Lịch sử đã chứng minh, nhiều bài hát tập thể luôn đồng hành với người Việt Nam làm nên những kỳ tích. Âm nhạc giống như một phương tiện để chúng ta đấu tranh cho hòa bình và công lý.
Người dân Hà Nội, TP. HCM và nhiều đô thị khác đã đồng loạt xuống đường để phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc đưa giàn khoan HD – 981 xâm phạm thềm lục địa của Việt Nam.
Cùng với phát biểu mạnh mẽ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị cấp cao ASEAN kêu gọi Trung Quốc tôn trọng chủ quyền Việt Nam, hàng ngàn trái tim sôi sục hướng về biển Đông không chỉ tiếp thêm nghị lực cho các chiến sĩ bảo vệ hải đảo, tiếp thêm niềm tin cho ngư dân bám biển, mà còn làm sống lại tinh thần Bạch Đằng, tinh thần Đống Đa, tinh thần Điện Biên Phủ…
Hòa nhịp theo những cánh tay và những tiếng hô biểu thị sự can trường và bất khuất của nòi giống Lạc Hồng, là những bài hát thúc giục người Việt Nam đồng tâm hiệp lực gìn giữ trọn vẹn non sông cha ông để lại.
Ngoài bản "Quốc ca" kiêu hãnh, đám đông tuần hành ôn hòa còn hát vang “Dậy mà đi”, “Nối vòng tay lớn”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”… Không khí đoàn kết ấy một lần nữa khẳng định âm nhạc có giá trị thúc đẩy lòng yêu nước.
Lịch sử đã chứng minh, nhiều bài hát tập thể luôn đồng hành với người Việt Nam làm nên những kỳ tích. Âm nhạc giống như một phương tiện để chúng ta đấu tranh cho hòa bình và công lý. Nhiều năm qua, hùng ca bị chìm khuất giữa tình ca.
Gần đây, khi biển Đông dậy sóng, có nổi lên vài ca khúc thể hiện tâm trạng sục sôi của dòng dõi Tiên Rồng, như “Tổ quốc nhìn từ biển” hay “Tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình”. Đáng tiếc, những ca khúc này chỉ phù hợp trình diễn trên sân khấu, chứ không thể lan tỏa trong những sinh hoạt mang tính cộng đồng.
Như cộng hưởng cùng đồng bào trong nước, người Việt ở hải ngoại cũng tổ chức biểu tình bày tỏ sự phẫn nộ trước thái độ gây hấn của Trung Quốc. Hành trang của Việt kiều là những sáng tác của Anh Bằng, Nguyễn Đức Quang, Trần Lê Quỳnh… Nhiều đô thị có đông người Việt sinh sống ở châu Âu và Nhật Bản đã nghe vang lên “Việt Nam quê hương ngạo nghễ”, “Phải lên tiếng” hay “Này người anh em”.
Dẫu vị trí khác nhau, sang hèn khác nhau, nhưng khi chủ quyền thiêng liêng có nguy cơ bị xâm phạm thì người Việt Nam trút bỏ mọi dị biệt để cất bước theo tiếng gọi của Tổ quốc. Tuy chưa phải là một quốc gia giàu mạnh, nhưng đất nước chúng ta không dễ bị bắt nạt, vì mỗi người dân cất cao lời hát trên môi mình: “Người Việt Nam tay cầm tay, tình yêu nước đến bên nhau, đứng chung đồng bào”.
Theo NNVN
Bình luận (0)