Y tế - Văn hóaThư giãn

Quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang – Còn nhiều khoảng cách

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Ngày 28-3, tại TPHCM, Bộ VH-TT-DL, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) đã tổ chức Hội nghị tổng kết 1 năm thực hiện Nghị định 79/2012/NĐ-CP và Thông tư 03/2013/TT-BVHTTDL. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở VH-TT-DL các tỉnh thành khu vực phía Nam, các đơn vị, doanh nghiệp của nhà nước và tư nhân đang hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật.
Thẩm định chuyên môn với người mẫu để cấp thẻ hành nghề được xem là khó khăn vì thiếu cơ sở (giấy tờ, bằng cấp).
Còn nhiều hạn chế
Sau một năm triển khai và áp dụng, Nghị định 79 và Thông tư 03 đã đạt được một số mặt tích cực trong công tác quản lý nhà nước: Nâng cao nhận thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Xử phạt nghiêm khắc các trường hợp vi phạm (tạm dừng cấp phép biểu diễn với Lê Thị Huyền Anh – Bà Tưng, Phương Trinh; xử phạt ca sĩ Phương Trinh, người mẫu Quế Vân, Phan Hoàng Thu…). Trong năm 2013 đã cấp 1.460 giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; phê duyệt 530 bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu; cấp phép tổ chức 1 cuộc thi hoa hậu, 3 cuộc thi hoa khôi, 6 cuộc thi người đẹp cấp tỉnh; cho phép phổ biến trên 600 bài hát sáng tác trước năm 1975 và do người Việt Nam định cư tại nước ngoài sáng tác.
Tuy nhiên, thông tư vẫn còn nhiều hạn chế, vì chưa theo sát và đáp ứng được đòi hỏi từ thực tiễn đời sống. Các đại biểu tham dự hội nghị bày tỏ những lúng túng khi nảy sinh vấn đề tại địa phương mình, trong quá trình thực hiện Nghị định 79 và Thông tư 03. Vấn nạn băng đĩa lậu tràn lan, nhưng rất khó xử phạt vì hiện nay các xe đẩy bán băng đĩa đến tận hang cùng ngõ hẻm.
Việc cấp phép cho ca sĩ hải ngoại về Việt Nam biểu diễn còn nhiều thủ tục nhiêu khê, nên thường xảy ra trường hợp nhiều đơn vị xin phép biểu diễn cho cùng một ca sĩ. Chưa có quy định về việc cấp phép cho người nước ngoài tham gia sản xuất và phát hành băng đĩa tại địa phương. Rất khó kiểm soát, xử phạt những trường hợp vi phạm hát nhép, ăn mặc phản cảm trên các chương trình của đài truyền hình…
Không ít trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm, nhưng cơ quan quản lý gặp lúng túng vì không có câu trả lời cụ thể hoặc không thể xử phạt tới nơi tới chốn, điển hình là vụ thu hồi giấy phép tổ chức cuộc thi Nữ hoàng biển Việt Nam và vụ người đẹp Diễm Hương nói dối để đi thi. Vụ vi phạm của Diễm Hương trở thành phần tranh cãi sôi nổi nhất hội nghị. Không có điều khoản tước danh hiệu hoặc thu hồi giấy phép đã cấp, trong các văn bản nghị định, thông tư, khiến cơ quan quản lý nhà nước gặp nhiều lúng túng khi giải quyết vụ việc và đưa ra câu trả lời thỏa đáng cho báo chí.
Một số vấn đề như: Diễm Hương bị cấm biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, nhưng có bị cấm đóng phim hay không và cấm trong thời gian bao lâu? Diễm Hương có bị tước danh hiệu hay không và ai có quyền tước? Là những câu hỏi mà báo chí đặt ra với ông Nguyễn Đăng Chương – Cục trưởng Cục NTBD nhưng không có câu trả lời cụ thể vì “còn phải chờ văn bản trả lời chính thức từ nhiều cơ quan liên quan”.
“Nóng” chuyện thẻ hành nghề
Theo dự kiến của Cục NTBD, từ 1-4-2013 tiến hành các thủ tục nhận hồ sơ và đến 1-7 chính thức áp dụng thẻ hành nghề trong hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật (với các đối tượng đầu tiên gồm ca sĩ, người mẫu). Các ý kiến đều ủng hộ việc cấp thẻ hành nghề vì cơ quan quản lý có cơ sở để quản lý tốt hơn, nghệ sĩ cũng ý thức hơn trong hoạt động biểu diễn và phát ngôn của mình.
Tuy nhiên, theo ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM: “Cần một lộ trình chuẩn bị chu đáo, mới có thể hoàn thiện được việc cấp thẻ hành nghề, vì hiện nay chúng ta chưa có cơ sở pháp lý về vấn đề này. Từ 1-4 chỉ có thể bắt đầu tiến hành các thủ tục tiếp nhận hồ sơ và đến đầu năm 2015 mới thực sự áp dụng. Trước tiên phải điều chỉnh Nghị định 79 về điều khoản buộc phải có thẻ hành nghề (hiện nay chưa có điều khoản này) và bổ sung vào Nghị định 158 (xử lý xử phạt hành chính về hoạt động văn hóa) thêm điều khoản xử phạt người không có thẻ hành nghề, cùng mức độ xử phạt cụ thể. Có như thế, cơ quan quản lý mới có căn cứ để làm việc, xử phạt một cách rõ ràng”.
Vấn đề thành lập hội đồng thẩm định tại các địa phương, cũng được đặt ra. Phải có hội đồng thẩm định mới có thể sàng lọc đúng đối tượng, đánh giá khả năng chuyên môn theo quy định được cấp thẻ hành nghề. Tiêu chí để cấp thẻ cũng phải rõ ràng, để tránh độ “chênh” về đánh giá tại những địa phương khác nhau, cũng là ý kiến rất đáng lưu tâm.
Đại diện Sở VH-TT-DL TPHCM còn nêu ý kiến: “Thẻ hành nghề không quy định cụ thể một lĩnh vực, nếu một người hoạt động cùng lúc nhiều lĩnh vực, nhưng họ chỉ vi phạm một lĩnh vực thì sẽ xử lý thế nào?”.
Nhiều ý kiến đưa ra với mục đích làm sao cho việc cấp thẻ hành nghề dễ dàng nhất (tránh kiểu xin – cho), hiệu quả nhất. Ai cũng nhận định rằng đây là một việc khó khăn, nhưng “dù rất khó và cần thời gian chuẩn bị chu đáo, nhưng nếu quyết tâm làm và làm đến nơi đến chốn là được”, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn khẳng định.
Theo SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)