Đó là Gabriel Garcia Marquez. Hàng mấy mươi năm qua, ngoài giải Nobel danh giá (năm 1982) còn là tình yêu của hàng trăm ngàn độc giả từ khắp các châu lục dành cho cha đẻ của Trăm năm cô đơn
Có một “hiện thực ngoại cỡ” tồn tại nơi châu Mỹ Latin, là yếu tố bồi đắp nên đứa con vĩ đại nhất châu lục này: Gabriel Garcia Marquez. Chiều kích “ngoại cỡ” của hiện thực nơi đây đã tạo nên cụm từ “hiện thực huyền ảo” mà Marquez trong suốt đời cầm bút của mình đeo mang như một cứu cánh. Vượt lên vẻ đẹp hoang sơ hay tân kỳ, bi kịch đẫm máu từ chủ nghĩa đế quốc, nội chiến liên miên và sự bối rối trong hoàn cảnh sống của con người từ xã hội tiền công nghiệp trở đi, Marquez còn trao cho văn chương sứ điệp về thân phận con người – thân phận trước nỗi cô đơn. Từ đây, chiều “ngoại cỡ” của hiện thực đã tìm được một nội dung cụ thể để tỏ bày: Còn gì bất thường hơn, bi kịch hơn và hiện thực hơn chính sự cô đơn mà khối lục địa buồn này phải đối mặt qua những gương mặt người cụ thể?
Văn hào Gabriel Garcia Marquez (bìa phải) vừa qua đời Ảnh: EPA
Đó là nỗi cô đơn đến đọa lạc giữa hai tâm hồn yêu đương bền vững nhưng đến cuối đời mới tìm thấy nhau (trong Tình yêu thời thổ tả). Đó là nỗi cô đơn đến tận cùng diệt vong của một dòng họ 7 đời tự tách mình ra khỏi vòng xoáy xã hội nhưng cũng đồng thời tự đẩy mình đến tội lỗi loạn luân (trong Trăm năm cô đơn). Nỗi cô đơn cũng không tha cả một xác chết trôi thiếu quê hương, vô nhân xưng, trôi dạt đến miền đất lạ, bị kết án cô đơn vì kích thước to lớn khác thường của nó (trong Người chết trôi đẹp nhất trần gian)… Gabriel Garcia Marquez là nhà văn viết về nỗi cô đơn hay nhất của thời đại chúng ta chăng? Câu trả lời đã có khi hàng mấy mươi năm qua, ngoài giải Nobel danh giá năm 1982 còn là tình yêu của hàng trăm ngàn độc giả từ khắp mọi miền châu lục dành cho cha đẻ của Trăm năm cô đơn và các tác phẩm sau đó.
Một điều đặc biệt là nỗi cô đơn nhà văn dày công khắc họa không gói gọn trong một thân phận hay một vùng đất mà mở rộng biên độ ra cả châu lục, biến toàn bộ châu lục ấy xứng hợp với tên gọi “lục địa buồn”. Tôi rất thích truyện ngắn Người chết trôi đẹp nhất trần gian của Marquez, kể về cách nhìn, ứng xử của một ngôi làng nhỏ với một xác chết trôi tình cờ dạt đến: đám đàn ông thì bình thường và hơi hậm hực, đám đàn bà con gái thì phấn khích và thương xót cho cái xác vô danh tính nhưng mang vẻ đẹp bất thường từ gương mặt, làn da đến vóc dáng. Nhà văn đã lồng vào đó tính hiện thực huyền ảo sâu xa cho nỗi cô đơn của toàn bộ châu lục mình: Tầm vóc ngoại cỡ của xác chết trôi là tính chất hiện thực ngoại cỡ mà châu Mỹ Latin đang mang lấy, cách nhìn đối lập giữa hai phái là cách mà chúng ta – những kẻ đứng bên ngoài – nhìn về châu lục này: lối nhìn hiện thực (ở đám đàn ông) và lối nhìn huyền thoại (ở những người phụ nữ). Ta nhận ra rằng vẻ đẹp tráng lệ của huyền thoại có thể tồn tại trong thế giới thực mà con người lạ mặt trôi dạt trên biển này là một bằng chứng hiển nhiên. Mỹ Latin là nơi duy nhất trên thế giới xứng đáng với cách nhìn nhận ấy, xứng đáng với phong cách hiện thực pha lẫn huyền thoại, làm nên tính chất “ngoại cỡ” của một hiện thực thực tồn. Chính vì là nơi duy nhất, nên tính chất đó đồng thời biến nó thành địa chỉ cho nỗi cô đơn trú ngụ. Hình ảnh một xác chết trôi ẩn dụ cho châu lục này, dù đẹp trong vóc dáng huyền thoại nhưng vẫn là một cái xác cô đơn, buồn bã trôi dạt trên đại dương không bến bờ.
