Hoạt động trong lĩnh vực may mặc, Công ty TNHH dịch vụ và thương mại Sĩ Tấn (P.Tam Hiệp, TP Biên Hòa, Đồng Nai) đang trong tình trạng thiếu hụt nhân công.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó giám đốc công ty cho biết, DN đi vào hoạt động tháng 8.2008 khoảng 150 lao động với mức lương 2 triệu đồng/tháng. Đến cuối năm, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, đơn giá hàng may gia công giảm xuống khoảng 40% nên DN buộc cơ cấu lại lương (giảm xuống dưới 2 triệu đồng) cũng là lúc người lao động bắt đầu bỏ việc.
“Cứ đến ngày lãnh lương (ngày 10 hằng tháng – PV) chúng tôi bắt đầu hồi hộp vì sợ công nhân bỏ việc. Những tháng cuối năm 2008 họ nghỉ lai rai, đỉnh điểm vào tháng 2, 3.2009, mỗi kỳ lương có đến 40-50 CN nghỉ việc. Để bù vào sự thiếu hụt chúng tôi đã liên hệ với các trung tâm giới thiệu việc làm ở 3 tỉnh miền Trung và 3 tỉnh miền Tây, tìm đến sàn giao dịch việc làm… nhưng cũng không tìm ra người”.
Gần đó, Công ty may xuất khẩu M.T (P.Tân Tiến) cũng trong tình trạng thiếu hụt công nhân tương tự (khoảng 300 lao động). Dẫn chúng tôi đi vào khu vực sản xuất, phó giám đốc phụ trách nhân sự cho hay, do tuyển không ra lao động nên 200 máy may, vắt sổ… nhập về dành phải “treo” lại.
“Tiếc lắm! Phần thì máy móc xuống cấp, phần thì không dám lấy hàng về để sản xuất. Đã dùng nhiều cách như đến các công ty mất việc “chiêu mộ” công nhân, đào tạo cho những người trái nghề… nhưng cũng chỉ được 1-2 tháng là họ bỏ công ty ra đi”, phó giám đốc này than thở.
Nhiều DN đưa ra mức lương rất hấp dẫn từ 2,2 triệu đồng trở lên, nhưng vẫn không thu hút được người lao động
|
|
Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai Lâm Duy Tín |
Ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện rất nhiều DN lâm vào tình cảnh như 2 công ty vừa nêu trên. Chỉ riêng các DN gửi đăng ký tuyển dụng cho Sở trong tháng 5.2009 lên đến hơn 4.000 người, trong đó có đến gần 2.000 lao động phổ thông. Nhiều DN đăng ký tuyển dụng số lượng nhiều như Công ty Nec Tokin Electronics (KCN Loteco, TP Biên Hòa) tuyển 1.000 lao động, Công ty Nam Yang International (KCN Amata) tuyển 500 lao động…
Rao 1.000, tuyển được 12 người
Trước thắc mắc “Người tìm việc đang ở đâu?”, không ít chuyên viên tuyển dụng lao động lắc đầu nguầy nguậy: “Chịu thôi! Chưa có ngành nào thống kê, tìm hiểu cặn kẽ vấn đề này”. Những người này khẳng định, hiện có nhiều chỉ tiêu tuyển dụng lao động, nhất là lao động phổ thông đang “tắc” lại những trung tâm giới thiệu việc làm.
Bà Vũ Thị Lan Anh – Phó trưởng phòng Việc làm và Quan hệ DN Trung tâm Giới thiệu việc làm Votec (thuộc Liên đoàn Lao động TP.HCM) cho biết, hơn 2 tháng nay, Votec liên tục rao tuyển 1 ngàn công nhân lắp đặt linh kiện điện tử cho Khu công nghệ cao TP.HCM. Tuy nhiên, đến nay, trung tâm này chỉ mới tuyển được… 12 người.
Trong tháng 3.2009, có đến 8 công ty may đề nghị tìm trên 2 ngàn nhân công nhưng Votec hầu như hầu như không cung ứng được. Trong khi đó, tiêu chuẩn tuyển dụng của DN rất thoáng, có nhiều nơi không cần kinh nghiệm, chỉ biết đọc biết viết là nhận vào làm, ấy vậy mà không dễ kiếm được người! Tình trạng này xảy ra khá phổ biến ở nhiều đơn vị tuyển dụng khác trên địa bàn TP.HCM.
