Mưa lũ trong những ngày qua khiến nhiều vùng quê bị ngập lụt, người dân suốt ngày phải tiếp xúc với nước bẩn, nên dễ mắc bệnh nấm kẽ chân mà dân gian thường gọi là “nước ăn chân”.
Triệu chứng
Theo lương y Vũ Quốc Trung, bệnh này thường bắt đầu từ kẽ ngón chân thứ 3, thứ 4. Mới đầu, người bệnh thấy bong vảy và ngứa ở kẽ ngón chân. Dần dần, da kẽ ngón bị mủn, trắng bợt, hoặc loét, chảy nước, có thể bị nứt kẽ, rất đau. Từ kẽ ngón chân thứ 3, thứ 4 bệnh có thể lan sang các kẽ ngón chân khác, hoặc lan lên mu bàn chân, rìa bàn chân.
Nếu nhẹ thì da kẽ ngón chân chỉ bong vảy ít, hơi ngứa. Bệnh nhân cho là bị “nước ăn chân” nhưng khi làm xét nghiệm thì thấy sợi nấm. Đối với trường hợp nặng, các kẽ ngón chân và nhiều khi cả rìa và mu bàn chân bị ngứa nhiều, loét, nứt, rất đau, ảnh hưởng không ít đến sinh hoạt, công việc, nhất là khi bị biến chứng nhiễm khuẩn thứ phát. Lúc này, các ngón chân (có khi cả một phần mu bàn chân) bị sưng tấy, đỏ, hạch bẹn bị sưng đau. Việc điều trị sẽ phức tạp hơn nhiều (phải điều trị nấm và chống nhiễm khuẩn).
Mộc thông – Phòng phong – Ngưu bàng tử / Ảnh: K.Vy |
Phòng và trị
Nếu có nhiễm khuẩn, phải chống nhiễm khuẩn trước. Người bệnh cần ngâm chân vào nước thuốc tím pha loãng 1/10.000 (1g thuốc tím pha trong 10 lít nước ấm) mỗi ngày 2 – 3 lần, hoặc nước muối 0,9%. Sau đó lau khô, bôi các thuốc sát khuẩn.
Còn về khía cạnh Đông y, theo lương y Vũ Quốc Trung, có thể dùng bài thuốc giải độc trừ phong gồm các vị: phòng phong, ngưu bàng tử, sơn chi, mộc thông, thương truật (mỗi vị 10g), thạch cao 20g, kim ngân hoa 12g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang, chia uống 3 lần trong ngày.
* Bài thuốc ngâm chân: Bồ công anh 60g, hoa cúc dại 30g, kim ngân hoa 20g, cho các vị thuốc vào 1 lít nước, nấu lấy nước để ngâm chân 20 phút mỗi ngày. Sau khi ngâm lau khô chân rồi bôi thuốc chống nấm.
Bệnh nước ăn chân dễ nhầm lẫn với bệnh viêm kẽ do liên cầu khuẩn và viêm kẽ do nấm candida. Do vậy, nếu bị nấm kéo dài, thì nên đến khám chuyên khoa da liễu để xác định chính xác bệnh.
Khánh Vy (TNO)
Bình luận (0)