Y tế - Văn hóaThư giãn

Thạch ngoạn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
 Sau hơn 20 năm "chơi với đá", nhà sưu tập Hàn Tấn Quang đã giới thiệu cho công chúng thưởng lãm một phần bộ sưu tập của mình từ ngày 6 – 13/5/2014 tại chùa Phật học Xá Lợi (89 Bà Huyện Thanh Quan, Q.3). Với tên gọi Thạch thiền, triển lãm không chỉ trưng bày các hiện vật đá tự nhiên, không có sự can thiệp của bàn tay con người, với nhiều hình dáng, vân đá gợi những liên tưởng độc đáo, mà còn hướng vào chủ đề thiền.
Ông Hàn Tấn Quang cho biết, cuộc trưng bày như một ước mong góp phần cân bằng giữa sự ồn ào, xô bồ của cuộc sống với sự tĩnh lặng của nội tâm, giữa những giá trị nhất thời với chân lý vĩnh cửu, giữa niềm đam mê thời thượng với thú vui tao nhã.
75 tác phẩm tại triển lãm trích từ bộ sưu tập hàng trăm viên đá được nhà sưu tập gây dựng từ nhiều chuyến đi và trao đổi với những người cùng đam mê. Những viên đá vô tri qua mưa nắng, thời gian… đã hình thành những tác phẩm với nhiều câu chuyện được gợi mở qua các tên gọi Khổ hạnh, Vân du, Am mây, Một cõi đi về, Bồng bềnh sắc không, Thiền sư, Chú tiểu… Tên gọi do người sở hữu đặt và chỉ là một trong nhiều cách nhìn đối với hình ảnh trên viên đá. Người thưởng ngoạn có thể hình dung, gọi tên tác phẩm theo góc nhìn của mình, đó cũng là sự độc đáo của thú thạch ngoạn.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Huỳnh Ngọc Trảng cho rằng: “Thạch ngoạn là một phương pháp phi nghệ thuật vì việc thưởng ngoạn đá không có bất cứ chuẩn tắc nào để thể hiện cái đúng về sự vật cả, chúng tùy thuộc vào tri kiến cá nhân, thể hiện qua cái nhìn của họ về khối đá. Chúng ta không cần phải đọc những dòng chữ được ghi dưới mỗi cục đá mà có quyền nhìn chúng qua cảm nhận riêng của mình, không nhất định là phải như thế này hay thế nọ theo cái nhìn chung”.
Một số tác phẩm trong bộ sưu tập Thạch thiền
Thú chơi đá theo nghĩa là một thú thưởng ngoạn nghệ thuật, đã được ghi nhận trong thư tịch cổ, vào khoảng 2.000 năm trước công nguyên. Ở Việt Nam, nhiều nhà sưu tập theo đuổi thú vui này với các xu hướng, phong cách khác nhau. Chú trọng vào chủ đề thiền, bộ sưu tập đá của nhà sưu tầm Hàn Tấn Quang được xem là khá hiếm và độc đáo. Tỳ kheo Thích Đồng Bổn, chùa Phật học Xá Lợi nhận xét: “Nhìn những viên đá của nhà sưu tập Hàn Tấn Quang, tôi thấy anh có cách chơi riêng và ít người sưu tập được như anh. Bộ sưu tập đá này, anh gọi là thạch thiền, thuật ngữ riêng có của anh. Với tôi, cơ duyên đã đến với anh và đã đến lúc anh hội đủ điều kiện mới có được bộ sưu tập này, chứ không phải ai muốn cũng được, ai có tiền cũng mua được”.
Nguyên chủ biên tạp chí Kiến thức ngày nay, nhà sưu tập Hàn Tấn Quang tâm sự về thú chơi: “Trong các loại hình nghệ thuật thì nghệ thuật biểu cảm bằng khoảng lặng của tạo hóa chính là chân lý dìu dắt con người tìm về với chân, thiện, mỹ. Cầm trên tay một viên đá đã lặng thầm trôi dạt từ đời này sang đời khác, từ dòng nước này sang dòng sông khác, ai mà không ngạc nhiên trước sự kỳ diệu của bàn tay mưa nắng. Rằng Đá từ một bận vô ngôn/Nghìn năm biến thể vẫn còn nguyên khai”.
Theo PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)