Một người được xem là “chai mặt” trong những ngày hội việc làm, trong những đợt tuyển dụng ở nhiều tỉnh, thành phía Nam chính là anh Quốc Khánh – phụ trách nhân sự của Công ty vệ sĩ H.G. Đi khắp nơi để tuyển dụng, có đợt cần tuyển đến 300 vệ sĩ nhưng số người anh chiêu mộ được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một chuyên viên trong lĩnh vực lao động nêu ý kiến, thời gian qua, nhiều ngày hội việc làm được mở ra cho thanh niên nhưng đây đó còn mang tính hình thức, chất lượng chưa cao. Nhiều ngày hội việc làm được tổ chức tại quận, huyện trong khi không ít công nhân cần tìm việc gần những KCX, KCN. Mặt khác, chỉ tiêu tuyển nhân viên bán hàng, thương mại dịch vụ chiếm chủ yếu, không phù hợp với những bạn làm trong những ngành nghề sản xuất… Theo bà Lan Anh – Trung tâm Votec, kết quả đợt khảo sát gần đây của Liên đoàn Lao động quận, huyện tại TP.HCM cho thấy: Những người thất nghiệp rất muốn làm lại những công việc cũ. Họ ngại đi xa, không muốn chuyển địa bàn làm việc. Hơn nữa, thời gian tăng ca quá nhiều trong khi thu nhập thấp, giá sinh hoạt lại đắt đỏ cũng là lý do khiến một bộ phận người lao động trở về quê…
Ngày 7.5, nhiều công nhân vây quanh tấm bảng thông báo tuyển dụng đặt trước Công ty TNHH Tai Viet (KCX Tân Thuận, Q.7, TP.HCM). Cô thợ may Hồ Như Hiểu, 27 tuổi, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang cho biết công ty trước đây giải thể, nên Hiểu về quê nghỉ “xả hơi” một thời gian. Rất nhiều công ty giăng băng-rôn tuyển dụng trong những con đường nội bộ trong KCX Tân Thuận. Qua đường số 3, số 4, đường Tân Thuận…, cuối cùng Hiểu quyết định nộp hồ sơ cho bảo vệ Công ty TNHH Việt Hưng. Theo Hiểu, lương bình quân của công nhân may dao động từ 1,4 triệu – 1,8 triệu đồng/tháng, tùy vào chế độ tăng ca. Tại chi nhánh giới thiệu việc làm KCX Tân Thuận (thuộc Trung tâm Giới thiệu việc làm các KCX-KCN TP.HCM), ông Bùi Thanh Ngọc – chuyên viên giới thiệu việc làm cho biết, từ tháng 3 đến nay, chi nhánh cung ứng không đủ số lao động cho ngành điện tử và linh kiện xe hơi. Còn công nhân may, dù không có tay nghề nhưng cũng chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu. Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm KCX-KCN TP.HCM Nguyễn Thanh Tùng, khoảng giữa đầu tháng 4.2009, nhiều DN khẩn trương tuyển lao động vì họ đã có đơn đặt hàng trở lại. Hiện trung tâm này đang rao tuyển tuyển khoảng 10 ngàn lao động, chủ yếu lao động giản đơn. N.L |
Theo số liệu thống kê quý I/2009, tổng số DN ngừng sản xuất, giải thể hoặc có nguy cơ ngừng hoạt động trên địa bàn TP.HCM là 195 DN (trong đó có 71 DN có vốn đầu tư nước ngoài) với 26.401 người lao động bị mất việc và 15.528 người thiếu việc. Nguyên nhân người lao động bị thiếu việc và mất việc là do các DN: giải thể, phá sản, chủ DN bỏ trốn, DN sắp xếp lại sản xuất, thu hẹp sản xuất, ngưng và tạm ngưng hoạt động… Cụ thể, số DN ngừng và tạm ngừng hoạt động là 102 DN với 12.011 người lao động thôi việc – mất việc. Số DN thu hẹp quy mô sản xuất là 59 DN với 10.018 người lao động thôi việc – mất việc làm và 15.319 người thiếu việc làm. Số DN bị giải thể, phá sản và do các nguyên nhân khác là 34 DN với 4.372 người lao động thôi việc – mất việc và 209 người thiếu việc làm. Tuy nhiên, trong tổng số 26.401 lao động bị mất việc làm do suy giảm kinh tế, đã có 21.382 lao động đã tìm được việc làm từ trong năm 2008 đến nay, chiếm khoảng 81% trên tổng số lao động mất việc làm tìm được việc làm, số lao động còn lại khoảng 19% người chưa tìm được việc làm mới là thuộc đối tượng ốm đau, thai sản, bản thân người lao động tự tìm việc làm mới hoặc về lại quê quán. Điều này cũng phản ánh đúng những tín hiệu phục hồi của nền kinh tế trong nước. Sau một thời gian khá dài rơi vào tình trạng khó khăn, các DN đã phần nào xoay chuyển tình thế khi tìm được đơn hàng, khai thông sản xuất. Tuy nhiên, một khó khăn khác lại lộ diện: “Tình hình tuyển dụng lao động của các DN hiện gặp rất nhiều khó khăn!”, ông Vũ Văn Hòa, Trưởng ban BQL các KCX – KCN TP.HCM (Hepza) khẳng định. Theo ông Hòa, khi không có đơn hàng, DN cắt giảm lao động. Nhưng hiện nay, các DN bắt đầu tuyển dụng trở lại, thì không có nguồn. “Quan sát của chúng tôi cho thấy, mất việc, người lao động trở về quê, giờ không quay lại vì đã có việc làm mới ở địa phương”, ông Hòa nói. Cùng ý kiến với ông Hòa, ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Công ty LD Scansia Pacific, Chủ tịch Hội Chế biến gỗ và mỹ nghệ TP.HCM (Hawa), cho rằng: “Rất khó giữ chân công nhân khi DN không có việc cho họ làm, mặc dù được hưởng 60 – 80% lương. Công nhân là đối tượng thường xuyên nhảy việc, vì vậy nếu lương không đảm bảo, họ sẽ nhảy ngay. Một số DN trong Hawa trước đây do thiếu đơn hàng, nên không giữ được công nhân, giờ đã có đơn hàng, lại vất vả tìm mà không thấy. Chúng tôi vẫn thường hỏi nhau, không biết công nhân hiện nay đi đâu hết rồi”. Q.Thuần |
Hoàng Tuấn – Bảo Thiên – Như Lịch (TNO)
Bình luận (0)