Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cảnh báo: Người Hà Nội ăn quá nhiều thịt

Tạp Chí Giáo Dục

Người Hà Nội ăn thịt gần gấp đôi trung bình cả nước.

Cần ăn cân đối thịt với các nhóm thực phẩm khác như rau xanh, tinh bột. Ảnh: Hoàng Thạch Vân.
Cứ ba người dân vùng Đông Nam bộ thì một người có nguy cơ về sức khỏe. Trên toàn quốc, trung bình một người dân ăn 84g thịt/ngày thì mỗi người Hà Nội ăn 150g.
Kết quả của tình trạng này là tỉ lệ người bệnh đái tháo đường ở Hà Nội, TP.HCM lên đến 8-10% người trưởng thành (trung bình toàn quốc khoảng 5%), tỉ lệ người có mỡ máu cao ở Hà Nội gấp rưỡi các tỉnh thành khác.
Người ăn thừa thịt, người lại quá thiếu
 Điều kiện sống của cư dân một số khu vực tốt hơn, không phải đi bộ, không phải lao động chân tay mà đi xe máy, ôtô, ngồi văn phòng, ăn thừa chất… đã khiến tỉ lệ thừa cân béo phì và các vấn đề sức khỏe gia tăng 
Bà Nguyễn Thị Lâm (phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia)
Tại buổi công bố cuốn sách về dinh dưỡng diễn ra cuối tuần trước ở Hà Nội, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Lê Bạch Mai tỏ ra ngán ngẩm về tình trạng mập lên nhanh của người VN.
Theo bà Mai, trước năm 1995 VN hầu như không có người thừa cân béo phì, nhưng chỉ 10 năm sau, đến năm 2005, lứa tuổi còn rất trẻ 25-34 đã có 8,3% nữ và 4,5% nam có tỉ lệ mỡ trong cơ thể vượt ngưỡng quy định. Đến nhóm tuổi 35-44, chớm được coi là có chút thành đạt thì có 18% nữ và 6,8% nam thừa mỡ. Tính theo chỉ số khối cơ thể (BMI = cân nặng/bình phương chiều cao) thì nhóm có BMI trên 25 được coi là nhóm thừa cân béo phì đã lên đến 6,6% và đang tăng khoảng 1%/năm những năm gần đây.
Tuy nhiên, bà Mai cho hay khảo sát trong vòng 20-25 năm nay, tính trung bình người VN chỉ ăn vào xung quanh 1.925-1.930 kcl/ngày. Năng lượng nạp vào không tăng nhưng vì sao mập lên nhanh? Bà Mai lý giải do chênh lệch giàu nghèo gia tăng, có người chỉ ăn 1.500 kcl/ngày, nhưng có người ăn đến 3.000 kcl/ngày với đủ thứ thực phẩm lạ, bổ béo như cua hoàng đế, bò nhập khẩu, rượu bia ngoại…, dẫn đến tình trạng trung bình thì lượng năng lượng nạp vào không tăng nhưng thực tế lại gia tăng ở một số nhóm, nhất là cư dân khá giả ở đô thị.
So với cư dân nông thôn, cư dân thành thị đang có tỉ lệ thừa cân béo phì và mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn. Cứ ba người dân vùng Đông Nam bộ thì một người đã ở ngưỡng thừa cân béo phì (tỉ lệ ở mức 30%), cao gấp ba lần so với bình quân chung. Trong khi cân nặng liên quan chặt chẽ đến sức khỏe, khi ngay ở ngưỡng BMI trên 23 (BMI trên 25 mới được coi là thừa cân béo phì) thì nguy cơ cao huyết áp đã cao gấp hai lần so với người có BMI dưới 23. Bà Mai cho rằng “chiến lược” kiểm soát sức khỏe nên hướng tới kiểm soát chế độ ăn, thay đổi lối sống và tăng thời gian hoạt động thể lực.
