Y tế - Văn hóaThư giãn

Tái dựng vở diễn lịch sử, bao giờ?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bỏ quên những kịch bản lịch sử trong lúc này là có lỗi với tiền nhân – những người tâm huyết với sân khấu đều nghĩ như thế. Hàng trăm kịch bản sân khấu thể hiện lòng yêu nước, ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm đã từng làm rung động trái tim hàng triệu khán giả mộ điệu sân khấu. Tiếc rằng trong thời gian gần đây, việc tái dựng những kịch bản giá trị này vẫn chưa được chú trọng.

Thấm đẫm tinh thần tự hào dân tộc
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam qua mỗi thời kỳ đã là chất liệu sống động cho nhiều tác giả chuyên nghiệp sáng tác hàng loạt vở diễn sân khấu trong suốt thời gian qua.
Khán giả mộ điệu sân khấu cải lương không thể nào quên những vở tuồng luôn cháy vé ngay từ buổi công diễn đầu tiên. Đó là Tiếng trống Mê Linh, Câu thơ yên ngựa (Đoàn Cải lương Thanh Minh, Thanh Nga), Rừng thần (Đoàn Tiếng hát Sông Cửu), Nhụy Kiều tướng quân, Nữ tướng cờ đào (Đoàn Văn công Đồng Tháp), Thái hậu Dương Vân Nga, Chim Việt cành Nam, Rạng ngọc Côn Sơn, Nàng Hai Bến Nghé, Hoa độc trong vườn (Đoàn Văn công TP HCM, tiền thân của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), Bức ngôn đồ Đại Việt, Cánh nhạn mù sương, Bão táp Nguyên Phong, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Má hồng soi kiếm bạc (Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ), Tình sử A Nàng, Ngọn lửa Thăng Long, Hùm thiêng Yên Thế, Anh hùng bán than, Mặt trời đêm thế kỷ (Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long), Đêm hội Long Trì, Hội nghị Diên Hồng, Nhiếp chính Ỷ Lan, Thanh gươm của Đô đốc (Đoàn Sông Bé)…

