Y tế - Văn hóaThư giãn

Tiếng chim vườn ngọc lan – Những điều chưa biết

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Năm 1999, vở Tiếng chim vườn ngọc lan như trái bộc phá đầu tiên trong làng kịch nói khi chọn đề tài về người đồng tính. Nói khi chưa ai dám nói. Nói một cách sạch sẽ, sang trọng. Và nói bằng cách cảm động nhất.

NSND Hồng Vân (vai Ngọc Lan) và NSƯT Thành Lộc (vai Lữ Đạo Kinh) – Ảnh: Đoàn Khoa
Sau khi tốt nghiệp đạo diễn Trường Sân khấu – điện ảnh TP.HCM năm 1985, 1986 Minh Nguyệt về công tác ở Nhà Văn hóa quận 5. Vở Tôi chờ ông đạo diễn (tác giả Lê Hoàng) mà Minh Nguyệt dàn dựng để thi tốt nghiệp được Đoàn kịch Trẻ biểu diễn năm 1989 gây ấn tượng đặc biệt trong làng kịch. Đang say nghề thì đùng một cái chị xuất giá theo chồng. Chồng chị không muốn vợ theo nghệ thuật sợ vất vả. Lúc ấy Minh Nguyệt cũng phát hiện mình “mát tay” kinh doanh nhà cửa, chị mua đất, mua nhà cũ, rồi tự nghĩ ra ý tưởng xây mới lại thật đẹp, thật sang, bán ra có lãi rất nhiều. Xây được 10 cái nhà như thế thì một hôm chị đi xem sân khấu… Vở Đèn lồng đỏ cao cao do đạo diễn Hoa Hạ dàn dựng cho IDECAF đẹp lung linh và thổn thức khiến trái tim Minh Nguyệt òa vỡ bao nỗi niềm chất chứa suốt 10 năm.
10 năm 1 tác phẩm
Chị đóng sập cửa, viết kịch bản Tiếng chim vườn ngọc lan, rồi đưa kịch bản cho hai người bạn là Thành Lộc và Đoàn Khoa cùng đọc. Cả hai chúc mừng, sau đó Thành Lộc chọn ngay nhân vật Lữ Đạo Kinh. Thế là Tiếng chim vườn ngọc lan lên sàn tập 5B, ra mắt vào năm 1999.
Thế giới của người đồng tính lần đầu tiên được nói đến, nhẹ nhàng nhưng sâu thẳm nỗi đau, và sang trọng, quyến rũ bởi diễn xuất của những nghệ sĩ đẳng cấp như Thành Lộc, Hồng Vân, Quốc Thảo, Diệp Lang, Việt Anh, Kim Xuân… Đạo diễn Minh Nguyệt ra shop vải nổi tiếng ở đường Đồng Khởi đặt may trang phục cho diễn viên, toàn gấm thượng hạng, áo lông thú đắt tiền, và những đôi giày xịn, những cái túi xách hàng hiệu, để xứng với bối cảnh một gia đình danh gia vọng tộc Trung Quốc thời xưa. Thậm chí bộ trang phục cho cha con ông thợ bạc nhà nghèo là Diệp Lang – Quốc Thảo, Minh Nguyệt cũng nhất quyết tìm loại đũi tuy nhìn mộc mạc nhưng rất sang và đắt giá. Chị nói: “Sân khấu 5B rất nhỏ, khán giả ngồi gần, nếu vải xấu sẽ lộ ra hết”.
Tiếng chim vườn ngọc lan - Những điều chưa biết 2 
NSND Diệp Lang (vai cha của Thao Hồng), Quốc Thảo (vai Thao Hồng), NSND Hồng Vân (vai Ngọc Lan) trong vở Tiếng chim vườn ngọc lan – Ảnh: Minh Châu
Nhưng chị không ngờ nghệ sĩ Thành Lộc còn mê nhân vật hơn cả chị. Thành Lộc tự đi “săn” vải, cực kỳ đẹp, bỏ tiền ra may một lúc 10 bộ để xuất hiện trong 10 cảnh của vở kịch. Như thế cũng là hợp lý, để nói được nhân vật Lữ Đạo Kinh rất mê vải, vì thực chất anh chính là phụ nữ. Trong ký ức của người viết, mỗi lần Lữ Đạo Kinh xuất hiện khán giả lại ồ lên vì trang phục quá đẹp. Con mắt thẩm mỹ của Thành Lộc đã giúp anh tạo nên những bộ quần áo sang trọng về chất liệu lẫn kiểu dáng, lung linh dưới ánh đèn màu được đánh sáng khéo léo càng tôn lên chất ngọc ngà nhưng cũng phù du mỏng manh! Thành Lộc còn sắm thêm một bộ hoa tai toòng teng, sáng lấp lánh, vừa đeo vào đã khiến đạo diễn la ré lên: “Trời đất ơi, không được! Lộc làm như vậy thì nhân vật sến lắm. Chỉ một bộ hoa tai nhỏ là đủ rồi”. Thành Lộc cười hì hì nghe lời.
