Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Trẻ dễ bị chứng chàm và mề đay

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ từ 2 – 3 tuổi cũng rất hay mắc chứng bệnh chàm (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: B.T.Hiền

Chớ nhầm lẫn chàm với mề đay mặc dù cả hai chứng đều có nguồn gốc dị ứng, và cũng gây ngứa kinh khủng.
Chàm ở trẻ em có tính di truyền
Chàm (Ecze’ma) là chứng viêm da dị ứng xuất hiện dưới hình thức các nốt mẩn đỏ, ngứa ngáy, khó chịu. Bao giờ cũng vậy, các nốt mẩn đỏ xuất hiện trước làm bệnh nhân ngứa ngáy dữ dội, sau đó là các nốt rộp da, đầy nước. Mụn rộp vỡ ra, vết lở chảy nước, đóng mày, rồi tróc vảy. Lớp da mới hiện ra, mà không để lại sẹo. Chứng chàm da thường kéo dài từ 1 hay 2 tuần lễ. Đa số trẻ sơ sinh từ 3 – 8 tháng tuổi hay mắc phải. Chưa rõ nguyên nhân, nhưng chứng chàm da này có tính di truyền, nguy cơ lây nhiễm từ cha hoặc mẹ hay bị dị ứng (30%) và 70% nếu cả cha lẫn mẹ đều bị dị ứng. Ở trẻ sơ sinh, chàm mọc ở trán, má và mông; trẻ 2 – 3 tuổi thường mọc ở các nếp xếp cổ tay, khuỷu tay, đầu gối, cổ chân. Bệnh có thể lan ra toàn thân, gây ngứa ngáy, làm bệnh nhi khó ngủ. Chẳng có loại thần dược nào để điều trị bệnh này, mà chỉ có thể làm giảm các triệu chứng mà thôi. Thuốc sát trùng ngoài da (antiseptiques locaux) hòa với nước tắm giúp làm giảm ngứa, do đó bớt gãi. Dùng thuốc kháng viêm, họ cortisone (anti-inflammatoires locaux a base de cortisone) làm lành vết lở. Sử dụng đúng liều lượng các loại thuốc trên có thể điều trị hiệu quả trong thời gian 4 ngày. Đối với các vết lở khô, có thể sử dụng dạng thuốc mỡ (pommade), còn đối với vết lở ướt hay nứt da, thì dùng thuốc đặc hay bột. Có thể dùng mỹ phẩm chứa acide linole’ique để điều trị dự phòng. Sau khi tắm, lau khô thân mình bằng khăn khô, tránh chà xát, đừng để da tự bong khô làm nứt da. Tránh mặc quần áo bằng loại vải nhám thô, mà nên mặc loại vải mịn bằng sợi bóng hay lụa.
Với các trường hợp tái phát, khó trị, phải trị tận căn, bằng cách sử dụng thuốc kháng dị ứng (base d’antihistaminiques) để tăng cường miễn dịch của cơ thể. Kiên trì điều trị liên tục trong thời gian từ 4 – 6 tháng mới có thể làm giảm tình trạng tái phát. Ngày nay, người ta không còn sử dụng liệu pháp tia cực tím, vì tia UVA có thể ung thư da. Ngược lại, chữa trị bằng nguyên tố vi lượng như lithium giúp làm thuyên giảm các trường hợp tái nhiễm, liệu pháp tắm nước nóng, nước khoáng cũng được khuyến khích. 80% trường hợp khỏi bệnh sau 3 tuổi, hoặc khỏi hẳn ở tuổi trưởng thành. Nhưng cũng vẫn còn 20% người lớn bị chàm suốt đời. Một điều đặc biệt là chàm ở người lớn không có tính chất di truyền và chiếm 10% các bệnh ngoài da đối với cả nam lẫn nữ. Triệu chứng chàm ở người lớn cũng giống như chàm ở trẻ em, nhưng thường xuất hiện trên cơ thể ở những vùng dễ tiếp xúc với chất gây dị ứng.
Chứng mề đay
Chất gây dị ứng làm nổi mề đay là chất histamine, chất này do thức ăn hay do phản ứng của da khi tiếp xúc với một chất gây dị ứng. Một số thực phẩm như cá, cua, dâu tây, cà chua, rau spina đều có thể làm cho một số người nổi mề đay. Khi da tiếp xúc với không khí, nóng hay lạnh, phấn hoa, lông chó, mèo cũng làm nổi mề đay. Một số dược phẩm, nhất là thuốc kháng sinh pe’nicillin cũng có nguy cơ dị ứng, gây nổi mề đay xuất hiện trong thời gian ngắn. Nó hơi khác với chàm, ở chỗ nốt mẩn đỏ sưng tấy, từng mảng mẩn đỏ chuyển từ nơi này sang nơi khác tùy thời khắc trong ngày. Muốn điều trị chứng mề đay, các bác sĩ thường sử dụng thuốc kháng histamine.
Đa số (90%) bệnh này tự nhiên khỏi sau vài lần xuất hiện. Tuy nhiên, đây không hẳn là bệnh lành tính, thực chất mề đay có thể lặn vào nội tạng, xâm nhập các màng nhầy ở miệng, đường hô hấp. Các màng nhầy sưng tấy lên có thể làm bệnh nhân bị nghẹt thở (do bệnh phù phổi).
BS. Phạm Khắc Trí

Bệnh chàm ở trẻ nhỏ là một trong những mối lo lớn nhất của các bậc cha mẹ. Trong những năm 1940, số trẻ sơ sinh bị mắc bệnh chàm chỉ chiếm 4%, ngày nay, con số này lên tới 25%. Nghiên cứu mới nhất của một chuyên gia hàng đầu trên thế giới đã chỉ ra rằng, việc sử dụng dầu tắm và sữa dưỡng da cho trẻ sơ sinh trong những tháng đầu mới sinh, có thể là nguyên nhân dẫn đến việc bệnh chàm ở trẻ sơ sinh ngày càng gia tăng.

 

Bình luận (0)