Y tế - Văn hóaThư giãn

Một Copernic của ngôn ngữ học Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Nhà nghiên cứu Pháp, Jean-Pierre Chambon khi điểm một nghiên cứu của Cao Xuân Hạo đã thốt lên rằng chính hướng nghiên cứu của ông Hạo sẽ đi tới một cuộc cách mạng Copernic thực sự của ngữ học hiện đại.

GS Cao Xuân Hạo – Ảnh: Tư liệu
Cuộc nói chuyện của viện sĩ khảo cổ học Liên Xô Gube tại Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam hồi những năm 80 của thế kỷ trước suýt nữa đã không thành. Một nhà nghiên cứu khảo cổ học từng học tại Liên Xô 7 năm đã không thể dịch được trôi chảy những gì viện sĩ nói, do vấp quá nhiều thuật ngữ chuyên dùng. “Người ta đã kiệu Cao Xuân Hạo đến và mọi việc êm xuôi”, GS-TS Mai Quốc Liên sau này nhớ lại.
GS Đinh Văn Đức lại có một câu chuyện khác về tài dịch thuật của ông Hạo. Khi đó là năm 1971. Ông Đức lúc đó có chân trong ban chiếu bóng của khoa ngữ văn, mượn được hai tập phim Anh em nhà Caramazov của Dostoievski về cho anh em xem. Ngặt một nỗi tới giờ chiếu lại chưa có bản thuyết minh tiếng Việt. Người đọc thuyết minh cũng lúng túng không biết phải làm sao. “May quá chúng tôi phát hiện ra anh Hạo cũng ở đó nên cảm phiền anh. Anh Hạo bảo mua ngay cho anh mấy điếu thuốc thơm, anh cầm thuốc hút rồi ngồi vào phòng máy, nhìn lên màn ảnh và dịch đuổi theo lời nhân vật trong phim. Chúng tôi phục lăn còn anh thì nhận xét lời trong phim này kỳ quá, chả giống gì lời thật của nhân vật trong nguyên bản tiểu thuyết cả”, ông Đức cho biết.
Có nhiều giai thoại như vậy về tài năng dịch thuật xuất chúng của dịch giả Cao Xuân Hạo, người đã dịch quá nhiều bộ tiểu thuyết nổi tiếng. Chuẩn mực trong dịch thuật của ông Hạo, không chỉ bắt nguồn từ khả năng tự học ngoại ngữ của ông, mà còn bắt nguồn từ chính chuẩn tiếng Việt sang trọng, khắt khe mà ông tự đặt ra. “Linh hồn tiếng Việt không hề mất. Cái ý vị vô song của ca dao, tục ngữ, của những câu Kiều, những câu ngâm của người chinh phụ vẫn còn sống mãnh liệt trong tiếng nói hằng ngày của dân ta”, nhà ngôn ngữ Cao Xuân Hạo đã tâm niệm thế suốt đời nghề, đời người của mình.
 
 
GS Cao Xuân Hạo là một bản lĩnh trí thức đáng kính trọng. Vượt qua mọi khó khăn, kể cả những ứng xử không đúng, Anh vẫn có những cống hiến khoa học xứng đáng với ngành ngữ học Việt Nam, với việc cống hiến cho người đọc những thành tựu văn học nước ngoài qua sự nghiệp dịch thuật. Tinh thần của anh sống mãi.
(Thủ tướng Võ Văn Kiệt ghi trong sổ tang)
 