Nỗi cô đơn ấy còn mở rộng biên độ ra toàn nhân loại khi trong Trăm năm cô đơn, người đọc tìm thấy huyền tích Kinh Thánh về tội lỗi của con người. Hành trình cuộc đời của người đầu tiên trong dòng họ là Jose Acardio Buendia, từ rời bỏ cộng đồng để lập ra vùng đất Macondo đến khi kết thúc cuộc đời trong bi kịch bởi căn bệnh mất trí, dường như vẽ lại hành trình cuộc đời của người đàn ông đầu tiên của nhân loại – Adam. Tự tìm lấy vùng đất mới và bị nguyền rủa rồi trục xuất khỏi thiên đường khi ăn phải quả từ cây trí tuệ (giống như việc Jose Acardio Buendia vùi mình vào khoa học, tự nhốt mình trong phòng thí nghiệm để say mê đi tìm kiếm tri thức và hóa điên trên con đường ấy), Jose A.Buendia là biểu tượng cho thân phận lưu vong của nhân loại cô đơn vì tội tổ tông, chia tách khỏi Thượng đế và ngày càng lạc lối, cuối cùng đi đến diệt vong khi ngày phán xét cuối cùng đã điểm (làng Macondo bị xóa sổ sau trận mưa lụt kéo dài 4 năm 11 tháng 2 ngày). Bi kịch của một dòng họ kéo dài trăm năm cũng chính là bi kịch của toàn nhân loại trong thời hiện đại – bi kịch phận người, bi kịch cô đơn.
Chỉ tình yêu mới cứu vớt được bi kịch ấy. Hai thân phận đọa lạc trong Tình yêu thời thổ tả cô đơn dù ở giữa nhân loại nhưng đã tìm thấy cả nhân loại dù đơn độc cùng nhau trên chiếc tàu treo lá cờ vàng báo hiệu sự hiện diện của người bị bệnh thổ tả. Một tình yêu lưu đày – một huyền thoại mới – dù cô đơn nhưng là nỗi cô đơn của sự tự định đoạt: “Một huyền thoại mới, hấp dẫn của cuộc sống, nơi không ai bị kẻ khác định đoạt số phận mình ngay cả cái cách thức chết, nơi tình yêu có lối thoát và hạnh phúc là cái có khả năng thực sự, và nơi những dòng họ bị kết án Trăm năm cô đơn cuối cùng và mãi mãi sẽ có vận may lần thứ hai để tái sinh trên mặt đất này”.
Tiếc thương sâu sắc
Gabriel Garcia Marquez, nhà văn người Colombia từng đoạt giải Nobel, đã qua đời vào ngày 17-4 (giờ địa phương) tại nhà riêng ở TP Mexico – Mexico. Ông hưởng thọ 87 tuổi. Marquez là một trong những nhà văn vĩ đại, có nhiều tác phẩm nổi tiếng, trong đó được biết đến nhiều nhất là tiểu thuyết Trăm năm cô đơn.
Thương tiếc trước sự ra đi của ông, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos ngày 18-4 tuyên bố 3 ngày quốc tang. Nhiều nguyên thủ quốc gia cũng đã bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc với văn hào vĩ đại này.
|
Theo NLĐ
Bình luận (0)