Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Lao động nông thôn: Cho tiền đi học… vẫn chê

Tạp Chí Giáo Dục

Dạy nghề và đào tạo nghề miễn phí cho lao động nông thôn (LĐNT) đang là một chủ trương lớn của Nhà nước. Thanh niên nông thôn học nghề sẽ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/năm/người từ ngân sách Nhà nước. Chính sách hỗ trợ rộng như vậy nhưng thanh niên vẫn "quay lưng" với việc học nghề, vì sao?
Thừa lớp, thiếu học viên
Ông Nguyễn Thành Hiệp – Trưởng phòng dạy nghề (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) cho biết: "Hàng năm, tại TP.HCM chỉ đào tạo được 1.200-1.500 LĐNT, nhưng con số này cũng biến động bất thường. Có một số trung tâm dạy nghề (TTDN) như Bình Chánh, Cần Giờ, Hóc Môn đề xuất số lượng học viên, ngành nghề đào tạo để xin kinh phí, nhưng có năm chỉ sử dụng chưa tới một nửa kinh phí đó vì thiếu học viên. Nguyên nhân, do các TTDN chưa dạy những ngành xã hội đang cần, mà chỉ dạy những gì họ có sẵn. Bên cạnh đó, còn do doanh nghiệp (DN) chưa bắt tay cùng TTDN tổ chức đào tạo theo nhu cầu của họ, khi thiếu lao động mới rao tuyển".
Trang thiết bị hiện đại nhưng tại lớp may TTDN Hóc Môn chỉ có lèo tèo vài học viên
Đến TTDN huyện Hóc Môn vào giờ hành chính nhưng chúng tôi thấy các phòng học ở đây đều "cửa đóng, then cài". Cả trường, chỉ duy nhất một lớp học may đang hoạt động, với lèo tèo vài học viên. Ông Phạm Văn Hoan – Trưởng phòng đào tạo cho biết: "Trường rộng rãi, được đầu tư  trang thiết bị khá tốt nhưng mòn mỏi chờ học viên. Năm nào cũng vậy, đầu khóa tuyển sinh là các nhân viên trung tâm tỏa đi xuống các xã, thị trấn treo băng rôn, khẩu hiệu: "Mở lớp dạy nghề cho LĐNT được Nhà nước hỗ trợ"  nhưng người dân vẫn thờ ơ. Năm 2009, cả huyện có 300 người đến đăng ký nhưng cuối khóa học chỉ còn 200 người. LĐNT không mặn mà với học nghề, vì họ muốn làm giàu nhanh chóng, thiếu quyết tâm để học nghề tới nơi tới chốn, nhất là những nghề áp dụng công nghệ mới. Tâm lý ngại khó, tính thiếu kỷ luật và lười học là rào cản lớn nhất để LĐNT đến với trường nghề".
TTDN huyện Bình Chánh cũng rơi vào cảnh tương tự. Cơ sở vật chất, phương tiện, dụng cụ hỗ trợ việc thực hành và học của học viên ở đây rất sơ sài. Lớp sửa chữa xe máy nhưng phương tiện học tập chỉ có vài lốc máy xe cũ kỹ. Ở lớp dạy nghề cơ khí, máy móc cũng lạc hậu không kém. Trao đổi với chúng tôi, ông Phú Ngọc Trang – Giám đốc trung tâm than thở: "Mấy năm gần đây còn đỡ, như năm 2006-2007 thì chịu thua luôn. Hai năm đó, kinh phí Sở rót xuống vẫn còn nguyên, vì chỉ có một vài em theo học. Năm 2009, có 181 LĐNT đến đăng ký, ra trường chỉ còn 102 học viên".  Ông Trang lý giải: "Thiết bị của một số cơ sở dạy nghề không đáp ứng nhu cầu người học nên chưa hấp dẫn LĐNT đến học nghề. Do được miễn phí nên họ không bị ràng buộc, thích thì học, không thích thì nghỉ. Nhiều gia đình bán đất có tiền, nên con em ỷ lại cũng không chịu đi học".
Dạy nghề phải có đầu ra
Anh Hùng Minh (huyện Bình Chánh) tâm sự: "Sau khi đất gia đình bị thu hồi để làm đường cao tốc, tôi đến TTDN huyện Bình Chánh học nghề sửa chữa xe máy. Học được một thời gian ngắn, tôi bỏ ngang, vì thầy dạy lý thuyết nhiều quá”.
Còn chị Lê Hoa (huyện Hóc Môn) lại bi quan cho rằng: "Chẳng lẽ học xong lấy chứng chỉ về để…chơi vì muốn mở tiệm theo nghề đã học thì không có vốn".
Để LĐNT không quay lưng với việc học nghề, ông Lê Sỹ Hùng, Hiệu trưởng Trường trung cấp dạy nghề huyện Củ Chi cho rằng: "Các TTDN nên dạy đúng nghề, đúng đối tượng, đúng nhu cầu. Làm sao để khi học xong LĐNT có thể sử dụng được những kỹ năng đã học cho việc mưu sinh. Do đó, các địa phương phải khảo sát kỹ nhu cầu loại nghề mà họ cần học. Nhu cầu học nghề của LĐNT khá đa dạng, gồm nhiều đối tượng khác nhau, không thể đào tạo theo kiểu chung chung, tổng hợp, không phân biệt độ tuổi, điều kiện từng người, từng vùng. Ví dụ: huyện Củ Chi có nghề làm vườn cây cảnh, người dân vốn đã biết nghề, nhưng để làm ra những sản phẩm đẹp, có chất lượng và kiểu dáng theo mẫu mã thị trường cần thì chưa  đáp ứng được. Vì thế, khi chúng tôi mở lớp học, họ rất hưởng ứng".
Ông Phú Ngọc Trang đề xuất: "LĐNT khi đăng ký học nên có bản cam kết, nếu bỏ giữa chừng phải hoàn lại tiền cho Nhà nước, có như vậy, họ mới ý thức học. Cơ sở vật chất phải được thay mới, chứ như TTDN của chúng tôi hiện nay, nhìn đống máy móc "già nua", cũ nát, các thầy còn oải, huống gì học viên".
Từ năm 2010, TP.HCM đưa ra mục tiêu đào tạo từ 4.000- 5.000 LĐNT. Để làm được điều đó, ông Nguyễn Thành Hiệp cho biết: "Hiện chúng tôi đang khởi động xây dựng đề án dạy nghề cho LĐNT với sự phối hợp của Sở Nông nghiệp, Hội Nông dân và UBND các quận, huyện. Bốn bên sẽ ngồi lại để khảo sát, định hướng  đặc thù phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương, từ đó xác định ngành nghề, phân loại các đối tượng và giải quyết đầu ra để đào tạo phù hợp. Dự kiến, đề án sẽ trình UBNDTP vào tháng 8 năm nay". Hy vọng, với đề án mới, phương châm "cho cần câu hơn cho cá” đối với LĐNT sẽ được thực hiện một cách bài bản hơn.
Quỳnh Mai / Phụ Nữ

Bình luận (0)