Y tế - Văn hóaThư giãn

Phim tài liệu – Thiếu đội ngũ kế thừa

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Trong khuôn khổ Liên hoan Phim tài liệu truyền hình và phóng sự chuyên đề lần thứ 3 – 2014, tại Đài Truyền hình TPHCM đã diễn ra hội thảo “Kinh nghiệm phối hợp sản xuất và phát sóng phim tài liệu” với sự tham gia của đông đảo đại diện các đài phát thanh truyền hình trên cả nước và đại diện hai hãng thông tấn của Nhật Bản là Hãng Nihon Denpa News (NDN) và Đài Truyền hình Ashahi (ABC).
        Có giải mà không có người để trao
Theo nhiều đại biểu dự hội thảo, việc làm phim tài liệu truyền hình gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí đầu tư, giờ phát sóng và đặc biệt là thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ làm nghề. Đại diện Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long cho rằng: “Hiện nay rất hiếm người “đọc” được tư liệu phim, nhất là phim tài liệu chiến tranh, dù rằng trong kho hiện đang có rất nhiều phim tư liệu cũ, có thể khai thác. Thế hệ những người làm phim tài liệu gạo cội giờ đã mai một, đội ngũ kế thừa thì chưa thấy. Một lớp những người làm phim trẻ lại bị hổng về kiến thức, thiếu kinh nghiệm, họ cần phải có một thời gian nhất định để khẳng định mình. Chưa kể, có rất nhiều bạn trẻ không mặn mà với việc làm phim thể loại này”.
Đại diện Đài Truyền hình Đà Nẵng cũng quan ngại: “Người làm phim tài liệu hiện nay như “lá mùa thu”. Một thế hệ những người làm phim tài liệu có nghề, giỏi nghề vì rất nhiều lý do không làm phim nữa, còn lớp trẻ chưa đủ kinh nghiệm, hiểu biết, tài năng và lòng yêu nghề để theo nghề. Vì vậy đã có sự hụt hẫng… Ngay tại liên hoan phim này, ban tổ chức có giải cho đạo diễn, quay phim xuất sắc mà tìm mãi không có ai để trao”.
Việc sản xuất phim tài liệu của những đài truyền hình lớn như VTV, HTV, Đài Truyền hình Hà Nội, những năm gần đây đang có dấu hiệu chững lại, trong khi một số đài truyền hình nhỏ lại vươn lên, dù họ cũng còn nhiều khó khăn, kinh phí làm phim thấp. Điều này cho thấy, phim tài liệu truyền hình không phải sân chơi độc quyền của các đài truyền hình lớn.
        Hợp tác nâng cao chất lượng phim
Bày tỏ niềm vui và sự vinh dự khi là khách mời trong Liên hoan Phim tài liệu truyền hình và phóng sự chuyên đề lần này, ông Takahisa Fujita, Giám đốc sản xuất Đài Truyền hình Ashahi (ABC) cho biết: “Năm 2013, ABC đã hợp tác với HTV sản xuất và phát sóng bộ phim tài liệu 13 thế kỷ theo dòng lịch sử. Lần này tôi mang tặng HTV bộ phim Gánh nặng tri thức để phát sóng. Chúng tôi đã xem HTV là đối tác quan trọng và cả hai đài đã thống nhất đẩy mạnh việc hợp tác sản xuất phim, trong đó có cả phim tài liệu”.
Giám đốc hãng thông tấn NDN – ông Misao Ishigaki đã chia sẻ về ấn tượng trong những ngày đầu ông có mặt tại Việt Nam để ghi hình lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, về cuộc chiến tranh chống ngoại xâm của quân và dân miền Bắc trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Ông đánh giá cao về năng lực và thái độ làm việc nghiêm túc, hết lòng của ê kíp làm phim tài liệu của HTV trong thời gian hợp tác cùng hãng tin NDN thực hiện 6 tập phim Nhật Bản – Cái nhìn từ Việt Nam. Ông cho rằng: “Qua lần hợp tác này, chúng tôi đã tạo được mối quan hệ rất tốt đẹp và hy vọng tiếp tục được hợp tác với HTV”.
Ông Nguyễn Quý Hòa, Tổng Giám đốc HTV, Trưởng ban tổ chức Liên hoan Phim tài liệu truyền hình và phóng sự chuyên đề lần 3 – 2014, một lần nữa khẳng định vai trò và tầm quan trọng của phim tài liệu truyền hình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay. Ông cho rằng, lớp trẻ hiện nay không chỉ thích xem phim truyện, xem các chương trình giải trí thuần túy, mà đã bắt đầu ý thức và quan tâm đến những vấn đề thời sự thông qua những bộ phim tài liệu truyền hình. Và vì thế, đầu tư để sản xuất những bộ phim tài liệu truyền hình có chất lượng, là trách nhiệm của tất cả những người làm truyền hình.
Kết quả liên hoan:
Giải thưởng Phim tài liệu truyền hình: 1 giải vàng – Phong trào Duy Tân và bộ ba xứ Quảng (kịch bản: Phan Đình, đạo diễn: Đình Phương, Đài PTTH Quảng Nam). Ngoài ra còn có 5 giải bạc, 5 giải đồng và UBND TPHCM trao tặng 5 bằng khen cho 5 tác giả.
Giải thưởng Phim phóng sự chuyên đề: 3 giải nhất cho các tác phẩm: Nỗi đớn đau của một làng nghề (HTV); Ghi ở một làng nghề truyền thống (Đài PTTH Hà Nam); Tai nạn lao động từ các làng nghề (Đài PTTH Đồng Tháp). Ngoài ra còn có 5 giải nhì và 5 giải ba.
Theo SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)