Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Từ 1-7-2009, Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực: Không gây nhiều xáo trộn

Tạp Chí Giáo Dục

Một số thay đổi có lộ trình

Nếu không có gì thay đổi, chỉ còn 40 ngày nữa, ngày 1-7-2009, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) chính thức có hiệu lực. Theo quy định mới của Luật BHYT sẽ có hàng triệu thẻ đang đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh hoặc trung ương sẽ phải chuyển về tuyến y tế cơ sở phường xã, quận huyện (hoặc tương đương). Quy định mới này khiến lãnh đạo các đơn vị y tế cơ sở lo lắng vì chưa chuẩn bị kịp hạ tầng cơ sở. Giải tỏa nỗi lo này, ông Nguyễn Văn Đông, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM cho biết:
Theo quy định mới của Luật BHYT, nơi đăng ký KCB ban đầu bao gồm: tại cơ sở KCB tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương; Bộ Y tế quy định các trường hợp được đăng ký KCB ban đầu tại tuyến tỉnh hoặc trung ương. Như vậy, sau khi luật có hiệu lực, rất nhiều thẻ BHYT đăng lý KCB ban đầu tại các bệnh viện (BV) tuyến tỉnh, trung ương sẽ phải chuyển về các đơn vị y tế cơ sở theo quy định.
Tuy nhiên, theo tinh thần triển khai Luật BHYT là không gây xáo trộn và thay đổi nhiều nên các quy định sẽ được thực hiện theo lộ trình chứ không phải thực hiện đồng loạt ngay lập tức sau khi luật có hiệu lực. Riêng tại TPHCM, sau ngày 1-7, chưa có gì thay đổi về nơi đăng ký KCB ban đầu. Hiện tổng số thẻ đăng ký KCB BHYT của toàn thành phố cho đến thời điểm này là 3.121.000 thẻ (sẽ thêm khoảng 500.000 thẻ cho đối tượng trẻ dưới 6 tuổi sau ngày 1-7).
Trong đó khối BV đa khoa thành phố chiếm khoảng 1,2 triệu thẻ; BV tuyến trung ương đóng trên địa bàn thành phố là 160.000 thẻ; còn lại là đăng ký ở cơ sở y tế tuyến quận huyện và các BV tư (khoảng 1,7 triệu thẻ). Tất cả các thẻ vẫn giữ nguyên nơi đăng ký như trước đây. Về lộ trình thực hiện, BHXH TPHCM đã đề nghị Sở Y tế nhanh chóng kiến nghị UBND TP cho thực hiện việc mở rộng, nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở và thỏa thuận với ngành y tế khi nào tuyến y tế cơ sở được chuẩn bị tốt, có khả năng đáp ứng được nhu cầu KCB của người dân thì mới thực hiện việc chuyển nơi đăng ký KCB ban đầu.
° PV: Chỉ còn 40 ngày nữa là Luật BHYT có hiệu lực nhưng cho đến nay, nghị định hướng dẫn thi hành luật cũng như các văn bản dưới luật vẫn chưa được phổ biến, việc thi hành luật xem ra sẽ rất khó cho các cơ sở cũng như người thụ hưởng bảo hiểm.
° Ông NGUYỄN VĂN ĐÔNG: Như tôi đã trao đổi, tinh thần là sẽ không có thay đổi nhiều gây xáo trộn ngay sau khi luật có hiệu lực, tất cả sẽ được thực hiện theo lộ trình. Hiện nay nghị định hướng dẫn thi hành Luật BHYT chưa có, nhưng đã có dự thảo nghị định và chắc cũng không có gì thay đổi nhiều. Những quy định mấu chốt có ảnh hưởng nhiều nhất đến quyền lợi người thụ hưởng như mức đóng, nơi đăng ký KCB ban đầu chưa có gì thay đổi sau ngày 1-7.
Những điểm mới chắc chắn sẽ thực hiện ngay sau ngày 1-7 bao gồm: chi trả 100% cho đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi và người có công (nhưng không quá 40 lần mức lương tối thiểu); đồng chi trả theo những mức quy định cụ thể với các nhóm đối tượng khác. Cái khó của việc triển khai Luật BHYT, không nằm ở dự định gần mà ở mục tiêu xa. Mục tiêu của chúng ta là đến năm 2014 sẽ thực hiện được BHYT toàn dân xem ra có vẻ không khả thi trong tình hình nhân lực ngành y tế đang thiếu trầm trọng và hệ thống y tế tuyến cơ sở cũng còn nhiều khó khăn, không thể giải quyết được trong vòng 5 năm để đáp ứng mục tiêu này.
° Hiện nay có rất nhiều người dân, vì nhiều lý do, chỉ có thể đi KCB ngoài giờ hành chính hay ngày nghỉ, ngày lễ nhưng nhiều cơ sở y tế phải từ chối vì cho rằng BHXH TPHCM làm khó dễ việc thanh toán KCB BHYT ngoài giờ? Ông giải thích sao về việc này?
° Hoàn toàn không có việc gây khó dễ nếu không nói BHXH còn tạo điều kiện và khuyến khích các cơ sở y tế triển khai KCB BHYT ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ ngày lễ cho các đối tượng tham gia BHYT. Tuy nhiên, mọi việc đều phải thực hiện theo thủ tục hành chính. Thực hiện nội dung hướng dẫn về việc thanh toán chi phí KCB BHYT ngày nghỉ, ngày lễ của BHXH Việt Nam, ngày 21-3-2008, BHXH TPHCM đã có công văn số 182/BHXH-GĐC về thực hiện thanh toán chi phí KCB ngày nghỉ, ngày lễ.
Theo đó, BHXH TPHCM chỉ yêu cầu các cơ sở y tế đáp ứng 2 yêu cầu: thực tế tình hình KCB cho các đối tượng BHYT ở cơ sở KCB phải ở tình trạng quá tải (không cần chứng minh mà chỉ cần đưa ra lý do để đăng ký); cơ sở KCB phải được cấp thẩm quyền quyết định cho phép tổ chức KCB cho người có thẻ BHYT ngoài giờ hành chính, ngày lễ, ngày nghỉ. Theo đó, BV thành phố thì xin ý kiến Sở Y tế, BV tuyến quận huyện thì xin phép UBND quận huyện chứ không phải xin phép BHXH
Tất cả các thủ tục này chủ yếu là để dễ quản lý, theo dõi chứ không phải làm khó dễ. Các BV tư, ngay lúc đầu làm hợp đồng KCB BHYT với BHXH họ đã đăng ký giờ làm việc của họ là từ 7 giờ sáng đến 8 giờ tối/6 ngày/tuần, chủ nhật làm nửa buổi… Việc thanh toán chi trả được thực hiện đúng quy định, không có vướng mắc gì. Riêng các BV công khi làm hợp đồng thì đăng ký thời gian KCB BHYT là trong giờ hành chính bây giờ muốn làm ngoài giờ, ngày nghỉ, ngày lễ thì đăng ký, thông báo cho BHXH biết thôi.
Theo tôi được biết, tất cả các cấp có thẩm quyền đều ủng hộ và tạo điều kiện cho các cơ sở y tế việc tổ chức KCB BHYT ngoài giờ hành chính, ngày lễ, ngày nghỉ để giảm tải. Các cơ sở y tế không làm là do không muốn làm chứ không phải BHXH làm khó dễ!.
KIM LIÊN (Theo SGGP)

Bình luận (0)