Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Giành lại sự sống từ quy trình “Báo động đỏ”

Tạp Chí Giáo Dục

Bé Lợi và bé Phụng giành lại sự sống từ tay thần chết nhờ “Báo động đỏ”
BS. Đào Trung Hiếu – Phó giám đốc – kiêm Trưởng khoa Ngoại tổng hợp BV Nhi đồng 1 không khỏi xúc động khi chứng kiến hai cậu bé 2 tuổi và 6 tuổi chỉ một thời gian ngắn trước đó còn nằm trong lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết mà nay đã hồng hào vui chơi trở lại bên gia đình. Ít ai biết, đó chính là thành quả của quy trình “Báo động đỏ” mà BV Nhi đồng 1 đã áp dụng suốt 2 năm qua.
Đó là trường hợp của hai bé Lê Trung Lợi (6 tuổi) và Lê Thành Phụng (2 tuổi) ngụ tại chung cư 43 An Bình (An Bình, P.6, Q.5, TP.HCM) bị đâm trọng thương vào chiều 25-6 khi đang cùng bạn bè chơi trước cửa nhà.
Giành lại sự sống từ tay thần chết
Nhớ lại buổi chiều định mệnh đó, chị Nguyễn Thị Kim Hương – mẹ của bé Lợi và là bác của bé Phụng bàng hoàng: “Cả hai đứa nhỏ bị đâm rất nặng, người mềm nhũn không còn chút sinh khí. Gia đình đưa hai cháu đi cấp cứu mà máu nhuộm đỏ áo. Thực sự, chúng tôi đã nghĩ đến tình huống xấu nhất…”.
Nói về tình trạng của hai bé sau khi được chuyển cấp cứu từ BV An Bình lên BV Nhi đồng 1, BS. Đào Trung Hiếu, người trực tiếp thực hiện ca mổ cho biết: “Hai bé nhập viện trong nguy cơ tử vong rất cao: Mạch bằng không, hôn mê sâu, vết đâm làm thủng ruột, bé Lợi còn bị đâm xuyên thận, rách đại tràng, bé Phụng thì đứt gân 2 bàn tay, rách gan, thủng cả cơ hoành, đại tràng”. Hai ê kíp mổ ngay lập tức được huy động bằng mọi cách phải giành sự sống lại cho hai bé. Hai ca phẫu thuật được tiến hành trong thời gian muộn và kéo dài nhiều tiếng đồng hồ. Thậm chí riêng ca phẫu thuật của bé Phụng đã kéo dài suốt 5 giờ đồng hồ, lượng máu chuyền vào gấp 3 lần số máu trong cơ thể bé. Cuối cùng, hai thiên thần nhỏ đã giành lại sự sống từ tay thần chết.
“Phép mầu” mang tên “Báo động đỏ”
Để cứu sống được 2 bé trong tình trạng nguy kịch, theo BS. Đào Trung Hiếu, điều quan trọng nhất chính là vấn đề thời gian. Bởi lằn ranh giữa sự sống và cái chết lúc đó chỉ còn tính bằng giây, bằng phút. Chậm vài giây cũng có thể khiến cho mọi nỗ lực cấp cứu trở thành vô nghĩa. Đó cũng chính là sự thành công của quy trình “Báo động đỏ” – quy trình xử lý đặc biệt trong những trường hợp siêu khẩn cấp khi sự sống, cái chết chỉ còn trong gang tấc.
BS. Hiếu cho biết, quy trình “Báo động đỏ” đã được triển khai tại BV Nhi đồng 1 gần 2 năm, áp dụng với những trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy cấp, cho phép bỏ qua các thủ tục cấp cứu thông thường như hội chẩn, siêu âm, xét nghiệm mà đi thẳng vào phẫu thuật để tiết kiệm tối đa thời gian. Các thủ tục cần thiết sẽ được tiến hành trong quá trình phẫu thuật. “Cha đẻ” của quy trình “Báo động đỏ” là TS.BS Tăng Chí Thiện – Giám đốc BV Nhi đồng 1. Trong một lần đi tham quan BV Melbourne (Úc), nhận thấy quy trình của nước bạn quá hay nên ông đã quyết định đưa quy trình này về áp dụng tại Việt Nam. Sau những bỡ ngỡ ban đầu thì giờ đây, “Báo động đỏ” đã thực sự trở nên thuần thục và luôn được đặt trong chế độ 24/24 giờ.
Hỏi BS. Hiếu có nhớ đã có bao nhiêu ca bệnh nhân được cứu sống nhờ quy trình “Báo động đỏ” không, chúng tôi nhận được câu trả lời là không sao nhớ nổi vì “Báo động đỏ” giúp ca phẫu thuật diễn ra sớm nhất trong “thời điểm vàng” – thời gian sau chấn thương càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, trong quá trình suốt 2 năm, không phải là không có những ca thất bại. Dù thất bại nhưng các BS đã làm hết khả năng, hết sức mình có thể. “Tính mạng của bệnh nhân bao giờ cũng được đặt lên trên hết. “Báo động đỏ” cũng chỉ là một trong những biện pháp để người BS giành lại sự sống cho người bệnh. Để dù có thế nào, các BS cũng không phải đau xót ân hận mà nói từ giá như, tiếc nuối…” – BS. Đào Trung Hiếu chia sẻ.
Bài, ảnh: Yến Hoa
“Báo động đỏ” tận dụng được thời gian và nhân lực, làm sao mà từ khi bệnh nhân nhập viện đến đưa lên bàn mổ chỉ gói gọn trong thời gian 5 phút. Vì vậy, cần nhất là sự quyết đoán, phối hợp nhịp nhàng của đội ngũ y – BS. 
 

Bình luận (0)