Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Lợi có chắc thì răng mới khỏe

Tạp Chí Giáo Dục

Cần phòng và điều trị bệnh nha chu đúng cách để nụ cười luôn nở trên môi (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: T.Lê

Có khả năng phá hủy mô nâng đỡ sâu bên dưới nướu nên nha chu là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây mất răng – ThS.BS Trần Ngọc Phương Thảo – BV Răng hàm mặt TP.HCM cho biết.
Bệnh nha chu đến từ đâu?
Theo BS. Thảo thì việc vệ sinh răng miệng không sạch khiến nhiều mảng bám lắng đọng trên rãnh lợi, kẽ răng. Tình trạng này kéo dài làm cho lợi bị viêm, sưng phồng, chảy máu, làm lung lay một hay nhiều răng. Khi lợi bị viêm, mô lợi sẽ trở nên lỏng lẻo thay vì bám chặt vào chân răng, thức ăn vì thế càng dễ bám vào.
Những mảng bám vi khuẩn “cư trú” trên răng lâu ngày sẽ cứng dần, tạo thành vôi răng (hay đá răng), có thể quan sát bằng mắt thường. Lớp vôi răng khi được tạo cơ hội để dày thêm sẽ làm cho tình trạng viêm lợi càng trở nên trầm trọng. Trong điều kiện bình thường, nếu không vệ sinh răng lợi sạch sẽ thì chỉ sau 24 giờ, các mảng bám sẽ cứng lại tạo thành vôi răng mới.
Bệnh nha chu xuất hiện ở nhiều nhóm tuổi khác nhau, không phân biệt nam hay nữ. Bệnh thường tiến triển nặng hơn đối với người lớn tuổi có tình trạng vệ sinh răng miệng kém. Nha chu thường trải qua 4 giai đoạn chính: Mảng bám vi khuẩn tích tụ ở cổ răng, kẽ răng gây viêm lợi. Lợi bị viêm sưng phồng, dễ chảy máu khi nhai thức ăn. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng viêm nhiễm sẽ lan rộng tạo thành túi nha chu chứa vi khuẩn và mủ. Không lâu sau, túi nha chu này sẽ phá hủy xương cổ răng khiến răng lung lay và bị rụng đi. Nguyên nhân chính gây nên bệnh nha chu chính là sự phát triển của vi khuẩn trong mảng bám do thức ăn tạo thành. Đầu tiên, trên răng sẽ hình thành một màng trong suốt. Nếu không vệ sinh răng miệng đúng cách và đều đặn để loại trừ màng này, nó sẽ tích tụ, dần dần trở thành vôi răng với lượng vi khuẩn ngày càng lớn. Các độc tố do vi khuẩn tạo ra xâm nhập vào những mô nâng đỡ chân răng gây viêm lợi và tách dần lợi khỏi răng.
Ngoài ra còn có một vài yếu tố “mời” bệnh nha chu như chế độ dinh dưỡng và kỹ thuật bảo vệ sức khỏe răng miệng không tốt; tâm lý căng thẳng (làm giảm sức đề kháng của cơ thể); hút thuốc lá, bị tiểu đường… Nếu sớm phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ khỏi hẳn, bằng không, phần lớn các trường hợp sẽ tiến triển nhanh thành viêm nha chu.
Cách phòng ngừa và điều trị
“Lợi có chắc thì răng mới khỏe. Vì vậy, muốn phòng bệnh nha chu bạn phải đánh răng đều đặn, kỹ lưỡng sau mỗi bữa ăn và tối trước khi đi ngủ để loại bỏ mảng bám vi khuẩn trên bề mặt răng cũng như kẽ răng, giúp cho răng lợi sạch sẽ. Bên cạnh đó, 6 tháng nên đến nha sĩ khám răng định kỳ và lấy sạch vôi răng hay mảng bám ở những nơi bàn chải không làm sạch được. Phải điều trị sớm khi nhận thấy dấu hiệu của bệnh nha chu. Nha sĩ sẽ tư vấn bạn cách vệ sinh răng miệng hợp lý chẳng hạn như cách lựa chọn bàn chải đánh răng, sử dụng đúng chỉ nha khoa, chải kẽ răng để lấy sạch mảng bám. Nha sĩ cũng sẽ hướng dẫn bạn nên chọn loại nước súc miệng, kem đánh răng nào để giữ gìn sức khỏe răng miệng và dự phòng tốt bệnh nha chu. Khi đi khám, bạn nên báo với nha sĩ những thay đổi về thể trạng, các thứ thuốc mà mình đang sử dụng như thuốc tránh thai, thuốc chống trầm cảm… vì chúng có thể tác động đến sức khỏe răng miệng” – BS. Thảo khuyến cáo.
Khi bệnh mới phát, nếu được hướng dẫn cách điều trị phù hợp thì sức khỏe răng miệng sẽ nhanh chóng trở lại bình thường. Nên nhớ, bên cạnh việc lấy vôi răng định kỳ, chải răng đúng cách cũng góp phần chặn đứng sự tiến triển của bệnh. Ngoài ra, mỗi người cần tăng thêm nhiều loại trái cây tươi, rau xanh… trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày nhằm bảo đảm sức khỏe bản thân.
Nguyên Hải
 

Bình luận (0)