Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Ứng tuyển thành công khi… ‘vượt chuẩn’ tuyển dụng

Tạp Chí Giáo Dục

Các bước giúp bạn “chinh phục” nhà tuyển dụng khi khả năng bản thân vượt chuẩn mà nhà tuyển dụng yêu cầu.

Tình hình kinh tế ảm đạm, thị trường lao động thắt chặt khiến công cuộc tìm việc ngày càng trở nên khó khăn. Nhiều ứng viên, trong đó có bạn, sẵn sàng chấp nhận công việc “dưới tầm”.

Tuy nhiên, chưa chắc bạn đã được nhà tuyển dụng gật đầu đồng ý. Có thể vì nhiều lý do: họ không đáp ứng được yêu cầu về lương, điều kiện làm việc của bạn; hoặc cho rằng bạn sẽ không trung thành với công ty, rằng bạn chỉ coi công việc này là tạm thời…
Vì vậy, khi chấp nhận làm việc “dưới chuẩn” của bản thân, bạn phải điều chỉnh một số yếu tố để thuyết phục nhà tuyển dụng.
Đánh giá lại bản mô tả công việc
Nhiều công việc yêu cầu bạn phải thực hiện những nhiệm vụ vụn vặt, thậm chí không cần tới những gì bạn đã được đào tạo tại trường đại học. Bạn nên xác định điều gì quan trọng và giá trị đối với nhà tuyển dụng. Sau đó, tập trung thể hiện qua CV và trong cuộc phỏng vấn rằng bạn có thể làm tốt những nhiệm vụ đó, thay vì nhấn mạnh vào bằng cấp cao hay kinh nghiệm nhiều năm của mình.
Không hạ thấp bản thân
Cố hạ thấp bản thân bằng cách nói dối về bằng cấp hay giả vờ “ngây ngô” với những nhiệm vụ bạn đã quá quen thuộc… nhằm phù hợp với yêu cầu của nhà tuyển dụng không phải là một chiến lược hay. Công ty nào cũng muốn ứng viên thể hiện năng lực bản thân một cách tốt nhất, từ đó họ sẽ biết bạn có thể đóng góp tích cực cho công ty ra sao. Vì vậy, hãy tôn trọng những giá trị, khả năng của bản thân mình và đừng ngại chứng tỏ chúng với nhà tuyển dụng.
Thể hiện “sự vượt chuẩn” một cách tích cực
Bạn có thể nói thẳng trình độ, kinh nghiệm của mình thừa sức đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng ngay trong thư xin việc, nhưng nên theo một cách tích cực, ấn tượng để họ không loại bỏ hồ sơ của bạn. Chẳng hạn, đề cập tới lợi ích của việc thuê một người “vượt chuẩn” như: không mất nhiều thời gian để đào tạo, hiệu quả nhanh, năng suất cao…
Có thể bạn không hài lòng khi phải làm công việc “dưới chuẩn” của mình nhưng khi đã chấp nhận, hãy thể hiện sự chuyên nghiệp để nhà tuyển dụng cảm nhận được sự nhiệt tình, hứng khởi với vị trí đó của bạn.
Tập trung vào hiệu quả làm việc
Vì bạn có năng lực vượt trội nên hãy chứng tỏ những giá trị gia tăng bạn có thể mang lại cho nhà tuyển dụng. Ví dụ, bạn có thể khẳng định mình sẽ kiếm được 10 khách hàng lớn cho công ty trong vòng 1 tháng hoặc làm tăng 30% doanh thu quý tới của công ty. Tất nhiên, những lời hứa đưa ra phải dựa trên quá trình nghiên cứu công ty kỹ lưỡng cũng như khả năng biến chúng thành thực tế của bạn.
Thẳng thắn với câu hỏi về lương
Đòi hỏi lương cao là một trong những sai lầm thường gặp ở những ứng viên “vượt chuẩn”. Hãy nhớ bạn đang ứng tuyển ở một công việc “dưới tầm” với điều kiện làm việc, mức lương không tương đồng với trình độ của mình. Do đó, hãy xác định rõ ràng với nhà tuyển dụng và chính mình rằng bạn hoàn toàn linh hoạt về lương, rằng mức lương ở công việc cũ không liên quan gì tới quá trình tìm việc hiện tại.
Khẳng định lại sự nhiệt tình
Như đã đề cập, nhà tuyển dụng có thể lo ngại bạn sẽ chỉ làm việc cho họ vài tháng tới khi tìm được công việc tốt hơn. Hãy trấn an họ bằng cách khẳng định lại sự nhiệt tình và niềm vui của bạn khi được làm việc cho công ty, như bạn ấn tượng với môi trường, văn hóa của công ty hay bạn muốn tham gia các dự án hiện tại của công ty…
Bạn không nên đưa ra các lý do cá nhân như mình cần tiền hay đã thất nghiệp quá lâu, đó là những lý do không đủ thuyết phục nhà tuyển dụng.
Theo Vũ Huyền
Tuổi Trẻ

Bình luận (0)