Y tế - Văn hóaThư giãn

Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM: Đầu tư xây dựng đội ngũ đạo diễn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Những năm qua, tình hình hoạt động của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM gặp rất nhiều khó khăn, thế nhưng đơn vị nghệ thuật này vẫn luôn cố gắng tạo nhiều điều kiện để anh em nghệ sĩ được thường xuyên biểu diễn, rèn nghề.
Với chủ trương đầu tư và tạo điều kiện để một số nghệ sĩ theo học các khóa đào tạo đạo diễn chính quy của Trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh TPHCM, đến nay, nhà hát đã có 8 nghệ sĩ tốt nghiệp các khóa trên.
Một cảnh trong vở tuồng Đền hùng tranh gái sắc (Sơn Tinh Thủy Tinh).

Phát huy nội lực

Tại TPHCM, những năm trước đây, phần lớn các vở tuồng hát bội thường được dàn dựng bởi các bàn tay đạo diễn sân khấu tên tuổi như NSND Lê Tiến Thọ, NSND Huỳnh Nga, NSƯT Trần Ngọc Giàu, NSƯT Trần Minh Ngọc, NSƯT Ca Lê Hồng, NSƯT Hoàng Ngọc Đình, đạo diễn Võ Trọng Nam…
Các đạo diễn sân khấu tên tuổi có chuyên môn, sự chuyên nghiệp, bề dày kinh nghiệm và kiến thức, đã giúp nhà hát ra mắt hàng loạt vở tuồng phục vụ công chúng, tham gia các hội thi, hội diễn chuyên nghiệp sân khấu tuồng toàn quốc…

