SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM có một nơi “an cư” tươm tất để yên tâm học tập. Ảnh: Q.Huy |
Trong khi các trường ĐH ngoài công lập than phiền bị đối xử không bình đẳng, ưu tiên quá nhiều chính sách cho trường công thì ngược lại các trường công lập cũng đang kêu. Họ kêu vì không có tiền để mua trang thiết bị, không có tiền, không có đất để xây ký túc xá (KTX) cho SV. Nếu SV không được “an cư” thì cũng khó có thể học tốt.
18 năm chưa xong làng ĐH
Kỷ lục này thuộc về làng ĐH Đà Nẵng. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga thì dự án xây dựng làng ĐH Đà Nẵng đã có từ cách đây 18 năm, trải qua hai đời hiệu trưởng đã về hưu và hiệu trưởng mới đang điều hành thì dự án này vẫn chưa có dấu hiệu gì khả thi. Mặt bằng vẫn chưa giải phóng, dân có đất bị thu hồi rất bức xúc. Vì họ cho rằng dự án có từ khi con họ chưa sinh, giờ con cái họ đã trưởng thành mà vẫn chưa giải quyết xong. Bộ GD-ĐT cũng đã nhận được nhiều công văn của UBND tỉnh Quảng Nam về vấn đề này. Trong khi đó, lãnh đạo ĐH Đà Nẵng cho biết tỷ lệ sinh viên của trường ở KTX thấp so với nhiều trường. Nên gây lên nhiều mối băn khoăn. Mong Bộ GD-ĐT cho khoản đầu tư nhất định để xây dựng KTX. KTX của trường được xây từ lâu, nhiều chỗ không dám sửa chữa. Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết làng ĐH Đà Nẵng đã tính đến phương án quy hoạch lại, chỗ nào không giải phóng được thì trả lại cho địa phương. Đề nghị ĐH Đà Nẵng có ý kiến chính thức.
Thiếu KTX không phải chỉ riêng ĐH Đà Nẵng mà ở tất cả các trường ĐH Việt Nam. Đa số KTX của các trường mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu ở của SV, do đó, để được ở KTX, SV thường phải thuộc diện được ưu tiên nhất định. Ông Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng ĐH Vinh cho biết chỉ có 8% SV của trường ở KTX. Tiền SV đi xe buýt đến trường nhiều hơn học phí. Trong ĐH Vinh có dự án xây dựng KTX nhưng cũng rất khó khăn. Ông Khoa chia sẻ trong quy hoạch của nhà trường các KTX đã được phê duyệt, thậm chí có vài cái đã được đầu tư. Tuy nhiên, khi gửi ra Bộ GD-ĐT, bộ yêu cầu không mở KTX mới mà sử dụng cho hết làng SV theo chương trình của Chính phủ.
60% SV phải đi ở trọ
Liên quan đến chỗ ở cho SV, lãnh đạo ĐH Nha Trang cho biết tại địa bàn tỉnh, có một loạt KTX đã hoàn tất nhưng đóng cửa chưa sử dụng trong khi cơ sở đào tạo lại rất cần KTX để dùng. Trong thực tế, tình trạng như ĐH Nha Trang không phải không có. ÔngTrần Duy Tạo, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em, Bộ GD-ĐT cho biết KTX nằm ngoài tầm của Bộ GD-ĐT. Trước đây, khi nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân còn làm Bộ trưởng, cục có đề nghị cho vay 8.000 tỷ trái phiếu Chính phủ thì sẽ giải quyết phần lớn chỗ ở cho SV. Nhưng lúc đó, Phó thủ tướng lại giao cho Bộ Xây dựng, họ có ý tưởng xây các làng ĐH tại các tỉnh, thành phố thay vì xây KTX trong các trường. Do vậy, đến giờ 8.000 tỷ đã giải ngân xong nhưng nhiều công trình chưa xong. Nhiều dự án làng SV ở Hà Nội đang đề nghị chuyển sang nhà xã hội. Do đó, đây là vấn đề nằm ngoài tầm tay của Bộ GD-ĐT. Ông Trần Duy Tạo nêu thực tế: “Nếu giờ đưa lên thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ nói đã có KTX cho SV rồi. Nhưng thực tế, các trường vẫn thiếu KTX”.
Xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng cho biết: Hiện mới có 20% SV được ở KTX, 20% ở tại gia đình, còn khoảng 60% phải đi ở trọ. Có 8 nhóm đối tượng Nhà nước quan tâm hỗ trợ nhà ở, trong đó có HS-SV. HS-SV là đối tượng đặc biệt, do không có thu nhập, nên cách hỗ trợ với HS-SV sẽ có nhiều điểm khác. Vì thế, Chính phủ đã quyết định thông qua chương trình xây dựng nhà ở cho HS-SV các trường ĐH. Đây là chương trình sử dụng 100% ngân sách Nhà nước. Để xây dựng nhà ở cho SV, Chính phủ đã quyết định chi 13.000 tỷ đồng và 10.000 tỷ đồng giá trị đất. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn, nên mới chọn ra 28 tỉnh thành (tiêu chí là có 10.000 SV trở lên) được đưa vào chương trình. Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, để xây dựng 2 khu KTX tập trung ở Mỹ Đình và Pháp Vân (Hà Nội) đã là một sự nỗ lực rất lớn. Tuy rằng khoảng cách xa nhưng nơi đây có hạ tầng cơ sở tốt hơn, hoàn thiện hơn, có thể giao lưu giữa sinh viên các trường tốt hơn.
Tuy nhiên, nếu khu KTX tập trung nằm ở quá xa các trường thì khó có thể hút được SV đến ở vì vấn đề đi lại sẽ rất khó khăn. Đa số các trường đều học tín chỉ, thời gian học linh động, không cố định như học niên chế. Do đó, thiết nghĩ, các nhà quản lý cần thiết kế chỗ ở cho SV phù hợp với điều kiện đi lại và điều kiện học tập của các em. Tránh tình trạng nhà xây xong không có SV ở, còn SV vẫn phải đi trọ ngoài.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)