“Hoàng Sa, Trường Sa là hai quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam được vẽ nhiều nhất trên các bản đồ cổ và hiện đại của Việt Nam và quốc tế”, là một trong 10 kỷ lục vừa được Tổ chức kỷ lục Việt Nam – Vietkings xác lập và công bố nhân Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam 2014 (1 – 8/6).
Thông tin từ tổ chức này cho biết, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã sưu tầm và đang lưu giữ hàng trăm bản đồ cổ Việt Nam, Trung Hoa và các nước phương Tây vẽ về Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Chỉ với 50 bản đồ mô tả nước Việt Nam với thềm lục địa và Biển Đông ấn hành từ năm 1525 đến 1886, đã cho thấy sự hiểu biết của thế giới về Việt Nam ngày một chính xác, cả về hình thể lẫn địa danh, trong đó gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa. Có bản đồ do người Trung Quốc vẽ như bộ sưu tập bản đồ Võ bị chí, trang 11b và 12a, ghi lại cuộc hành trình của Trịnh Hòa trong thời gian 1405-1433 đi từ Trung Quốc qua Ấn Độ Dương đến châu Phi, có vẽ nước Giao Chỉ Bắc giáp Khâm Châu, Trung Quốc, Nam giáp nước Chiêm Thành, Đông giáp biển cả mang tên Giao Chỉ Dương, tức biển của nước Giao Chỉ…
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu và một bản đồ cổ ghi Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam
“Hoàng Sa, Trường Sa là quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam được đặt nhiều tên nhất” và “có không gian lớn nhất, dài nhất, rộng nhất, sâu nhất, xa nhất, có nhiều đảo đá nhất”, là hai kỷ lục khác. Đó là những cái tên như Hoàng Sa, Trường Sa, Vạn Lý Trường Sa, Đại Trường Sa, Cát (Kát) Vàng, Cồn Vàng, Paracel. Ngoài ra, người Bồ Đào Nha, Hòa Lan còn đặt tên Hoàng Sa là Parcel, Pracel, người Anh và Pháp gọi Trường Sa lần lượt là Pratlys, Spratleys… Quần đảo Hoàng Sa nằm trong một phạm vi rộng khoảng 15.000 km2, nằm gần đất liền Việt Nam hơn cả, ngang bờ biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, với 23/30 đảo, đá, bãi, cồn, hòn, đã được đặt tên…
Ngoài ra, còn có các kỷ lục cuốn sách viết về quốc hiệu, cương vực, tập hợp số lượng bản đồ cổ và hiện đại về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam nhiều nhất (Việt Nam quốc hiệu & cương vực – Hoàng Sa, Trường Sa, NXB Trẻ), người có công trình nghiên cứu và hồ sơ, tài liệu về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam được dịch sang tiếng Anh nhiều nhất (TS Nguyễn Nhã), bức lụa thư pháp dài nhất ghi bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, đang được trưng bày tại nhà truyền thống huyện đảo Trường Sa…
Theo PNO
Bình luận (0)