Tòa soạnThư đi – tin lại

Coi chừng sai tiếng mẹ đẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện tượng nhắn tin bằng ngôn ngữ “quái dị” của giới trẻ đáng báo động. (ảnh minh họa)

Việc sử dụng tiếng lóng của một bộ phận giới trẻ hiện nay không còn xa lạ. Lạm dụng quá nhiều ngôn ngữ kiểu quái dị trong các diễn đàn hoặc nhắn tin qua điện thoại như ngôn ngữ thông thường hàng ngày rất nguy hiểm, nhất là khi các bạn trẻ xem đó là mốt, là thời thượng.
Học sinh cũng xài ngôn ngữ quái dị
Tôi thật sự bị sốc khi đọc được những dòng chữ quái dị mà cô em là SV năm thứ 2 Trường CĐ Công thương gửi qua yahoo chat cho tôi vào dịp 20-11 vừa qua. Lúc trước, đứa em trai gửi tôi một vài tin nhắn với ngôn ngữ kiểu @ ấy, tôi đã phải đọc mãi mới hiểu viết gì. Ví dụ như: “em chut ar2 dzui dze trog ngey le tizh iu nha!” (em chúc anh hai vui vẻ trong ngày lễ tình yêu nha!), hoặc là: “ar2 ui, hum ney em bun wa…” (anh hai ơi, hôm nay em buồn quá). Mặc dù khó đọc và căng cả đầu óc mới hiểu là vậy nhưng nhiều bạn trẻ vẫn cứ “làm khó” người khác.
Những tưởng chỉ một vài bạn trẻ thế hệ 9X hoặc 8X mới lạm dụng kiểu ngôn ngữ Việt không ra Việt, Tây không ra Tây, thế nhưng những ngôn ngữ kiểu ấy lại đang trở thành một ngôn ngữ thông dụng trong thanh, thiếu niên hiện nay. Ngôn ngữ lạ quái dị ấy phổ biến rộng rãi đến mức có thể thấy nhan nhản khi vào một vài diễn đàn hoặc các trang nhật ký cá nhân. Nhiều dẫn chứng về việc lạm dụng quá nhiều tiếng lóng làm cho ngôn ngữ “chính thống” bị méo mó, mất giá trị văn hóa tiếng Việt mà tôi từng được đọc tin nhắn mấy cô cậu học trò nhắn cho nhau như: “Bùn wa mài nhỉ, leij hần hít nem lép 12 roài… thì tụi mìn ko đc zui như hồi nem ngoái, nghĩ vậy thoai mừ teo bùn ghê gúm… Nhưng mìn hứa sẽ mãi lè bẹn than, đeng wen tao dzà mái trừng iu zấu nì nah”. Tôi phải “cầu viện” một bạn trẻ dịch câu văn trên như sau: “Buồn quá mày nhỉ, lại gần hết lớp 12 rồi… thế tụi mình không được vui như năm ngoái, nghĩ vậy thôi mà tao buồn ghê gớm… Nhưng mình hứa sẽ mãi là bạn thân, đừng quên tao và mái trường này nha”.
Không chỉ có thế, tại một số trang nhật ký cá nhân không ít các bạn trẻ còn giới thiệu cho những ai không đọc được ngôn ngữ @ này thì dùng phần mềm V2V (tạm coi là công cụ “dịch” sang tiếng Việt) sẽ cho người đọc biết chính xác ngôn ngữ đang sử dụng muốn nói gì. Ví dụ những câu thường được các bạn trẻ sử dụng sau: To^j dda^u co lo^~ gi co* chu* (đọc là: tôi đâu có lỗi gì cơ chứ), hay “3m hj~u chjt lj`n (em hiểu chết liền)…
Tình trạng lạm dụng quá nhiều tiếng lóng, từ địa phương cũng như vay mượn từ nước ngoài đang ngày càng trở nên đáng lo ngại và cần được quan tâm điều chỉnh.
Cần có sự định hướng
Trước thứ ngôn ngữ không giống ai trở nên thông dụng hơn bao giờ hết trong giới trẻ, tôi tự đặt câu hỏi cho mình: không biết có phải vì những câu nói kiểu này được dùng vì nó có vần hay không hoặc do thứ ngôn ngữ trên đang được xã hội chấp nhận? Tuy nhiên, khi tôi hỏi ngôn ngữ về các bạn trẻ thường sử dụng, một thầy giáo dạy văn buồn rầu nói: “Nhiều em nói tiếng Viêt còn chưa xong, viết không đúng, thêm ba cái tiếng không giống ai này nữa rồi cứ viết loạn cả lên. Nhiều khi chấm bài văn mấy em viết mấy thứ ngôn ngữ pha tạp lung tung mà tôi thêm lo. Nếu các em cứ dùng kiểu câu chữ ấy mãi thành thói quen thì rất dễ viết sai tiếng mẹ đẻ”.
Rõ ràng đây là một vấn đề mà các nhà trường cần có sự tìm hiểu và giáo dục, định hướng cho các em. Thực tế cho thấy, đa số lớp trẻ thời @ thích tạo cho mình một phong cách riêng không giống ai từ cách ăn mặc, đi đứng cho đến cách sử dụng ngôn từ trong giao tiếp hàng ngày để tự khẳng định mình là người của thời đại mới.
Chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Kiều Nga cho biết: Chính vì tâm lý không muốn thua kém bạn bè mà em này bắt chước em kia, từ đó xuất hiện một ngôn ngữ dành riêng cho tuổi teen và trở thành mốt. Việc lạm dụng ngôn ngữ chat của lớp trẻ thời @ không chỉ khiến cho các em mất dần vốn tiếng Việt mà nó đang đánh mất dần đi sự trong sáng của tiếng Việt. Đây là vấn đề đáng quan tâm, thiết nghĩ đã đến lúc cần có sự phối hợp giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội nếu không lớp trẻ sẽ mất dần đi năng lực cảm thụ tiếng Việt.
Bài, ảnh: Thái Khuê

Bình luận (0)