 2 trường trung học phổ thông và 2 trung tâm giáo dục thường xuyên.
Các Sở phải lập danh sách thí sinh đăng ký thi theo cụm trường. Trong mỗi cụm trường, danh sách thí sinh được sắp xếp theo thứ tự ban: Thí sinh Ban Khoa học tự nhiên, Ban Khoa học xã hội và nhân văn, Ban cơ bản; thí sinh giáo dục thường xuyên (nếu có).
Xếp theo thứ tự ngoại ngữ: Trong mỗi ban, trừ thí sinh giáo dục thường xuyên, xếp theo ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật). Trong mỗi ngoại ngữ hoặc trong danh sách thí sinh giáo dục thường xuyên: tên thí sinh được xếp theo thứ tự a, b, c… Số báo danh của thí sinh được đánh từ 001 đến hết số thí sinh của cụm trường.
Sắp xếp thí sinh trong một phòng thi phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 02 thí sinh ngồi cạnh nhau theo hàng ngang là 1,2 mét; mỗi phòng thi 24 thí sinh, phòng thi cuối cùng của mỗi ngoại ngữ hoặc giáo dục thường xuyên, không quá 28 thí sinh.
Những vật dụng thí sinh được phép mang vào phòng thi
Bộ quy định, bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, compa, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình; các vật dụng này không được gắn linh kiện điện, điện tử; Máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí, do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành; không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì trong tài liệu.
Thí sinh mang theo tài liệu, vật dụng liên quan đến việc làm bài thi hoặc các phương tiện thu phát thông tin không được quy định vào phòng thi, dù sử dụng hay chưa sử dụng đều bị đình chỉ thi.
Thí sinh học theo chương trình nào (chương trình chuẩn hay chương trình nâng cao) phải làm phần riêng của đề thi, ứng với chương trình đó; thí sinh làm cả 2 phần riêng của đề thi thì bị coi là phạm quy và không được chấm điểm bài làm phần riêng của đề thi.
Thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm. Đối với môn thi tự luận, thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi khi hết 2/3 thời gian làm bài của môn thi và phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp.
Trong trường hợp đặc biệt, chỉ được ra khỏi phòng thi khi được phép của giám thị trong phòng thi và phải chịu sự giám sát của giám thị ngoài phòng thi hoặc cán bộ của Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng coi thi phân công.
Hồng Hạnh (Dân trí)
Bình luận (0)