Từ trung tâm có truyền thống sản sinh ra thế hệ các nhà VĐTG, các siêu ĐKTQT hàng đầu thế giới, HLV Nga Anatoly Shvedchikov cho rằng hiện tượng Lê Quang Liêm và cờ Vua Việt Nam đã dạy nước Nga một bài học về công tác phát triển.
Năm 2011 tiếp tục lặp lại những chiến tích vang dội của Lê Quang Liêm: đầu tiên là việc bảo vệ thành công chức vô địch Moscow Aeroflot Open – vốn dĩ là một thử thách khắc nghiệt với các tài năng cờ ngoại quốc và tiếp đến là ngôi á quân lần thứ 2 giải Dortmund quốc tế – một giải mà Liêm đã không để thua ván nào trước các cao thủ người Nga, đặc biệt anh còn thắng 1 ván trước ĐKTQT số 10 thế giới Ponomariov. Hiện tượng Lê Quang Liêm khiến người Nga phải tự đặt câu hỏi: thành công gần đây của Liêm có dạy họ điều gì đó về sự cân bằng trình độ giữa Nga và châu Á?
HLV Shvedchikov (thứ hai bên trái) đang theo dõi ván đấu của |
Anatoly Shvedchikov, HLV nhiều năm làm việc với các kỳ thủ Việt Nam đã giải thích sự đầu tư của Chính phủ Việt Nam nhằm xây dựng nền tảng dẫn tới sự phát triển nhanh chóng của nền cờ Vua Việt Nam thời gian qua: “Giờ đây chúng ta đã biết cờ Vua Nga thiếu điều gì – đó là quỹ kinh phí đầu tư ban đầu của Chính phủ. Không phải ngẫu nhiên mà cờ Vua được chọn đầu tư ở Việt Nam. Vốn gặp nhiều khó khăn khi hội nhập thế giới ở các môn cần thể lực tốt, Việt Nam đã đầu tư vào cờ và đây là một quyết định đúng đắn. Bạn có thể khẳng định rằng cờ Vua Việt Nam đang đứng thứ 3 tại châu Á sau Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời vượt qua nhiều nước có truyền thống phát triển cờ Vua như Philippines, Uzbekistan, Kazakhstan…"
Thời Xô viết, nước Nga có một cấu trúc phát triển cờ tuyệt vời: rất nhiều CLB, các cung thiếu nhi, nhiều giải đấu và sự hỗ trợ của chính phủ. Kết quả là khoảng 5 triệu người chơi cờ, rồi số lượng dần chuyển hóa thành chất lượng. Mỗi năm có hàng tá kỳ thủ giỏi xuất hiện, nhưng không có một cơ chế chuẩn bị đặc biệt nào. Mọi người nghiên cứu cờ khi họ có thể và khi họ muốn. Giờ đây, nhìn các nước đứng đầu châu Á, khi số lượng người yêu và chơi cờ ở Nga giảm đi, Liên đoàn cờ Nga lại mong muốn thiết lập được một hệ thống chuẩn bị thực sự, khi họ bị Trung Quốc và Ấn Độ bỏ xa vì nguồn cung cấp tài năng dồi dào, và ấn tượng bởi cách giải quyết vấn đề hiệu quả ở các nước đang phát triển như Việt Nam.
Về Lê Quang Liêm, ông Shvedchikov kể lại: “Vài năm trước, Liên đoàn cờ Vua Việt Nam giới thiệu tôi làm việc với tài năng hứa hẹn nhất của họ. Trong vòng 2 năm sống tại Việt Nam, một tuần 3 buổi tôi đến nhà Liêm để dạy cờ – lúc đó cậu ấy vẫn còn là một học sinh phổ thông. Công việc khá hiệu quả vì tôi có thể ngồi cùng Liêm nghiên cứu kiến thức mang đặc điểm nổi bật của lối đánh Nga và Đức. Tôi là học trò của Đại kiện tướng quốc tế Krogius – một đại diện tiêu biểu của trường phái tấn công kiểu Đức và một số nhân vật tầm cỡ khác như Steinitz, Tarrasch, Lasker… Tất cả những tinh hoa của các trường phái này cộng với phương pháp phòng ngự và tư duy, đặc biệt là phương pháp suy nghĩ để ổn định tâm lý đã được truyền lại cho Liêm. Và cậu ấy đã hấp thụ rất tốt – một biểu tượng kết hợp giữ 2 trường phái Nga – Đức”. Ông Shvedchikov cũng nhấn mạnh thành công của Liêm đến từ “khả năng làm việc khổng lồ” và sự hậu thuẫn vững chắc của gia đình.
Minh Hà (theo vnexpress)
Bình luận (0)