Y tế - Văn hóaThư giãn

Chảy máu nhân tài âm nhạc hàn lâm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nhân tài lần lượt ra đi trong khi chính âm nhạc hàn lâm Việt Nam cũng cần những người tài nhưng lực bất tòng tâm

Theo thống kê của Nhạc viện TP HCM, mỗi năm có hàng trăm người – gồm sinh viên năm cuối, giảng viên trẻ và những giảng viên lâu năm xin nghỉ hưu sớm – ra nước ngoài làm việc. “Không có đất dụng võ”, nhiều giảng viên, nghệ sĩ của âm nhạc hàn lâm tìm đến lãnh thổ khác ngoài Việt Nam để vừa được làm nghề vừa lo cho cuộc sống của mình.
Tìm đường sống
Cũng theo thống kê của Nhạc viện TP HCM, đầu vào của nhạc viện luôn rất đông. Tuy nhiên, cứ đến năm thứ 7, 8 hay 9, sinh viên lại vơi đi đến 3/4.
Bà Văn Thị Minh Hương, Giám đốc Nhạc viện TP HCM, lý giải: “Đơn giản vì sinh viên không có đầu ra. Họ ý thức được dù có theo đuổi niềm đam mê của mình thì vấn đề cuối cùng vẫn là cuộc sống. Chính vì vậy, dù đã đi gần hết chặng đường, hầu hết sinh viên đều bỏ cuộc. Với những sinh viên có hoàn cảnh khá giả, họ sẽ tiếp tục ngành học của mình ở nước ngoài. Hầu hết những sinh viên còn lại chuyển sang ngành học khác, chuẩn bị cho một công việc có thể bảo đảm thu nhập của họ trong tương lai”.
Mỗi năm, khi chương trình Giai điệu mùa thu được tổ chức, nhiều nhân tài âm nhạc hàn lâm mới có dịp trở về. (Ảnh do Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP HCM cung cấp)
Không chỉ sinh viên, ngay cả những giảng viên giỏi cũng lần lượt ra đi với lý do nghỉ hưu sớm như trường hợp giảng viên Bùi Công Thành hay Bích Hảo. Nguyên nhân duy nhất của việc chảy máu chất xám ngành âm nhạc chính là do nguồn thu nhập quá chênh lệch với trong nước. Bà Văn Thị Minh Hương khẳng định đến nay, có cả trăm giảng viên đang giảng dạy và chơi nhạc ở Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Hồng Kông… vì lý do duy nhất là sự đãi ngộ tuyệt vời ở đó.
Thu nhập bèo bọt
Hiện nay, mức lương của giảng viên ở Nhạc viện TP HCM thuộc hàng cao nhất. Ngoài khoản lương tháng, mỗi buổi diễn, giảng viên sẽ được nhận 100.000 đồng, thù lao cho một buổi tập là 50.000 đồng. Với những chương trình lớn, nghệ sĩ sẽ được nhận mức thù lao 700.000 đồng (cho diễn và tập). Với tần suất diễn 4 chương trình/tháng, nghệ sĩ thường được nhận 1,4 triệu đồng, trong khi chỉ huy dàn nhạc được nhận thù lao gấp đôi là 2,8 triệu đồng.
Đó là những con số thống kê chính thức từ Nhạc viện TP HCM. Trong khi đó, với các giảng viên Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, mức thù lao được nhận cao hơn rất nhiều lần. Tổng thu nhập của một nghệ sĩ trong dàn nhạc giao hưởng khoảng 1,2 tỉ đồng/năm (trừ các chi phí sinh hoạt thường ngày).
“Với những nghệ sĩ hàm giáo sư, mức lương trung bình từ 6.000 đến 7.000 USD/tháng, bên cạnh đó còn có các khoản thu nhập từ công trình nghiên cứu, lương trách nhiệm. Thu nhập của một trưởng khoa ở mức 1.600-1.700 USD/tháng. Một đêm diễn trong dàn nhạc được nhận thù lao 100 USD, trong khi tần suất biểu diễn dày đặc với 20 đêm/tháng. Với các chương trình lớn, thù lao được trả là 500-600 USD/đêm, chưa kể thù lao cho các buổi tập khoảng 30-50 USD/buổi. Đây là mức thù lao cho một giảng viên trong học viện âm nhạc ở Trung Quốc” – giảng viên Nguyễn Thanh Hà (hiện giảng dạy ở Trung Quốc) cho biết.
Đây chính là lý do mà nhiều giảng viên đã ra nước ngoài làm việc. Ngay cả Giám đốc Nhạc viện TP HCM Văn Thị Minh Hương cũng cho biết đang cân nhắc đến trường hợp ra nước ngoài theo lời mời của vài trường nhạc gần đây.
“Vấn đề cốt lõi nhất là nghệ sĩ Việt không có sân khấu để biểu diễn. Theo đuổi công việc giảng dạy để hình thành nên những tài năng là nguyện vọng của tất cả những người làm công việc đào tạo. Song, thực tế không thể phủ nhận là với tỉ lệ 1/1.000, thật khó để tìm ra một gương mặt nhân tài để theo đuổi đến cùng. Vì vậy, nhiều giảng viên chấp nhận đi dạy thêm trong những lớp căn bản cho học viên. Vì cơm áo gạo tiền, bản thân họ cũng sẽ bị lụt nghề. Đó là điều gây chán nản nhất” – bà Văn Thị Minh Hương bày tỏ. 
Chính sách đào tạo nhân tài ở xứ người
Nhiều giảng viên nhạc viện ra nước ngoài tham gia giảng dạy vì nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á có nhu cầu rất lớn. Giảng viên Nguyễn Thanh Hà cho biết tại nhiều nước châu Á, nhất là Singapore hay Thái Lan, giảng viên các học viện âm nhạc, kể cả học viện âm nhạc quốc gia, đều là người nước ngoài, kể cả cấp quản lý. Chẳng hạn, nhạc viện thuộc Đại học Mahidol nổi tiếng tại Thái Lan, Học viện Nghệ thuật quốc gia Hàn Quốc hay Viện Nghệ thuật biểu diễn Hồng Kông… có giảng viên quản lý đến từ Úc, Mỹ…; giảng viên chuyên đào tạo đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam… tạo nên một cơ chế rất thông thoáng và cập nhật.
“Đến 60%-70% giảng viên các trường này là người nước ngoài. Những người nước ngoài được thuê làm việc ở các học viện này sẽ đặt nền tảng vững chắc cho một thế hệ tương lai đầy triển vọng của người bản địa. Họ có nhiệm vụ đào tạo một thế hệ xuất sắc. Khi thế hệ này đã ổn định, những giảng viên nước ngoài sẽ được thay thế dần bằng người bản xứ. Đó là chính sách đào tạo được công khai” – anh Hà phân tích.
Tất nhiên, để có thể thu hút nhân tài phục vụ cho chiến lược đào tạo hiệu quả của mình, các học viện sẽ phải trả một mức lương cao với chế độ hậu đãi đủ làm hài lòng những người được mời.

Theo NLĐ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)