TS Christoph Links là người sáng lập NXB Ch.Links Verlag, một NXB mới thành lập sau khi nước Đức thống nhất nhưng đã sớm khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường sách của Đức.
TS Link cũng đã có hơn 10 năm là thành viên Ban Giám đốc Hội chợ sách Frankfurt, một trong những hội chợ sách lớn nhất và uy tín nhất thế giới. Vừa qua, ông đã có một buổi trao đổi tại TPHCM với những người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản tại Việt Nam. Nội dung là về hoạt động xuất bản tại Đức và các phương pháp tiếp thị sách thành công.
Chủ động tìm cách bán sách
Tại Đức hiện có 2.243 NXB, mỗi năm thực hiện trên 90.000 nhan đề sách các loại, đứng thứ 3 trên thế giới sau Anh và Trung Quốc. Điều này tạo một áp lực cạnh tranh rất lớn và các NXB phải tìm mọi cách để có thể bán được sách. Ở đây, có một điểm giống nhau rất lớn giữa hai nền xuất bản của Đức và Việt Nam, đó là tầm quan trọng sống còn của các nhà phát hành. Điều này được thể hiện rất rõ qua mức phân bổ chi phí tạo nên giá của mỗi cuốn sách. Theo đó, nhà phát hành, các cửa hàng bán sách… hưởng 40% trên giá bìa, 10% cho trung tâm phân phối và người đại diện bán sách.
Sách mẫu (phải) do NXB Trẻ thực hiện để giới thiệu chùm sách hè 2014 sắp tới. |
Như vậy chỉ riêng khâu phát hành sách đã chiếm hết 50% giá thành một cuốn sách, phần còn lại thì tác giả (bản quyền) chiếm khoảng 10%; các vấn đề in ấn, kỹ thuật chiếm 20%. Phần còn lại (20%) dành cho NXB và với phần này, NXB phải lo cả công tác quảng bá, tiếp thị. Chính vì thế, để NXB có thể tồn tại thì trung bình mỗi nhân viên phải có được 5 cuốn sách mỗi năm.
Một chi tiết khác trước nay hay gây hiểu lầm là số sách được in, chúng ta thường choáng ngợp với những số bản in hàng trăm ngàn hay thậm chí cả triệu bản của các NXB nước ngoài. Tuy nhiên, TS Links cho biết đó chỉ là những tác phẩm đặc biệt, nổi tiếng, còn đa số các tác phẩm khác đều có mức in trung bình chỉ từ 3.000 – 5.000 cuốn. Con số này tương đối gần với mức in trung bình của mỗi cuốn sách tại Việt Nam (từ 1.000 – 3.000 cuốn).
Một trong những điểm khác biệt lớn nhất trong công tác xuất bản chính là khác nhau ở việc lựa chọn và quyết định in ấn, xuất bản một tác phẩm. Tại Việt Nam, việc quyết định in bao nhiêu bản cho một tác phẩm mới thuần túy mang tính chủ quan, dựa trên phán đoán thị trường và kinh nghiệm của người làm sách. Ở Đức và nhiều quốc gia phát triển khác, tác phẩm được bán trước khi nó được chính thức in ra.
Thông thường, trước khi xuất bản sách khoảng 3 tháng, NXB sẽ in sách mẫu, sách giới thiệu và người bán sách sẽ đại diện NXB đến chào bán cho các nhà sách. Từ con số đặt hàng, NXB sẽ quyết định mức in ấn. Chính vì thế, thông thường đa số sách in ra đều sẽ được bán hết hoặc số dư không nhiều. Đây là một yếu tố quan trọng tránh được tình trạng sách in ra không bán được gây lãng phí lớn. Ông Nguyễn Thế Truật, Phó Giám đốc NXB Trẻ, cũng cho biết, cuốn sách Thế giới phẳng được chào bán cho NXB Trẻ cũng theo kiểu trước khi sách được in ra, bán trên thị trường.
