Y tế - Văn hóaThư giãn

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh lên sân khấu chèo

Tạp Chí Giáo Dục

Nhân dịp Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1/1/1914 – 1/1/2014) và hướng tới Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2014), Nhà hát Chèo Quân đội đã dàn dựng vở diễn đầu tiên về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Nhớ về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, chúng ta không chỉ nhớ đến vị Đại tướng đánh giặc ngoại xâm tài giỏi mà còn nhớ đến vị “Đại tướng nông dân” với phong trào Lá cờ Đại Phong.
Vở chèo “Sáng trong như ngọc một con người” (tác giả kịch bản: nhà văn Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang) về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sẽ có đêm diễn đầu tiên vào tối 25/12/2013 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Vở chèo có bốn hồi: "Bình Trị Thiên khói lửa", "Dọc đường chiến dịch", "Gió Đại Phong" và "Nắm thắt lưng địch mà đánh", mỗi hồi tương ứng với một chặng đường quan trọng trong cuộc đời cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tái hiện hình ảnh một người chiến sĩ cộng sản chân chính, vì dân và gần dân, một vị Đại tướng mưu lược, đi sát chiến trường, gần gũi, thương yêu chiến sĩ.
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh chia sẻ: “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mất lúc mới 53 tuổi, cách nay đã gần nửa thế kỷ và trong điều kiện đất nước còn chiến tranh ác liệt, vì vậy nguồn tư liệu công khai về ông không nhiều.
Tuy nhiên qua sưu tầm, nghiên cứu từ nhiều năm nay, tôi nhìn thấy trong nguồn tư liệu ít ỏi về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh những viên ngọc lấp ánh về cuộc đời một con người, một CON NGƯỜI đúng nghĩa, từ cái mối tình đầu tiên của ông ở làng bị tan vỡ đến lý do ông đi theo cách mạng.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (trái) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Ai cũng sinh ra từ nhân dân và khi lớn lên, ai cũng được nhân dân cưu mang, nhưng không phải ai khi công thành danh toại cũng giữ vẹn nguyên đức tri ân nhân dân trong trái tim mình, đau nỗi đau của nhân dân, đứng về phía nhân dân, căm phẫn cùng sự căm phẫn của nhân dân…
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vĩ đại không chỉ là sự vĩ đại của một tài năng quân sự và nhà tư tưởng, mà ông vĩ đại còn vì ông luôn đứng về phía nhân dân; lo lắng, trăn trở vì nhân dân; hết sức hết lòng lo cho nhân dân của mình: Lo cho nhân dân thoát khỏi ách nô lệ, lo cho nhân dân thoát đói nghèo và đấu tranh với tiêu cực, tha hóa, tham nhũng của những cán bộ thoái hóa, biến chất để bảo vệ nhân dân.
Tất cả những ý nghĩ đó tạo cho tôi cảm hứng để viết về Đại tướng, viết về một con người, viết về chân dung mẫu mực của một vị lãnh đạo. Và ông mãi như thế, trở thành một biểu tượng sống động, một hình mẫu lãnh đạo cho mọi thế hệ. Nhờ mạch suy tưởng và cảm hứng ấy, tôi đã viết về kịch bản “Sáng trong như ngọc một con người” rất nhanh, đầy cảm xúc, tựa như tôi đang nhìn, đang nghe, đang ngắm, đang đối thoại với ông; giản dị, chân chất, mộc mạc và xúc động…
Tôi đã về ngôi làng ông sinh ra, đi ngẩn ngơ bên dòng sông Bồ hiền hậu như một câu hò; tha thẩn đi trong mảnh vườn nhà ông, nhìn ngắm ngôi nhà, hàng cây, mảnh ruộng… để cảm, để thấm, để hiểu về cái cội nguồn đã sinh ra một con người lớn lao đến như thế".
Đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang chia sẻ: "Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một hình tượng khó. Tác phẩm lý luận chính trị và quân sự của ông để lại khá dày nhưng tư liệu về đời thường lại không nhiều. Bởi vậy, tái hiện chân dung Đại tướng trong chèo là điều không đơn giản. Tôi suy nghĩ khá nhiều để chọn một cái "tứ” cần nhấn mạnh trên sân khấu khi xây dựng hình tượng này.
Đó là "tính nhân dân” trong lý tưởng và hành động của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ông là Đại tướng nhưng lại có một thời gian dài lãnh đạo mặt trận nông nghiệp, gần gũi với nông dân. Tôi muốn nhấn mạnh "tính thân dân” của ông như một bài học cho hôm nay, khi chúng ta đang có nhiều biểu hiện xa dân, đang còn nhiều điều "nợ” nhân dân…"
Một khó khăn khác khi dựng vở chèo thể hiện một nhân vật lịch sử hiện đại gắn với chiến tranh cách mạng trên sân khấu cần thể hiện bằng những tiết tấu nhanh, mạnh – nhưng lại phải được chuyển tải mềm mại bằng ngôn ngữ nghệ thuật chèo truyền thống.
Điều này được đạo diễn Doãn Hoàng Giang xử lý bằng những thủ pháp nghệ thuật vừa gián cách vừa đồng hiện, với dàn diễn viên của Nhà hát Chèo Quân đội, tinh gọn nhưng thạo nghề, một người có thể đảm nhiệm nhiều vai khác nhau.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914 – 1967), tên thật là Nguyễn Vịnh, quê quán: Quảng Điền, TT- Huế. Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông có bí danh là Sáu Vi, Trường Sơn. Ông được phong hàm Đại tướng vào năm 1959. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nguyên là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị (1951-1967).
theo NNVN

 

Bình luận (0)