Một cảnh trong vở Bức ngôn đồ Đại Việt
Về thể loại cải lương độc diễn, tác giả Lê Duy Hạnh có bộ 3 kịch bản cải lương thể nghiệm dành cho một diễn viên, gồm: Hoàng hậu hai vua, Hồn thơ ngọc, Độc thoại đêm – Lý Chiêu Hoàng. Ba vở này đã tạo dấu ấn đậm nét về thể loại kịch bản lịch sử dành cho một diễn viên.
Trên sân khấu kịch nói, gần 40 năm qua đã có các vở: Đâu có giặc là ta cứ đi, Người mẹ miền Nam, Lửa thiêng (Đoàn Kịch nói Cửu Long Giang), Rừng trúc, Nguyễn Trãi (Nhà hát Kịch Việt Nam), Ánh sao khuê, Hào kiệt đất Tây Sơn (Đoàn Kịch nói Hải Phòng), Bí mật vườn Lệ Chi, Vua thánh triều Lê (Sân khấu Kịch IDECAF), Nỏ thần (Kịch Phú Nhuận), Tả quân Lê Văn Duyệt (Nhà hát Kịch TP HCM)… Với việc thể nghiệm kịch bản kịch nói thể hiện quan điểm của nghệ sĩ trước những vấn đề của lịch sử và đời sống sân khấu, tác giả Lê Duy Hạnh đã sáng tác Diễn kịch một mình – dấu son đậm nét của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM. Bên cạnh đó, sân khấu hát bội cũng có nhiều kịch bản lịch sử rất hay, như: Chiến thắng Bạch Đằng Giang, Sát thát, Bé Thuận kiên cường, Trần Quốc Toản ra quân, Trần Thủ Độ…
Dày công sáng tạo
Điểm lại những tác phẩm sân khấu lịch sử hào hùng trên sàn diễn cải lương, chúng ta sẽ thấy ngay giá trị nghệ thuật mà các thế hệ soạn giả, đạo diễn đã dày công sáng tạo. Kịch bản Nhụy Kiều tướng quân của tác giả Hoàng Anh Chi thời đó đã thể hiện rõ bút pháp sáng tác độc đáo, để mỗi khi nhắc đến vở diễn này, khán giả nhớ ngay đến NSƯT Diệu Hiền.
“Tôi nhớ như in những ngày tập dượt kịch bản này do đạo diễn Thiện Mỹ dàn dựng cho Đoàn Văn công Đồng Tháp. Thủ pháp dàn dựng của Thiện Mỹ cuốn hút tôi ngay từ buổi tập đầu tiên. Anh không tuyên truyền lòng yêu nước và mối thù phải trả đối với quân xâm lược một cách lên gân. Qua từng câu thoại, lời ca, diễn viên chuyển tải hết sức từ tốn cảm xúc của nhân vật, để trái tim yêu nước trong mỗi tâm hồn Việt rung lên, cùng hòa nhịp với nhân vật Triệu Thị Trinh trên đường tiến công đánh đuổi quân xâm lược. Sau thành công của vở diễn này, tôi bắt đầu thích diễn vai nhân vật lịch sử, mạnh dạn rời bỏ những vai diễn kiếm hiệp kỳ tình hoặc vai võ tướng của thể loại võ hiệp trên sân khấu cải lương” – NSƯT Diệu Hiền nhớ lại.
Sau dấu son đậm nét của Nhụy Kiều tướng quân, NSƯT Diệu Hiền còn có thêm vai nữ tướng Bùi Thị Xuân trong kịch bản Nữ tướng cờ đào của tác giả Hùng Tấn.
Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ và Huỳnh Long là 2 đơn vị có nhiều tác phẩm đề tài lịch sử được dàn dựng thành công. “Thời đó, mỗi vở tuồng được viết và dựng trong 3 tháng. Khi lên sàn tập, đạo diễn còn có sự chỉnh sửa, chăm chút cho nhân vật chính nổi bật. Chúng tôi rất biết ơn các đạo diễn thời đó: Chi Lăng, Đoàn Bá, Ngô Y Linh… và các họa sĩ tâm huyết với sân khấu về đề tài lịch sử như: NSND Lương Đống, Phan Phan… Họ đã đóng góp nhiều công sức, sự sáng tạo cho những vở diễn lịch sử ra đời hoành tráng và có giá trị đỉnh cao” – soạn giả Bạch Mai nhận xét.
Tạo dấu ấn trong lòng khán giả
Nhiều nghệ sĩ đã có những vai diễn khiến công chúng yêu nghệ thuật sân khấu nhớ mãi khi hóa thân các nhân vật lịch sử trong những vở diễn thuộc đề tài này. Chỉ cần nhắc đến tên, khán giả mộ điệu nhớ ngay đến họ.
Những vai diễn để đời đó đã được ghi dấu thành tựu trong nghiệp diễn của mỗi người: NSND Ngọc Giàu (Thị Lộ, Thái hậu Dương Vân Nga), NSND Bạch Tuyết (Thái hậu Dương Vân Nga, Lý Chiêu Hoàng), NSƯT Thanh Nga, nghệ sĩ Phượng Liên (Trưng Trắc), NSƯT Thanh Sang (Thi Sách), NSND Thanh Tòng (Lý Đạo Thành, Nguyễn Địa Lô, Hưng Đạo Vương), NSƯT Thành Lộc (Lý Thường Kiệt), NSƯT Minh Vương, NSƯT Hữu Châu (Nguyễn Trãi), NSƯT Diệu Hiền (Bùi Thị Xuân, Triệu Thị Trinh), NSƯT Thanh Vy (Võ Thị Sáu), NSƯT Mỹ Châu (Ngọc Hân), nghệ sĩ Tuấn Thanh (Nguyễn Huệ), NSƯT Vũ Linh (Trần Bình Trọng)…
Theo NLĐ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)