Một chi tiết khác biệt nữa là tiền tác giả, tác quyền của sách ở Việt Nam dựa trên số lượng bản sách in ra và thường là trọn gói theo thỏa thuận giữa tác giả và NXB. Nghĩa là dù sách bán nhiều hay ít thì tiền cho tác giả cũng không thay đổi, trừ khi tái bản thì mới có thể có bổ sung. Ngược lại, tại Đức, số tiền này dựa trên số sách thực bán ra và tính theo phần trăm. Mức thay đổi tùy theo lượng sách bán được, sách bán ít thì số tiền phần trăm ít, thấp nhất khoảng 8%, tăng dần lên đến cao nhất khoảng 12% đến 13% (các trường hợp cao hơn rất hiếm hoi và chỉ ở một số tác phẩm đặc biệt).
Điều này thúc đẩy tác giả cũng phải chủ động để tìm cách giúp sách mình bán được nhiều. Ở Đức có truyền thống là tác giả đi khắp mọi nơi để giới thiệu sách của mình, trả lời các câu hỏi của bạn đọc, ký tặng… NXB Ch.Links Verlag mỗi năm chỉ làm 50 cuốn sách nhưng trung bình phải tổ chức hơn 200 cuộc giao lưu như thế.
Những bài học thực tế
Thông qua những trao đổi cụ thể với TS Christoph Links mới thấy, xuất bản Việt Nam thực tế đang đi đúng con đường được chuyên nghiệp hóa. Sự chênh lệch chỉ ở khả năng kinh tế, trình độ chuyên nghiệp của các bộ phận… Ví dụ như hệ thống trung tâm phân phối sách được coi là tiêu chuẩn của hệ thống phát hành hiện đại thực tế đã được Công ty cổ phần Phát hành sách TPHCM triển khai từ nhiều năm qua với các cụm phân phối như Nguyễn Huệ, Xuân Thu, Tân Định… Mỗi cụm chịu trách nhiệm phân phối sách, hàng hóa cho hàng chục nhà sách.
Tuy điều này mới chỉ giới hạn trong một nhà phát hành nhưng ít nhất nền tảng của một hệ thống phân phối cũng đã tồn tại.
Công tác quảng bá theo mô hình bán sách trước khi in cũng đã được triển khai. Vừa qua, NXB Trẻ đã gửi hàng loạt sách mẫu đến các đối tác. Sách được in khổ nhỏ, trình bày nội dung rút gọn của tác phẩm gốc, có đầy đủ hình ảnh minh họa và có thể được đọc như một tác phẩm ngắn giúp người đọc hình dung và thậm chí háo hức tìm đọc tác phẩm trọn vẹn.
Không giống nhiều quốc gia khác, ở Đức có luật khống chế giá sách. Luật này quy định giá sách sau khi được NXB quyết định sẽ không được tùy ý thay đổi. Nghĩa là dù sách được bán tại nhà sách lớn hay nhà sách nhỏ hoặc bán trên mạng thì giá sách cũng hoàn toàn giống nhau. Điều này giúp duy trì sự tồn tại của các nhà sách nhỏ vốn không thể cạnh tranh được với các nhà sách lớn.
Kết quả là Đức trở thành một trong những quốc gia có nhiều nhà sách nhất trên thế giới với khoảng hơn 30.000 nhà sách trên toàn quốc, trung bình cứ 30.000 dân có 1 nhà sách, cao hơn cả Anh và Trung Quốc, hai quốc gia xuất bản sách nhiều nhất thế giới. Và cũng theo quy định, nếu sách không được bán hết thì sau một năm, NXB phải mua lại số sách còn dư từ các nhà sách. Và sau đó nếu có nhu cầu bán giảm giá thì NXB phải ra quyết định hủy giá sách cũ và ra giá sách mới. Giá mới này cũng chịu chế tài của luật khống chế giá sách.
Theo SGGP
Bình luận (0)