Và sự có mặt của NSND Diệp Lang trong vai người cha cũng làm khán giả ngạc nhiên bởi thời ấy rất ít nghệ sĩ cải lương tham gia kịch nói. Thật ra ban đầu Minh Nguyệt chọn nghệ sĩ Thành Hội, nhưng vì anh bận việc nên họa sĩ Lê Văn Định tiến cử Diệp Lang. Không ngờ ông đóng giỏi quá, với gương mặt phúc hậu, đẹp lão, và giọng nói khiến khán giả rơi nước mắt. Minh Nguyệt rút lại một câu thật quý giá dành cho ông: “Ông diễn rất xi-nê”.
Diễn xong, có một người đàn ông là chủ một nhà hàng bên Mỹ đi thẳng vào hậu trường tìm Thành Lộc và Minh Nguyệt bắt tay: “Tôi cảm ơn các bạn. Các bạn đã dám đi trước thời đại, đặt ra một vấn đề mà sân khấu chưa dám nói”. Còn đạo diễn Việt Linh thì hỏi thẳng băng: “Con nhỏ này là ai vậy?”. Đoàn Khoa đỡ lời: “Bạn học chung lớp đạo diễn với em đó”. Nghệ sĩ Minh Trang thì nắm tay Minh Nguyệt: “Chị viết vở nào khác cho em đóng nhé”. Minh Nguyệt xúc động đứng như trời trồng. Bởi lúc đó Việt Linh là một tên tuổi lẫy lừng với hàng loạt phim đình đám, và nghệ sĩ Minh Trang là nỗi tương tư của dân mê kịch, đến mức Minh Nguyệt cứ bị gia đình gọi là Hà My vì chị lúc nào cũng mơ tưởng đến vở Hà My của tôi trong đó Minh Trang đóng vai nữ chính. Minh Nguyệt không thể ngờ hai thần tượng của mình giờ đang khen ngợi mình. Và chính câu nói của Minh Trang đã khiến Minh Nguyệt viết một kịch bản khác là Trái tim kiêu hãnh để “đo ni đóng giày” cho Minh Trang, giờ đang lên sàn tập dở dang.
Và Minh Nguyệt cũng “mắc nợ” nghệ sĩ Thanh Thủy một lời hứa để sau này chị viết Cánh đồng bất tận cho Thanh Thủy đóng chính. Bởi khi Tiếng chim vườn ngọc lan đang hồi ăn khách thì Hồng Vân đi sô nước ngoài, Thanh Thủy được mời thế vai. Không ngờ Thanh Thủy không kém gì đàn chị Hồng Vân, tạo nên một màu sắc riêng, một chiều sâu thăm thẳm, khán giả vỗ tay không ngớt. Từ đó, Hồng Vân và Thanh Thủy cùng đúp vai cho nhau. Rồi 10 năm sau, 2009, Thanh Thủy bước vào Cánh đồng bất tận trong vai cô gái điếm đầy ngọt ngào và thương cảm.
Bây giờ thì có khá nhiều vở diễn nói về người đồng tính, nói mạnh hơn, thẳng thắn hơn, nhưng không vở nào cảm động và sang trọng bằng Tiếng chim vườn ngọc lan với hình ảnh Thành Lộc xõa mình trên cỏ thèm được sống đúng với bản thân mình, đẹp lung linh như một nỗi ám ảnh kiếp người phù du, đau đớn. Và chiếc áo trắng muốt của Hồng Vân cùng chiếc lồng chim ngà ngọc cũng tan vào hư vô. Họ chết vì tình yêu, họ chết vì không bước qua được bản thân mình. Khán giả còn nghe đọng lại một làn hương ngọc lan thoang thoảng nơi thánh đường sân khấu năm xưa…
Theo TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)