Y tế - Văn hóaThư giãn

Văn học Việt muốn hội nhập phải cắm rễ vào nông thôn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp – nông thôn – nông dân, văn học là một thành phần không thể tách rời.

 

Nông thôn luôn là đề tài bất tận với văn nghệ sĩ
Và càng hội nhập sâu rộng với thế giới, văn học càng cần tự nguyện gánh vác sứ mệnh chuyên chở những giá trị thẩm mỹ khẳng định nền tảng Việt Nam, cốt cách Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam theo từng nhịp điệu xây dựng NTM! Để làm được điều đó, văn học phải cắm rễ vào làng quê!
Về mặt định dạng, văn học luôn được xem như một phiên bản lịch sử của một đất nước. Việt Nam đi lên từ văn minh nông nghiệp, vì vậy để hiểu Việt Nam thật thấu đáo thì không thể không soi rọi vào những trang văn về đề tài nông thôn. Quá trình đô thị hóa gay gắt chừng nào, thì phẩm chất nông dân hiện rõ ra chừng ấy, giúp cảm hứng văn học được dịp thăng hoa!
Không phải bây giờ chúng ta mới bàn đến mối quan hệ giữa văn học và nông thôn, mà chính nông thôn Việt Nam đã là nơi phát tích văn học Việt Nam. Từ những sáng tác truyền miệng trong dân gian, chúng ta đã có những bản ca dao độc đáo.
Kinh nghiệm thiên văn được lồng ghép tình cảm đôi lứa: “Sao Tua chín cái nằm kề/ Thương em từ thuở mẹ về với cha/ Sao Vua sáu cái nằm xa/ Thương em từ thuở người ra người vào” hay tâm tư cẩn thận được nâng lên thành lễ nghi ứng xử: “Đố ai đếm lúa mấy cây/ Đếm sông mấy khúc, đếm mây mấy tầng/ Đố ai quét sạch lá rừng/ Để tôi khuyên gió, gió đừng rung cây”.
Nói không ngoa, nếu dịch sang những ngôn ngữ quốc tế, thì các bản ca dao kể trên không hề thua kém bất kỳ bài thơ lừng lẫy nào ở phương Đông lẫn phương Tây!
Ngoài ca dao, nông thôn mang đến cho văn học cả một kho tàng tục ngữ, thành ngữ, điển tích, truyện cổ… có thể khai thác lâu dài. Hơn thế nữa, những chuyển động từng ngày, từng giờ của nông thôn còn mang đến cho văn học nhiều câu chuyện kỳ thú, nhiều số phận lấp lánh, nhiều mảnh đời phi thường.
Nhờ vẻ đẹp nông thôn, Bàng Bá Lân có “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”, Á Nam Trần Tuấn Khải có “Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”, còn Nguyễn Bính có “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông/ Một người chín nhớ mười mong một người”.
Thành tựu thơ viết về nông thôn không bao giờ vơi cạn, đó là điều chắc chắn. Vậy những thể loại văn chương khác như truyện ngắn, như tiểu thuyết thì sao? Những tác giả xuất thân từ nông thôn và biết cách yêu lấy nơi chôn nhau cắt rốn của mình thì đều có thành công nhất định. Những tác giả không được sinh ra nơi bờ xôi ruộng mật, nhưng trân trọng lũy tre gốc rạ cũng có được những tác phẩm trứ danh.
Thế kỷ 20, vẻ đẹp nông thôn cộng hưởng vẻ đẹp cách mạng, đã sản sinh một loạt văn tài. Miền Bắc có Nam Cao, Kim Lân… Miền Trung và Tây Nguyên có Võ Hồng, Phan Tứ, Nguyên Ngọc… Miền Nam có Nguyễn Thi, Nguyễn Quang Sáng…
Ở đây, xin phân tích kỹ hơn một chút về văn học phản ánh vùng nông thôn Nam bộ vừa khai phá mấy trăm năm. Sự dị biệt giữa miền đất đỏ Đông Nam bộ và miền sông nước Tây Nam bộ đã xuất hiện những nét đặc sắc riêng trong văn học.
Cảnh vật và con người Tây Nam bộ trong “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi hoặc “Chim quyên xuống đất” của Sơn Nam hoàn toàn có cái duyên khác hẳn cảnh vật và con người Đông Nam bộ trong “Sương gió biên thùy” của Lý Văn Sâm hoặc “Đò dọc” của Bình Nguyên Lộc!
Dẫu muốn dẫu không, chúng ta vẫn phải thừa nhận: nông thôn đang bị thử thách bởi công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Nông thôn hôm nay đã khác với nông thôn thời Lê Lựu viết “Thời xa vắng”, thời Dương Hướng viết “Bến không chồng” hoặc thời Nguyễn Khắc Trường viết “Mảnh đất lắm người nhiều ma”.
Viết về nông thôn hôm nay phải mổ xẻ được những hoài nghi và những mất mát trong cuộc vật lộn không ngơi nghỉ giữa cái thiện và cái ác, giữa cái đôn hậu muôn đời và cái ranh ma bột phát. Nếu cứ tô hồng thì không thể thấy hết diện mạo nông thôn chứa đựng từng niềm vui nỗi buồn của nông dân cần cù và lam lũ.
Vì sao Mạc Ngôn được trao giải Nobel văn học? Không hề có cải tiến bút pháp, cũng không hề phô diễn xã hội xa hoa phù phiếm, Mạc Ngôn tập trung viết về nông thôn Trung Quốc để cảnh báo với nhân loại rằng, nơi nào càng tăm tối thì nhân phẩm càng dễ bị vùi dập!
Cho nên, người Việt Nam cần dùng ánh mắt thiện chí để nhìn nhận cụ thể tiến trình thay đổi đau đớn nhằm vươn lên của nông thôn trong sáng tác văn học.
Theo thời gian, tiến trình ấy được thể hiện qua “Mười năm” của Tô Hoài viết về vùng ngoại ô Hà Nội đến “Cái đêm hôm ấy đêm gì” của Phùng Gia Lộc viết về vùng quê nghèo Thanh Hóa, và đến “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư viết về vùng tràm đước Cà Mau!
Nếu so với văn học nước ngoài, thì tác giả Việt Nam viết về đô thị chỉ nằm ở dạng “tỏ ra nguy hiểm” mà thôi. Khi và chỉ khi nhúng bút vào đời sống nông thôn thì tài năng của văn học Việt Nam mới được hiển lộ đầy đủ.
Theo NNVN

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)