Thực tế, việc mời đạo diễn sân khấu về dàn dựng các vở mới cho nhà hát cũng gặp không ít khó khăn. Vì thế, để hoạt động nghệ thuật thuận lợi hơn, vài năm trở lại đây lãnh đạo nhà hát đã cố gắng tạo điều kiện để các nghệ sĩ theo học các khóa đạo diễn sân khấu.
Tính đến nay, nhà hát đã có được một đội ngũ đạo diễn “trẻ” như: NSƯT Xuân Quan, NSƯT Hữu Danh, NSƯT Ngọc Nga, NSƯT Linh Hiền, NS Hữu Nhi, Nguyễn Hoàn, Đông Hồ, Tuấn Nghĩa, góp phần không nhỏ vào việc làm tươi mới, sống động không khí dàn dựng, tập luyện các vở diễn, của tập thể nghệ sĩ, diễn viên nhà hát.
Mới đây nhất, NSƯT Linh Hiền vừa dàn dựng vở Đền hùng tranh gái sắc (Sơn Tinh Thủy Tinh) – một vở tuồng của tác giả – NSND Đinh Bằng Phi, có sự tham gia biểu diễn của NSƯT Linh Hiền, NS Thanh Trang, Minh Khương, Đông Hồ, Phượng Loan, Kiều My… Đây là vở thi tốt nghiệp khóa đạo diễn của NSƯT Linh Hiền, đồng thời cũng là vở được đầu tư dàn dựng để ra mắt phục vụ khán giả trong tháng 6 này.
Để dàn dựng vở tuồng này, NSƯT Linh Hiền đã chịu khó bỏ nhiều công sức tìm hiểu về lịch sử tuồng tích, nghiên cứu về phục trang, sáng tạo cách thức thể hiện…
Sau hàng loạt những vở tuồng đã công diễn phục vụ khán giả, có thể thấy, lực lượng đạo diễn tại chỗ đã giải quyết được vấn đề khó khăn bấy lâu nay của nhà hát là thiếu các đạo diễn được đào tạo chuyên ngành có hiểu biết sâu sắc về nghệ thuật hát bội để dàn dựng các vở tuồng cho nhà hát. Tham gia công tác dàn dựng, các đạo diễn “cây nhà lá vườn” càng được nâng cao hơn về chuyên môn (vừa đạo diễn, vừa diễn xuất), được thăng hoa cùng niềm đam mê nghệ thuật.
Còn lắm vất vả, gian nan
Tại rạp Long Phụng, hình ảnh các nghệ sĩ tập luyện, chạy chương trình, biểu diễn phúc khảo các vở tuồng bên trên sân khấu, bên dưới chuột chạy lúc nhúc đã là chuyện rất đỗi bình thường.
Thực trạng, cơ sở vật chất rạp Long Phụng đã xuống cấp trầm trọng: tường nứt, thấm nước, trời mưa lớn là dột, nước tràn ướt cả khu vực sân khấu… Thế nhưng, nhà hát vẫn phải tiếp tục nằm yên chờ thời và cố gắng khắc phục tình trạng hư hỏng, rệu rã theo kiểu chống ngập tạm thời, chờ ngày di dời.
Công năng cần có của một nhà hát của rạp Long Phụng thật sự không thể đáp ứng được nhu cầu cơ bản nhất: biểu diễn nghệ thuật. Nơi đây giờ chỉ còn là điểm tập trung sinh hoạt của anh em nghệ sĩ, nơi tập luyện, kho chứa đạo cụ, cảnh trí… 100% các suất diễn của nhà hát đều diễn phục vụ ngoài đường, ở đình, miếu – nay đây mai đó, tất tả ngược xuôi, không có điểm diễn ổn định, thiếu một mái che an toàn.
Thương nhất là những xuất diễn ngay mùa mưa, cả người quản lý lẫn anh em nghệ sĩ ai cũng nơm nớp, lo lắng canh me thời tiết: xe ca sân khấu, cảnh trí, âm thanh, ánh sáng dù đã dựng xong, nghệ sĩ hóa trang, phục trang lấp lánh đến mấy mà bất chợt trời đổ mưa là mọi người lại cuống cuồng dọn dẹp, tất tả rút quân.
NSƯT Ngọc Nga, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM chia sẻ: “Thời hoàng kim của hát bội vào những năm 1980 – 1982 đã qua thật lâu, mà thời hoàng kim của lĩnh vực nghệ thuật nào cũng vậy, đã qua rồi thì nghệ sĩ luôn thấy tiếc nuối, nhất lại là nghệ thuật hát bội – bộ môn nghệ thuật nhiều khó khăn, công tác đào tạo vất vả… Nhưng nếu không có những con người yêu nghệ thuật bằng nhiệt huyết, luôn cố gắng bám trụ với nghề trong bao năm qua thì ắt hẳn nghệ thuật truyền thống này phải dần mai một, rồi cứ thế lùi vào quá khứ.
Mấy năm qua anh em nghệ sĩ hy vọng và trông chờ vào dự án rạp Hưng Đạo, nhưng thấy phương án này còn xa xôi quá. Đến thời điểm này, hàng loạt những khó khăn luôn làm đau đầu chúng tôi như không có sân khấu, số lượng đào tạo diễn viên trẻ kế thừa còn khiêm tốn chỉ có 14 em, nhà hát có 32 – 33 diễn viên, trong khi nhu cầu dàn dựng một vở diễn lớn đòi hỏi dàn diễn viên nhiều hơn thì nhà hát không thể đáp ứng…”.
Hiện nay, thù lao của anh em nghệ sĩ còn quá thấp, một xuất diễn, nghệ sĩ hát bội chỉ được nhận vài chục ngàn đồng đủ đổ tiền xăng, uống nước, hoặc cao nhất cũng chỉ được nhận 100.000 – 200.000 đồng tiền cát sê một suất diễn 2 – 3 giờ. Mức thù lao quá thấp này cũng là một trong những nguyên nhân khiến khó có thể giữ chân được anh em nghệ sĩ yêu nghệ thuật, muốn làm nghề lâu dài.
Theo SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)