PGS.TS.BS Nguyễn Văn Thọ tại phòng làm việc
|
Trong bài hát Thank you for the music do nhóm nhạc ABBA trình bày, có đoạn “Who can live without it (music)” (dịch: Ai có thể sống không có âm nhạc). Vâng, âm nhạc thật sự cần thiết cho mỗi người, nhất là những người đã và đang bị tổn thương về tâm lý. Vì vậy, nhiều nơi trên thế giới đã đưa âm nhạc vào điều trị cho những bệnh nhân tâm thần…
Tại Việt Nam, đầu những năm 70 của thế kỷ trước, âm nhạc cũng được coi là liệu pháp điều trị bệnh tâm thần. PGS.TS.BS Nguyễn Văn Thọ – nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TW II (Đồng Nai) đã triển khai thành công liệu pháp này.
“Bác sĩ âm nhạc”
Tôi gọi ông là bác sĩ âm nhạc bởi con người ông có niềm đam mê lớn đối với âm nhạc. Sau khi trở thành bác sĩ, ông đã bỏ ra 3 năm đi học nhạc chỉ để sáng tác nhạc trị bệnh cho người điên.
Khi tôi hỏi “Ở nước ta, chú có phải là người đầu tiên đưa âm nhạc vào chữa trị cho bệnh nhân tâm thần không?”, ông trả lời: “Không. Người đầu tiền là PGS.BS. Lê Hải Chi”…
Năm 1968, chàng thanh niên người Hà Nội, Nguyễn Văn Thọ trúng tuyển vào Trường ĐH Quân y (nay là Học viện Quân y). Sau khi tốt nghiệp (năm 1974), Thọ được giữ lại trường. Dịp này, PGS.BS. Lê Hải Chi – Chủ nhiệm Khoa Tâm thần Viện Quân y 103 (thuộc Trường ĐH Quân y) mới đi tu nghiệp ở Đông Đức về. PGS.BS. Chi cho biết, ở Đông Đức người ta rất thành công khi áp dụng liệu pháp âm nhạc cho bệnh nhân tâm thần. Và ông đề xuất áp dụng tại Việt Nam. Người trợ thủ đắc lực cho PGS.BS. Chi chính là bác sĩ Thọ.
Không phải ngẫu nhiên mà PGS.BS. Chi lại chọn bác sĩ Thọ. Qua tìm hiểu, PGS.BS. Chi được biết bác sĩ Thọ rất có “máu” văn nghệ. Đối với bác sĩ Thọ, sở dĩ ông quyết định đi theo con đường đầy chông gai này là do: “PGS.BS. Chi nói với tôi rằng, ở những chuyên khoa khác như tim mạch chẳng hạn, đã có nhiều người rồi. Còn chuyên khoa tâm thần thì vẫn còn mới mẻ, cần có người khai sáng. Tôi cũng muốn thử sức nên đã theo PGS.BS. Chi”, bác sĩ Thọ kể lại.
Hồi đó, đất nước mới thoát khỏi chiến tranh nên còn rất nhiều khó khăn. Vì thế, việc áp dụng liệu pháp âm nhạc cho điều trị bệnh nhân tâm thần tại Viện Quân y 103 rất đơn giản. Chủ yếu là bệnh nhân nghe một số bản nhạc mang tính thư giãn, thỉnh thoảng được xem các nghệ sĩ Quý Dương, Trần Hiếu, Thu Hiền, Quang Thọ… biểu diễn.
Năm 1990, theo phân công của Bộ Y tế, bác sĩ Thọ về làm Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần TW II. 8 năm sau, ông lên làm Giám đốc bệnh viện. Tại đây, bác sĩ Thọ đã đẩy liệu pháp âm nhạc phát triển một cách mạnh mẽ. “Tiếp thu kiến thức từ các nước châu Âu, châu Mỹ, tôi và cộng sự trong bệnh viện nghiên cứu, ứng dụng một cách sáng tạo những kỹ thuật điều trị âm nhạc. Trong đó phải kể đến kỹ thuật hòa tấu nhạc cụ Tây Nguyên, hướng dẫn nhạc cụ cá nhân, phương pháp ứng tác hò Nam bộ, biểu diễn hát tập thể, hướng dẫn hát cá nhân, âm nhạc và vẽ, âm nhạc và múa, âm nhạc và tập luyện, thư giãn lấy âm nhạc làm trung tâm…”, bác sĩ Thọ cho biết.
Cũng trong thời gian này, ông đã cho “ra lò” nhiều ca khúc như Áo choàng trăng trắng, Biên Hòa quê tôi, Em xinh phố Hiến kinh kỳ, Hương đêm bệnh viện, Lá non, Ơi Mimosa, Tâm sự người thầy thuốc và thầy giáo, Trò chơi của biển… mà mục đích chính là “làm thuốc” chữa bệnh cho hàng ngàn bệnh nhân tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần TW II.