Tinh thần tiếng Việt
GS Phạm Văn Tình, Viện trưởng Viện Từ điển học cho biết chính trên tinh thần tiếng Việt ấy, ông Cao Xuân Hạo đã hoàn thành mọi bản dịch với phần tiếng Việt trau chuốt, thoát ý. Kỹ năng dịch của ông chính là ví dụ hoàn hảo cho sự thoát ly giáo điều, cũng như thoát ly việc rập khuôn ngôn ngữ châu Âu.
Chẳng hạn, có người dịch câu tiếng Pháp “Il n’y a pas de soleil ici” là “không có mặt trời ở đây”. Hoàn toàn đúng về cấu trúc nguyên bản, song đâu còn là văn phong Việt nữa. Phải dịch là “Ở đây không có nắng”. Hay câu dịch ra tiếng Việt của một học sinh Bulgaria theo đúng thời và thể tiếng châu Âu “Chỉ tháng trước, những cây đã xanh, mà nay chúng đang vàng” trong khi người Việt nói đơn giản là “Mới tháng trước, cây cối đang xanh, mà nay đã vàng rực”.
GS Đinh Văn Đức nhớ lại những chặng đường dịch dài của ông Hạo. Dịch, thành công đấy nhưng cũng có sự cố “tư tưởng”. “Tháng lại, ngày qua, bộ sách Chiến tranh và hòa bình đã xuất bản và chúng tôi đã say mê đọc nó ở thư viện. Chúng tôi lấy tiền đâu để mua khi đang là sinh viên nghèo. Chúng tôi thấy một thứ văn phong cực kỳ sang trọng và trong sáng bằng tiếng Việt, dường như người dịch đã gắng chuyển đến mức tối đa ngôn ngữ nguyên gốc”, ông Đức viết.
Cũng theo ông Đức, đầu năm 1964, nhà xuất bản Văn học cho in cuốn tuyển tập truyện ngắn nổi tiếng của Aimatov Truyện núi đồi và thảo nguyên do ông Hạo dịch là chính. Tập truyện tuyệt hay đẫm chất thi vị, bản dịch cũng mượt mà ngôn từ. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau, cuốn truyện bị phê phán nặng nề và bị chụp mũ là có tư tưởng “xét lại” cũng giống như các bộ phim Bài ca người lính, Số phận một con người, Bầu trời trong sáng… thời ấy. “Anh Hạo sau đó đã thở dài nhẹ nhõm bảo với chúng tôi rằng may mà mình đã thoát được bản án thứ hai vì tội dịch. Đơn giản, thấy sách hay thì nhận dịch thôi”, ông Đức kể lại. Trước đó, theo nhà văn cũng là dịch giả Ông Văn Tùng, ông Cao Xuân Hạo đã phải dừng giảng dạy do liên quan đến nhóm Nhân văn Giai phẩm.
Thoát Âu
Theo TS  Nguyễn Quang Hồng, trong lĩnh vực cú pháp, nếu như các tiếng châu Âu khá thích hợp với cách phân tích câu theo sơ đồ “chủ ngữ – vị ngữ” thì phần lớn các câu rất tự nhiên trong tiếng Việt như “chó treo, mèo đậy” lại kiên quyết từ chối cách phân tích này. “Anh Hạo giải thích rằng câu trong các ngôn ngữ như tiếng Việt có một cấu trúc khác hẳn, nó gồm hai phần trong đó phần thứ nhất nêu lên một cái đề (đề tài), còn phần thứ hai nói một điều gì đấy liên quan đến cái đề ấy, gọi là phần thuyết. Đề có thể là bất cứ đóng vai gì, bất cứ có quan hệ gì với thuyết, miễn sao là thành một nhận định có ý nghĩa, có nội dung thông báo nào đấy”, ông Hồng kể lại.
GS-TS Mai Quốc Liên cho biết: “Có lẽ luận điểm cơ bản của Cao Xuân Hạo là bám chặt vào thực tiễn tiếng Việt, bài bác quan điểm dĩ Âu vi trung, lấy quan điểm ngữ học châu Âu làm trung tâm. Ông chứng minh rằng nếu lấy ngữ pháp tiếng Pháp để làm chuẩn và giải thích tiếng Việt, thì chỉ có độ 30% câu tiếng Việt là giải quyết được, còn 70% câu tiếng Việt nói theo kiểu Việt, kết cấu Việt… sẽ lọt ra ngoài”.
PGS-TS Hoàng Dũng, Đại học Sư phạm TP.HCM lại cho rằng: “Cao Xuân Hạo thuộc vào số rất ít nhà ngữ học Việt Nam vượt lên khỏi cái địa vị thuần túy cung cấp tư liệu minh họa cho các lý thuyết ngữ học của phương Tây, để đĩnh đạc tranh luận với giới ngữ học quốc tế”.
“Làm được điều đó, đã đành là phải hiểu rất sâu thành tựu của ngữ học hiện đại, nhưng quan trọng không kém là nhờ Cao Xuân Hạo bám rất chắc vào mảnh đất tiếng Việt”, ông Dũng phân tích. “Ông Hạo hoàn toàn nhập thân vào tâm lý ngôn ngữ của người bản ngữ, quan sát cái thực tế nói năng của người Việt, lấy đó làm nơi kiểm nghiệm lại lý luận của ngữ học hiện đại”.
Cũng theo ông Dũng, chứng minh của Cao Xuân Hạo là một cú sốc cho giới chuyên môn, đến nỗi Jean-Pierre Chambon khi điểm bài báo nghiên cứu, phải thốt lên những lời nồng nhiệt: “Có lẽ chính cái hướng do Cao Xuân Hạo chỉ ra chứ không phải hướng của ngữ pháp tạo sinh cải biến – mới thật là cái hướng mà ta phải theo để tìm đến một cuộc cách mạng Copernic thực sự của ngữ học hiện đại”.
GS Cao Xuân Hạo (1930-2007) sinh tại Hà Nội. Cha ông là học giả Cao Xuân Huy. Ông nội là cụ Cao Xuân Tiếu, một người từng giữ chức trọng trong triều Nguyễn.
Xuất thân trong một gia đình có truyền thống học tập, Cao Xuân Hạo trở thành giảng viên của Trường đại học Tổng hợp khi còn trẻ. Sau đó, việc giảng dạy của ông bị đứt đoạn một thời gian dài và ông chuyển sang dịch sách tuy vẫn tiếp tục nghiên cứu ngôn ngữ với các công trình tiêu biểu: Tiếng Việt – Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp và ngữ nghĩa; Tiếng Việt – Văn Việt – Người Việt; Tiếng Việt sơ thảo ngữ pháp chức năng. Ông là dịch giả nhiều tác phẩm nổi tiếng của thế giới như: Chiến tranh và hòa bình; Tội ác và trừng phạt; Con đường đau khổ; Đèn không hắt bóng; Papillon; Khải hoàn môn… Một thống  kê cho biết ông từng dịch 20.000 trang sách văn học của các nhà văn Nga, Đức, Pháp, Nhật và các nước khác. GS Cao Xuân Hạo đã được trao tặng Giải thưởng về dịch thuật năm 1985 của Hội Nhà văn Việt Nam.
GS Hạo là một trong những nhà ngôn ngữ học hàng đầu ở Việt Nam với nhiều công trình nghiên cứu về tiếng Việt. Ông được đánh giá là người có thể đối thoại về ngôn ngữ với ngôn ngữ học thế giới.
Theo TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)