Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

An toàn tiêm chủng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Các sai sót trong thực hành an toàn tiêm chủng đang tồn tại khiến nhiều người lo ngại về những sự cố có thể xảy ra.
Đợt thanh tra mới đây (trong tháng 6 và 7.2013) trên toàn quốc về tiêm chủng cho thấy, sai sót trong an toàn tiêm chủng đang tồn tại ở nhiều địa phương. Tại Cần Thơ, việc thanh tra phát hiện một bệnh viện tư nhân có thực hiện dịch vụ tiêm chủng không chấp hành đúng quy định về bảo quản vắc xin vì để chung vắc xin với các loại thuốc khác trong kho dược. Cũng theo Thanh tra Sở Y tế Cần Thơ, trình độ cán bộ tư vấn tại các điểm tiêm chủng không đồng đều: ở nhiều cơ sở y tế, người khám sàng lọc trước tiêm, chỉ định tiêm có thể không đảm bảo về yêu cầu chuyên môn trong phát hiện các trường hợp chống chỉ định hoặc tạm hoãn tiêm chủng.
 
Trẻ cần được khám, tư vấn trước khi tiêm chủng – Ảnh: Ngọc Thắng
Trong khi đó, tại Quảng Trị, việc thanh tra cũng phát hiện một số đơn vị tiêm chủng không lưu giấy kiểm tra chất lượng vắc xin, kho bảo quản không đủ điều kiện; cán bộ phụ trách kho vắc xin có trình độ chưa phù hợp theo quy định, thậm chí cán bộ phụ trách bảo quản vắc xin chưa được tập huấn cập nhật kiến thức về thực hành tốt bảo quản sản phẩm. Trong báo cáo gửi Bộ Y tế, ông Lê Văn Thanh, Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Trị, cho biết: “Sở Y tế đã phê bình các cơ sở chưa đạt điều kiện, yêu cầu khắc phục để đảm bảo trong công tác bảo quản và sử dụng vắc xin”.
Tại Hải Phòng, đợt thanh tra trong tháng 6-7 mới đây, đoàn thanh tra phát hiện 2 cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vắc xin sinh phẩm y tế đã hết hạn, vì vậy đã bị đình chỉ hoạt động. Trong khi đó, tại Nam Định, “một số trạm y tế chưa đảm bảo tiêm chủng theo quy trình 1 chiều; một số trạm y tế hộp thuốc chống sốc chưa đủ chủng loại, số lượng; một số nhân viên tiêm chủng chưa nắm vững cách cấp cứu khi xảy ra sốc phản vệ; số lượng trẻ đến tiêm quá đông khiến tư vấn về an toàn tiêm chủng bị hạn chế”, Giám đốc Sở Y tế Nam Định, bà Bùi Thị Minh Thu cho biết.
Một yêu cầu bắt buộc là nhân viên tiêm chủng phải được tập huấn về tiêm chủng an toàn và phải được cấp chứng chỉ, nhưng hiện nay một số địa phương vẫn còn nhân viên tiêm chủng chưa được tập huấn. Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết nhân viên tiêm chủng phải qua tập huấn để có đủ các kiến thức, thực hành đảm bảo an toàn trong tiêm chủng tránh các sai sót. Tùy tình huống vi phạm, sai sót có thể ảnh hưởng đến chất lượng tiêm, thậm chí là tính mạng người được tiêm.
GS-TS Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế, khuyến cáo cần chấn chỉnh ngay các vi phạm về an toàn tiêm chủng đang tồn tại. Đặc biệt lưu ý với các tình huống: bảo quản vắc xin không đúng quy định, sử dụng vắc xin sai quy trình, để lẫn vắc xin với các loại thuốc và sinh phẩm khác dễ có nguy cơ tiêm nhầm thuốc; không lưu lọ vắc xin sau tiêm; không khám sàng lọc trẻ để chống chỉ định các trường hợp nguy cơ tai biến cao là những lỗi mà cán bộ tiêm chủng không được phép vi phạm. 
Các phản ứng sau tiêm chủng
Đau tại chỗ tiêm; quấy khóc; sốt nhẹ trong vòng 24 – 48 giờ; nổi nốt cứng hay nốt dưới da có thể xảy ra; một số ít có biểu hiện nổi mẩn, ngứa, mề đay hoặc hồng ban; có thể rối loạn tiêu hóa, chán ăn, mất ngủ; trẻ bứt rứt khó chịu thoáng qua.
Các dấu hiệu nặng sau tiêm chủng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất: Trẻ sốt cao (từ 39 độ C); co giật; tím tái; thở khó, co lõm ngực; quấy khóc nhiều; lừ đừ, bỏ bú; không đáp ứng thuốc giảm đau hạ sốt thông thường; sưng to, đỏ quanh chỗ tiêm.

Theo TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)