Năm 2010, ông về hưu và tham gia giảng dạy tại Trường ĐH Văn Hiến. Để sinh viên có điều kiện thực hành liệu pháp trị liệu âm nhạc, ông đã thành lập Viện Tâm lý học thực hành…
Hết điên nhờ âm nhạc
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Thọ và các bệnh nhân tâm thần biểu diễn văn nghệ |
Ông không còn nhớ mình đã giúp bao nhiêu người điên hòa nhập cộng đồng nhờ liệu pháp âm nhạc. Tuy vậy, trong quá trình điều trị cũng có rất nhiều bệnh nhân đã để lại ấn tượng cho ông…
Bệnh nhân Lưu Hữu Ph. (Xóm Củi, Q.8, TP.HCM) chẳng hạn. Ph. nhập viện ngày 16-1-2009 với chẩn đoán tâm thần phân liệt thể Paranoid. Cha mẹ ly dị, từ nhỏ bệnh nhân sống với cô chú. Năm 21 tuổi, bệnh nhân bắt đầu mắc bệnh và phải nhập viện điều trị nhiều lần. Những biểu hiện bệnh lý thường gặp của Ph. là ít ngủ hoặc không ngủ, cười vô duyên vô cớ, nói nhiều, bỏ nhà đi lang thang. Trước khi nhập viện lần này, bệnh nhân thường xuyên uống rượu và phá phách. “Bệnh nhân được chỉ định đến Khoa Hoạt động liệu pháp để tham gia trị liệu âm nhạc. Sau 9 tuần với 26 buổi điều trị, bệnh nhân đã khỏi bệnh và trở về với gia đình”, bác sĩ Thọ kể lại.
Bệnh nhân Ngô Trương Trường S. (TP.Cần Thơ) cũng được trở về với cuộc sống đời thường thông qua phương pháp điều trị “Hòa tấu nhạc cụ Tây Nguyên”. S. nhập viện tháng 7-2005 với chẩn đoán tâm thần phân liệt. Trước khi mắc bệnh, bệnh nhân là sinh viên Trường CĐ Sư phạm. Bệnh nhân nhập viện trong trạng thái kích động, phá phách, chống đối nhập viện vì cho rằng bị gia đình ruồng bỏ, hắt hủi. Những buổi đầu tham gia dàn nhạc, bệnh nhân luôn mặc cảm cho rằng mình là “người bỏ đi”. Bệnh nhân thường có cảm xúc căng thẳng, lo lắng trong khi tham gia các buổi tập. Sau một thời gian điều trị, bệnh nhân đã sống vui vẻ hơn và không còn thù nghịch với cha mẹ như trước đây…
Bằng phương pháp “Thư giãn lấy âm nhạc làm trung tâm”, bác sĩ Thọ và các cộng sự đã giúp nhiều bệnh nhân từng chán sống cảm thấy yêu đời hơn. Đơn cử như bệnh nhân Nguyễn Thị Ngọc N. (Q.Thủ Đức, TP.HCM) bị rối loạn lo âu. Năm N. 9 tuổi, bố mất. Vài tháng sau, mẹ có người đàn ông khác. Suốt thời thơ ấu, bệnh nhân N. sống trong sự cô độc, chán nản. N. luôn bị mẹ, em trai mắng chửi, đánh đập và bắt phải làm nhiều việc vất vả. Vì vậy đã có nhiều lần N. nghĩ đến việc tự tử. Khi N. khoảng 20 tuổi, mẹ bắt lấy một người mà bệnh nhân không yêu. Trong thời gian qua lại, N. thường bị người đàn ông đó cưỡng ép tình dục. Vì thế bệnh nhân kiên quyết từ chối cuộc hôn nhân này. Sau đó N. lấy chồng. Song, cuộc sống không hạnh phúc. Người chồng không quan tâm, ít chia sẻ với vợ. Hơn thế, anh ta luôn tỏ thái độ coi thường và xa lánh vợ vì không còn trong trắng. Một thời gian sau, người chồng đi làm xa, có khi nửa năm mới về. Việc chăm sóc hai con đều do một mình bệnh nhân gánh vác. Nhiều lúc N. muốn ly dị nhưng lại sợ con không có cha như mình trước đây. Chính vì vậy bệnh nhân rơi vào tình trạng chán nản, căng thẳng. Thỉnh thoảng xuất hiện cảm giác ngộp thở, hồi hộp, nhịp tim nhanh, đầu óc choáng váng. Bệnh nhân đã đi khám nhiều nơi nhưng bệnh không giảm mà còn nặng hơn. Thậm chí có lúc N. không thiết sống nữa… Sau đó bệnh nhân tìm đến Bệnh viện Tâm thần TW II và được chỉ định điều trị bằng liệu pháp âm nhạc. Chỉ một thời gian ngắn, N. đã lấy lại được thăng bằng và sống tốt hơn.
Bài, ảnh: Kim Anh
Bình luận (0)