Y tế - Văn hóaThư giãn

Chưa định hình mẫu lễ phục nhà nước

Tạp Chí Giáo Dục

Sau một thời gian dài phát động rồi lại linh hoạt thay đổi các tiêu chí, nhưng đã nhiều tháng qua, Bộ VH-TT-DL vẫn chưa tìm ra được mẫu lễ phục nhà nước.
Dư luận đặt ra câu hỏi, phải chăng tiêu chí của cuộc thi không rõ ràng, chưa thiết thực hay các nhà thiết kế Việt Nam hiện nay đang thiếu “tâm – tài” như ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đã tuyên bố.
        Rối rắm
Ông Vi Kiến Thành cho hay, theo chỉ đạo của Bộ VH-TT-DL, cục đã mời gọi tất cả các nhà thiết kế, kể cả công dân nước ngoài, vào cuộc. Sau hơn 2 tháng thông báo cuộc thi, cục đã nhận được gần 300 thiết kế lễ phục nhà nước. Tuy nhiên, Hội đồng nghệ thuật sau đó đã không chọn được mẫu trang phục nào. Với mong muốn tìm được những mẫu trang phục tốt, cục sau đó chuyển từ thi tuyển sang phương án đặt hàng các nhà thiết kế chuyên nghiệp. Thế nhưng mọi việc không diễn ra suôn sẻ theo ý muốn bởi lẽ trong quá trình hợp tác, 13 nhà thiết kế đã không thể làm việc tập thể mà đề nghị tách nhóm. Theo đó, một nhóm gồm 7 người sáng tác độc lập và một nhóm còn lại là 6 người gồm các nhà thiết kế tên tuổi như Lan Hương, Minh Hạnh, Sỹ Hoàng, Đức Hùng…
Thế nhưng, những thiết kế trên giấy của cả hai nhóm đều không được Hội đồng nghệ thuật chấp thuận do không đáp ứng được các tiêu chí đề ra. Nhà sử học Dương Trung Quốc, thành viên Hội đồng nghệ thuật, sau khi xem xét toàn bộ các mẫu dự thi, đã thốt lên: “Hình như cũng đã cạn rồi. Khả năng của ta cũng chỉ tàng tàng đến thế mà thôi”.
Không chấp nhận kết quả này, các nhà thiết kế đề nghị được thể hiện bằng sản phẩm thực vì thiết kế trên giấy không chuyển tải được hết ý tưởng của họ. Cục chấp nhận, đồng ý và sẽ đưa các sản phẩm ra hội đồng tuyển chọn. Tuy nhiên, khi tiến hành đến công đoạn này, các nhà thiết kế lại tiếp tục đặt thêm nhiều điều kiện mà ban tổ chức khó lòng có thể đáp ứng như: nếu muốn họ gửi mẫu thiết kế đến thì Bộ VH-TT-DL phải có văn bản công nhận họ là những nhà thiết kế lễ phục nhà nước và chỉ họ là những người được theo đuổi dự án này; không đồng ý cho bất kỳ ai tham gia dự án này. Ông Vi Kiến Thành nói: Cục thấy điều này là bất hợp lý ở chỗ, chọn là chọn các thiết kế, đáp ứng các tiêu chí trở thành lễ phục nhà nước chứ cục không chọn con người của thiết kế này hay thiết kế kia. Hơn nữa, nếu chọn phải trên cơ sở được hội đồng thông qua, còn ở đây, hội đồng chưa biết mặt mũi thiết kế đó như thế nào, chất lượng ra sao mà lại ra điều kiện với bộ công nhận thì cục không chấp nhận được điều đó. Chính vì thế, hiện nay ban tổ chức kết thúc làm việc với nhóm 6 người này và đã có văn bản cảm ơn tới họ. Cuộc tuyển chọn lễ phục lại tiếp tục rơi vào bế tắc.
        Đến bao giờ mới tuyên bố dừng?
Việc không tìm được mẫu thiết kế nào trong cuộc thi này không phải là chuyện gây sốc mà nó chỉ lặp lại vết xe đổ của cuộc thi tìm kiếm lễ phục đã từng được tổ chức dự án từ năm 1991, tức là 20 năm trước. Khi đó, cuộc thi cũng được phát động một cách rầm rộ và cũng khép lại khi không có bất cứ mẫu thiết kế nào được chọn. Chia sẻ thất bại này, ông Vi Kiến Thành cho rằng, việc làm lễ phục nhà nước khó ở chỗ các ý kiến trong xã hội rất khác nhau, trong khi các nhà thiết kế thời trang Việt Nam dường như chỉ có thế mạnh ở việc thiết kế các bộ trang phục mang tính trình diễn chứ không có tính ứng dụng vào đời sống. Đó còn là cái yếu của nhà thiết kế thời trang Việt Nam. Thậm chí, có thành viên trong hội đồng tuyển chọn còn gợi ý, nên chăng đi thuê hoặc nhờ các nhà thiết kế nước ngoài!
Dù thừa nhận các nhà thiết kế thời trang thời điểm này thiếu tâm và tài nhưng ban tổ chức vẫn nuôi hy vọng sẽ tìm được bản thiết kế ưng ý khi tiếp tục mở ra vòng tuyển chọn thứ 3. Về thời hạn, ông Vi Kiến Thành nói: “Việc tìm lễ phục, chúng tôi nghĩ cũng có lẽ phải đến một ngày nào đó kết thúc nhưng chúng tôi vẫn còn hy vọng. Chúng tôi đã nhận lời bằng văn bản của 3 nhà thiết kế tiếp tục muốn theo đuổi dự án này. Kết quả phụ thuộc vào thiết kế của họ, thiết kế trên bản vẽ và sản phẩm. Hơn nữa, nó phải đạt được tiêu chí và được hội đồng thông qua và trình lên lãnh đạo bộ để xem xét cuối cùng. Nếu đợt tới không đạt được mục đích đề ra, chúng tôi sẽ tính đến phương án báo cáo bộ chấp nhận dừng, bởi chúng ta không làm được”.
Theo SGGP

 

Bình luận (0)