Bà Nguyễn Thị Lâm, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cũng khuyến cáo nam giới có vòng eo trên 90 và nữ giới vòng eo trên 80, BMI trên 25 được coi là những người thừa cân béo phì. Đây là nhóm có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa, gồm các yếu tố như cao huyết áp, đường máu, mỡ máu cao, thể hiện trên lâm sàng là các bệnh đái tháo đường, nhồi máu cơ tim, đột quỵ… cao hơn hẳn so với những người bình thường.
Ngại vận động, ngại dậy sớm!
Bà Lâm cho biết mỗi lần đi bộ 30 phút sẽ giúp tiêu hao 100 kcl ăn vào, chỉ một giờ đi bộ/ngày giúp tiêu hao 200 kcl và giúp hỗ trợ kiểm soát cân nặng. Ý nghĩa lớn như vậy, nhưng điều tra gần đây của Heath Bridge Canada với 3.600 người dân Hà Nội, Huế, TP.HCM cho thấy đến 34% không tham gia bất kỳ hoạt động thể thao nào.
Khi được hỏi nguyên nhân, 84% cho rằng do không có thời gian, 9% ngại dậy sớm, ngại vận động, chỉ có 2% cho rằng do thiếu phương tiện và nơi tập luyện! Kết quả này dù tiến hành trên phạm vi nhỏ nhưng cho thấy những lý do giải thích việc lười thể thao do thiếu nơi tập luyện là không thỏa đáng. Thậm chí theo một số khảo sát, người VN thuộc nhóm lười thể dục thể thao, tại các công viên, số lượng thanh niên VN chạy bộ, đi bộ hay tập thể dục ít hơn nhiều so với người lớn tuổi.
“Hoạt động thể lực” ở đây không phải ghê gớm như phải đến phòng tập thể dục thể hình hay chạy marathon hằng ngày, mà chỉ cần chịu khó đi bộ thay vì từ tầng 1 lên tầng 2 cũng dùng thang máy, tập vài động tác thể dục thư giãn cho mắt, lưng và tay sau mỗi giờ nếu công việc của bạn gắn chặt với chiếc bàn và chiếc máy vi tính, tự làm việc nhà… Về kiểm soát chế độ ăn, bà Mai cho hay cá nhân bà chỉ ăn vào xung quanh 1.700-1.800 kcl/ngày, ăn giảm cơm và chất bột (đặc biệt là bữa tối), tăng cường rau xanh, quả chín.
Vận động chính là tập thể dục
Thật ra nhiều suy nghĩ sai lầm khi cho rằng tập thể dục thì phải chơi những môn hoành tráng như đánh golf, tennis hay đá banh mới là tập thật sự. Hoặc có ý nghĩ mỗi ngày tập 30 phút thì tốt cho sức khỏe, vậy nếu làm luôn hai giờ thì tốt gấp bốn lần và không đạt được mức này thì không thấy khỏe.
Một ý nghĩ khác khiến nhiều người bị chấn thương là do nóng lòng muốn thấy kết quả. Ví dụ tập để thân hình thon thả, cơ bắp nổi lên hay làm sao khỏe lên thấy rõ và không sợ bệnh tật. Với tinh thần đó, người tập dễ dàng đẩy khối lượng tập lên cao hết sức và kết quả là bị chấn thương hay bị đau cơ muộn.
Đi bộ là một cách tập. Thay vì lấy xe máy ra đầu hẻm mua hàng, bạn có thể đi bộ 5-7 phút. Thứ hai, thường điều tốt đến chậm và lâu thấy nên bạn phải kiên nhẫn và duy trì trong một thời gian tính bằng tháng. Và cuối cùng không nên nóng vội mà để bị chấn thương. Cuộc sống là vận động. Vận động chính là tập thể dục, vậy khi bạn vận động chính là bạn đã tập thể dục và như vậy bạn đã có cuộc sống.
BS Tăng Hà Nam Anh
Theo Tuổi Trẻ

Bình luận (0)