Những ngày gần đây, thí sinh và cả xã hội tha hồ bất ngờ, ngạc nhiên với các chiêu thu hút người học của hàng loạt trường ĐH ngoài công lập.
Có thể nói chưa năm nào thí sinh “có giá” như năm nay khi được săn đón, chào mời bằng đủ “giải pháp”: thưởng điểm, tặng tiền, cấp học bổng, thậm chí đến người giới thiệu, môi giới cũng được thưởng “tiền công” (!). Trong lịch sử phát triển giáo dục, đây là lần đầu tiên có hiện tượng này. Đáng lo ngại là xu hướng này diễn ra không riêng lẻ, thậm chí vài trường ĐH ngoài công lập còn coi đây là một phương thức cạnh tranh công khai để có người học.
Hơn thế nữa, còn có những trường không thụ động ngồi chờ thí sinh, đã mạnh tay áp dụng những biện pháp xé rào để có người học như công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng 2 từ trước khi bắt đầu thời hạn nhận hồ sơ, thí sinh nào đủ điểm sàn đến đăng ký xét tuyển được cấp ngay giấy nhập học, tự ý xét thêm các khối thi, không nằm trong đối tượng điều 33 của quy chế tuyển sinh nhưng đã xét tuyển cả thí sinh có kết quả thi thấp hơn điểm sàn… Những biện pháp vơ vét thí sinh bằng mọi giá chỉ hướng đến mục tiêu tuyển hết chỉ tiêu dự kiến, đã lên tới mức gây sốc cho dư luận xã hội và cả chính Bộ GD-ĐT.
Phần lớn các trường ĐH ngoài công lập, nhất là những trường xé rào các quy định về tuyển sinh, là những trường luôn kêu ca gặp khó khăn về nguồn tuyển. Đó là điều dễ hiểu. Số lượng học sinh tốt nghiệp THPT hằng năm đã ổn định, chất lượng giáo dục phổ thông chưa được cải thiện… nên số thí sinh dự thi ĐH và đạt đủ điểm sàn năm nay chỉ có bấy nhiêu, không thể tăng đột biến. Trong khi đó tổng chỉ tiêu tuyển mới ĐH cứ đều đều tăng, và tỉ lệ thuận với nó là mỗi năm có thêm hàng chục trường ĐH vừa mới ra đời có thêm chỉ tiêu tuyển mới.
Chính vì vậy nhiều chuyên gia giáo dục đã đồng quan điểm khi cho rằng nhiều trường ĐH ngoài công lập bị dồn vào thế yếu trong cuộc cạnh tranh tuyển sinh, có nguyên nhân trực tiếp là do hệ thống trường ĐH ngoài công lập thời gian gần đây đã được phát triển quá nhanh, nhiều trường được thành lập quá dễ dàng, đi vào hoạt động tuyển sinh, đào tạo khi thiếu các điều kiện cần thiết về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất… Do đó không phụ thuộc vào điểm sàn năm nay cao hay thấp, trong số các trường ĐH ngoài công lập sẽ có những trường dù điểm sàn hạ thấp nữa, có xuống đến 10 điểm vẫn không thể nào tuyển được hết chỉ tiêu như mong muốn.
Bên cạnh đó, việc các trường đua nhau xé rào, cạnh tranh vơ vét thí sinh bằng mọi cách còn do các hình thức chế tài chưa đủ sức răn đe. Nhiều trường ĐH sẵn sàng, thậm chí… mong muốn được nộp phạt vì tuyển vượt vài trăm, thậm chí hàng ngàn chỉ tiêu cũng chỉ bị phạt đến vài chục triệu đồng, trong khi nguồn thu được lại lớn gấp nhiều lần. Tiền phạt cũng từ nguồn thu từ người học mà ra, trường được nhiều hơn mất. Dù có bị khấu trừ chỉ tiêu năm sau cũng vẫn có cơ hội tiếp tục tuyển vượt chỉ tiêu. Đến nay chưa có trường nào bị dừng tuyển sinh hay đóng cửa trường vì liên tục xé rào, tuyển vượt chỉ tiêu cả.
Dù còn có nhiều ý kiến trái ngược nhưng phần lớn các chuyên gia giáo dục có uy tín, các cán bộ quản lý giáo dục ĐH vẫn cho rằng năm nay Bộ GD-ĐT kiên trì chủ trương về điểm sàn là đúng đắn và cần thiết. Vì nếu còn áp dụng phương thức thi “ba chung” như hiện nay thì vẫn cần có điểm sàn.
Nhưng đã đến lúc cần đặt câu hỏi thi tuyển sinh “ba chung” như hiện nay có còn phù hợp? Có thể tìm kiếm một phương thức tuyển sinh khác phù hợp hơn hay chưa để không tái diễn mãi những hiện tượng xé rào tuyển sinh đang có xu hướng trở thành phổ biến trong khi bộ vẫn lúng túng, bị động trước sự biến hóa khôn lường của các chiêu xé rào?
Theo THANH HÀ
(TTO)
Bình luận (0)