Y tế - Văn hóaThư giãn

Nhà báo viết sách về nghề báo

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Hiếm năm nào, Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6) lại tấp nập đón nhận nhiều cuốn sách của các nhà báo như năm nay và cũng hiếm khi nào đề tài nhà báo lại được đề cập đa dạng đến thế, từ kinh nghiệm làm báo cho người trẻ, bài học báo chí cho nhà báo chuyên nghiệp đến cả tiểu thuyết huyền ảo, bí ẩn có liên quan đến nhà báo…
Hãy đọc nếu muốn bước vào nghề báo
Nghề báo luôn là một trong những nghề được xếp vào dạng “huyền thoại” nhất của giới trẻ. Hình ảnh người phóng viên lăn xả vào những vấn đề nóng bỏng, đối diện với các bí ẩn, đi nhiều biết nhiều… luôn hấp dẫn những bạn trẻ yêu thích sự năng động. Chính vì thế, trường có đào tạo ngành báo chí luôn là một trong những ngôi trường được đông đảo thí sinh lựa chọn nhất. Thế nhưng, cũng như mọi nghề khác, nghề báo cũng có những áp lực, những mặt sáng tối của riêng mình và không ít bạn trẻ đã phải thất vọng, vỡ mộng khi đối diện với thực tế.
Đã từng chứng kiến không ít những câu chuyện thất vọng như thế, các nhà báo đi trước đã dành nhiều thời gian công sức để viết lại những kinh nghiệm của mình khi bước vào nghề, những khó khăn vất vả, công việc chuyên môn… Tất cả góp phần giúp những ai muốn theo nghề báo có được sự hiểu đúng đắn nhất về nghề nghiệp sẽ theo mình cả cuộc đời sau này.
Một thời làm báo (NXB Tổng hợp TPHCM) có lẽ là bộ sách có quy mô lớn nhất cho đến nay về nghề báo với tập 11 ra mắt vào cuối tháng 4 vừa qua. Là ý tưởng của CLB Nhà báo cao tuổi TPHCM năm 2001 nhằm khai thác những kinh nghiệm, vốn sống, vốn nghề nghiệp của các nhà báo lão thành, bộ sách đã tập hợp được những bài viết của các nhà báo cao tuổi ghi lại các kỷ niệm sâu sắc trong đời làm báo, những kinh nghiệm quý báu, những bài học thành công và thất bại với mong muốn truyền lại cho thế hệ làm báo sau này để góp phần phát triển sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam. Các bài viết có biên độ lớn về thời gian, từ làm báo thời chiến tranh đến làm báo thời hòa bình, mở cửa phát triển kinh tế…
“Em có năng khiếu viết lách, hãy nghĩ đến nghề báo. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, bạn có thể đã được thầy cô môn văn hoặc tiếng Việt gợi ý như vậy vì bạn không gặp khó khăn gì trong viết lách… Tuy nhiên, có lẽ thầy cô của bạn chỉ nghĩ viết hay, viết tốt trong nhà trường thì đã có thể vào nghề báo, chứ không hình dung ra được nghề này còn đòi hỏi nhiều hơn thế nữa. Đó là săn tin chính xác, viết súc tích và suy nghĩ một cách mạch lạc. Rồi viết chạy đua với kim đồng hồ, trong khi viết phải quan tâm đến những vấn đề đạo đức, chính trị…”. Trên đây là những dòng mở đầu cuốn sách Viết tin bài đăng báo của tác giả Ngọc Trân do NXB Trẻ vừa xuất bản. Tác giả Ngọc Trân hiện là cố vấn biên tập tạp chí Nhịp cầu đầu tư và là giảng viên thỉnh giảng Khoa Báo chí và Truyền thông, ĐH KHXH-NV TPHCM. Chính vì thế, tác phẩm gần như một dạng “sách giáo khoa” về nghề báo do chính một nhà báo thực hiện.
Một số sách do nhà báo là tác giả.
Nhà báo viết cho nhà báo
Một nền báo chí phẳng của tác giả Đỗ Đình Tấn (NXB Trẻ xuất bản) có lẽ là một cuốn sách khá đặc biệt trong loạt sách về nghề báo năm nay. Tác giả hiện đang là Phó TBT Báo Tuổi Trẻ kiêm Trưởng ban quốc tế và cuốn sách này không phải dành cho những ai đang muốn bước vào nghề báo hay chỉ là tò mò tìm hiểu xem nghề báo là gì mà là dành cho những người đang làm báo. Thực tế, tác phẩm vốn là một công trình nghiên cứu với tên gọi “Tác động xã hội của báo chí” gồm các khảo sát xã hội học về ảnh hưởng của những chiến dịch thông tin lớn trên báo chí giai đoạn 2003-2005.
Tác phẩm chia làm 4 chương gồm “Báo chí và độc giả” với những khảo sát, phân tích mối liên hệ đa dạng tinh tế giữa bạn đọc và báo chí. Chương 2 khảo sát ảnh hưởng của các bài báo cụ thể đối với dư luận xã hội. Chương 3 tập trung vào việc đánh giá “Hiệu quả của thông tin báo chí” từ những khảo sát của chương trước và chương 4 “Báo chí là một sức mạnh, vì sao?” giải đáp tầm ảnh hưởng của báo chí hiện nay cũng như đưa ra những câu trả lời mới cho các câu hỏi về báo chí là gì và nhà báo là ai.
Tác phẩm dành phần kết cho một vấn đề thời sự hiện nay đó là vai trò của kỹ thuật số đã làm thay đổi quan điểm tư duy, thậm chí là cả khái niệm về báo chí.
Nghề báo trong văn học
Năm nay, trong dòng sách về nghề báo thì có lẽ tác phẩm đầu tay Người thứ hai trong phim trường f của tác giả Võ Huỳnh Tấn Tài (NXB Tổng hợp TPHCM) là khác biệt nhất. Đây là một câu chuyện về vụ án hình sự mang phong cách kinh dị kể về một bóng ma thường xuyên xuất hiện tại phim trường f, nơi chuyên thực hiện những chương trình thể thao phát sóng lúc nửa đêm.
Đối với một người yêu thích thể loại sách hình sự thì Người thứ hai trong phim trường f không phải là một tác phẩm thật sự hấp dẫn. Các chi tiết cài cắm, những câu chuyện hư ảo, những âm mưu tội lỗi, quá khứ ám ảnh… đều khá quen thuộc và thiếu tính bất ngờ, một trong các yếu tố làm nên sự sống của một tác phẩm thuộc thể loại này. Thế nhưng, tác phẩm lại vẫn thu hút người đọc bằng một chất liệu khác: sự chân thật trong các chi tiết nghề nghiệp.
Việc viết văn của tác giả Võ Huỳnh Tấn Tài chỉ là một thú vui, công việc chính của anh là phóng viên, biên tập viên và là người dẫn chương trình tại Đài Truyền hình TPHCM và bối cảnh của câu chuyện cũng là ở một đài truyền hình. Chính vì thế, những chi tiết chuyên môn của nghề nghiệp, những chuyện “bếp núc” của người làm truyền hình được tác giả, người đang sống và làm việc trong môi trường đó miêu tả đầy chi tiết, sống động. Cũng vì thế, trong phần giới thiệu, một người bạn đồng nghiệp của tác giả đã nhận định: ai làm truyền hình sẽ thấy một màu sắc khác lạ trong những chi tiết quen thuộc và với những ai muốn tìm hiểu về nghề báo thì tác phẩm là một lát cắt rất thực về truyền hình với đủ mọi cung bậc cảm xúc.
Theo SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)