Sáu tác phẩm đại diện cho điện ảnh Iran đương đại sẽ được trình chiếu miễn phí cho công chúng từ ngày 3-7/3 tại Hanoi Cinematheque, 22A Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Phim Someone wanna talk to you
Khán giả sẽ có cơ hội tìm hiểu, khám phá đời sống nội tâm của phụ nữ Iran, lắng lòng trong những câu chuyện cảm động về tình cảm gia đình, đôi lứa, bạn bè, cách đối nhân xử thế… thông qua những bộ phim tâm lý xã hội được sản xuất trong vài năm gần đây như: Someone wanna talk to you (Cuộc gặp muộn màng), Mr. Yusef (Ông Yusef), Kanaan, I’m his wife (Người vợ), I’m sleepy (Tôi muốn ngủ), Hidden sense (Tình cảm thầm kín).
Từ thập niên 90 của thế kỷ trước, cùng với Trung Quốc, xứ sở Ba Tư đã trở thành một trong số những quốc gia xuất khẩu điện ảnh lớn và trọng yếu của thế giới. Dù kinh phí hạn hẹp (so với chuẩn Hollywood) và chịu nhiều sự kiểm duyệt hà khắc, song điện ảnh Iran vẫn tỏa sáng nhờ ê-kíp làm phim giỏi nghề, sáng tạo, chịu cọ xát ở các đấu trường quốc tế.
Tại Iran, hằng năm có rất nhiều liên hoan phim quốc tế được tổ chức để làm giàu kinh nghiệm cho nước đăng cai. Điện ảnh Tây phương hoàn toàn yếu thế tại quốc gia này, nhường thị trường chiếu bóng cho sự thống lĩnh toàn diện của dòng phim thương mại và nghệ thuật nội địa.
Cảnh phim Kanaan, Im his wife
Năm 2012, bộ phim A seperation (Cuộc chia ly, đạo diễn: Asghar Farhadi) đem về cho đất nước nghìn lẻ một đêm giải Oscar đầu tiên ở hạng mục Phim nước ngoài xuất sắc nhất. Phim này còn đoạt luôn cả giải Quả Cầu Vàng 2011 và Gấu Vàng tại Liên hoan Phim Berlin 2011.
Trước đó, điện ảnh Iran còn được vinh danh bằng giải Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes 1997 cho phim Taste of cherry (Abbas Kiarostami) và Sư Tử Vàng tại LHP Venice 2000 cho phim Circle (Jafar Panahi).
Tuần Phim Iran sẽ khai mạc lúc 18g30 ngày 3/3 dành cho các khách mời. Từ ngày 4-7/3, khán giả vào cửa tự do.
Chương trình do Đại sứ quán Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 35 năm ngày thắng lợi của Cách mạng Hồi giáo Iran, ũng là Quốc khánh Iran – 11/2/1979.
Theo PNO
Bình luận (0)