Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Chống cận thị bằng thiết bị: ảo tưởng!

Tạp Chí Giáo Dục

Những luận giải của các chuyên gia y tế dưới đây đã cho thấy các thiết bị giá đỡ cằm, áo khoác, đèn chống cận thị… đang được quảng cáo ầm ĩ, chẳng những không có tác dụng như mong muốn mà còn có thể gây hại cho người sử dụng.

Giá đỡ chống cận thị thực sự chỉ có tác dụng chống được biến dạng cột sống do ngồi sai tư thế còn đi ngược với những đáp ứng cần có khi mắt làm việc trong điều kiện bất lợi (Ảnh: SGTT)

Một chiếc giá đỡ cằm chống cận thị có giá dao động từ vài chục ngàn đến trên trăm ngàn đồng. Cao cấp hơn là chiếc áo chống cận thị giá khoảng 450.000 – 500.000 đồng/chiếc. Người dùng mặc áo vào, với phần lưng có nẹp nhựa, phần bụng có một vòng đai giữ để người dùng ngồi ở tư thế thẳng đứng, không thể cúi hoặc gù lưng khi học.

Không diệt được gốc rễ gây cận thị

Bác sĩ Hoàng Cương, khoa khám bệnh, bệnh viện Mắt TƯ cho biết, đa phần các loại đèn chống cận thị đang bán trên thị trường không phải của những nhà sản xuất chuyên về thiết bị y tế hay quang học nên rất khó để tin có thể chống cận thị được.

"Về nguyên tắc, chiếu sáng tốt sẽ hạn chế việc nhìn mờ, cho quá trình nhìn được thực hiện hoàn hảo nhất, làm người đọc không phải đưa tài liệu lại gần, giúp hạn chế phát sinh cận thị. Tuy nhiên cần hiểu rằng, chính quá trình chiếu sáng tốt đã góp phần quan trọng vào đề phòng cận thị chứ không phải là một loại đèn cụ thể nào đó làm điều này”, BS Cường khẳng định.
Còn về áo chống cận, giá đỡ cằm… giúp trẻ tránh cúi gằm khi làm việc với sách vở, BS Cương giải thích: “Nhìn gần trong thời gian dài là một trong những yếu tố gây nên cận thị nhưng đâu là nhân, đâu là quả thì vẫn chưa rõ ràng. Các loại áo, giá đỡ chống cận thị… được đúc khuôn theo một cự ly nhất định, đi ngược lại những đáp ứng cần có khi mắt phải làm việc trong những điều kiện bất lợi, nên sẽ không chống được cận thị, có chăng là chống được biến dạng cột sống do ngồi sai tư thế. Nói cách khác, những thiết bị đó không thể tiêu diệt được gốc rễ gây cận thị”, BS Cương nhấn mạnh.
Theo BS Đặng Anh Ngọc, Trưởng khoa khám sức khoẻ trường học, Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường, giá đỡ cằm chỉ có tác dụng giúp người dùng có khoảng cách xa với bàn làm việc, chứ không chống được cận thị. Tuy nhiên, khoảng cách đó phải tính cụ thể bao nhiêu chứ không thể áp dụng chung, vì mỗi lứa tuổi khác nhau. “Hiện cũng chưa có nghiên cứu nào khẳng định tác dụng cũng như hậu quả khi dùng áo chống cận. Tốt nhất trước khi dùng nên hỏi ý kiến bác sĩ”, BS Ngọc nói.
Nên phòng tránh cận thị bằng cách nào?
Bác sĩ Cương cho biết, có nhiều nguyên nhân gây nên cận thị, trong đó phổ biến nhất là do quá trình làm việc với cự ly gần với cường độ cao, diễn ra trong thời gian dài. Tuy nhiên cận thị có hay không còn phụ thuộc vào dinh dưỡng, di truyền, vệ sinh lao động, đặc biệt là quá trình chiếu sáng.
Vì vậy để phòng tránh cận thị, cần ăn uống đủ chất, nhiều hoa quả, rau xanh, cá biển. Học đọc, làm việc với vi tính vừa phải, ngày không quá năm tiếng, sau một tiếng làm việc phải nghỉ ngơi 5 – 10 phút và xoa nhẹ mắt nhiều lần. Nếu đã bị cận thị thì càng nên giảm thời lượng làm việc với máy tính hay việc nhìn gần nói chung. Với trẻ em, nên cho trẻ gia tăng vui chơi ngoài trời và hoạt động ngoại khoá mới hy vọng số cận không tăng lên, “Cận thị hơn 4 độ nên tránh chơi các môn thể thao đối kháng: tennis, bóng đá, cầu lông… để tránh chấn thương mắt, nếu bị sẽ rất nguy hiểm”, BS Cương cảnh báo.
Theo BS Ngọc, chỉ khi nguồn sáng từ phía xa hay trên cao không đủ thì mới cần dùng thêm nguồn sáng bổ sung như các loại đèn. Công suất cũng nên vừa đủ để tránh sinh nhiệt gây hại cho mắt, “Nên dùng tối đa ánh sáng tự nhiên để đọc nếu có điều kiện”, BS Ngọc khuyên.
Theo Lệ Hà

SGTT

Bình luận (0)