Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Việc lại đang chờ người

Tạp Chí Giáo Dục

Trái ngược với tình hình bi đát vài tháng trước đây, số lượng đơn hàng mới của nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may ở khu vực TP.HCM, Bình Dương… đang tăng mạnh trở lại. Thậm chí có doanh nghiệp phải từ chối bớt đơn hàng do không tìm đủ lao động.

Công nhân Công ty may Quốc Tế (Bình Dương) hối hả tăng ca trở lại để kịp xuất hàng qua Mỹ – Ảnh: Anh Thoa

Tại Công ty may Quốc Tế (Bình Dương), nếu từ tháng 9-2008 đơn hàng thiếu hụt trầm trọng, nhiều đối tác nước ngoài bỏ đi, nhưng hiện tình hình hoàn toàn khác. Bà Phan Lê Diễm Trang, giám đốc Công ty may Quốc Tế, cho hay các đơn hàng tăng mạnh trong vài tuần gần đây, thậm chí có lúc nhiều hơn lúc chưa khủng hoảng 10%.

Phải tăng ca

Vẫn theo bà Trang, do có việc nhiều hơn nên hiện các công nhân phải tăng ca từ 2-3 giờ/ngày. “Giá các hợp đồng nhìn chung vẫn bằng so với năm trước. Hiện chúng tôi đã ký đơn hàng đến hết tháng 9 và sẽ tiếp tục ký đến hết năm. Do đó, đang cần tuyển thêm khoảng 200 công nhân để mở rộng quy mô sản xuất” – bà Trang phấn khởi. Chị Phạm Thị Loan, công nhân của Công ty may Quốc Tế, khoe: “Vào thời điểm khó khăn chúng tôi lúc nào cũng lo bị sa thải. Nhưng nay thấy doanh nghiệp ổn định, công nhân lại liên tục tăng ca nên yên tâm nhiều lắm”.

Tương tự, tại Công ty Lan Hạnh (Bình Dương), đơn vị chuyên sản xuất hàng may mặc, lượng đơn hàng đã tăng mạnh trở lại với tổng sản lượng 100.000 sản phẩm/tháng. Ông Trần Phước Dư, phó giám đốc sản xuất công ty, cho biết: “Lúc khó khăn đơn hàng giảm khoảng 30% nhưng nay công ty đã ký hợp đồng đến hết tháng 8 và đang xúc tiến để nhận đơn hàng đến hết năm. Dự kiến thời gian tới sẽ tuyển thêm khoảng 100 công nhân”.

Tại khu vực TP.HCM, ông Uông Tiến Thịnh, giám đốc Công ty may xuất khẩu Tân Châu (quận 12), hồ hởi cho biết đã có đủ đơn hàng sản xuất hơn 600.000 áo thun xuất khẩu cho quý 3-2009. “Lần đầu tiên kể từ đầu năm đến nay chúng tôi mới có đơn hàng dài hạn ba tháng, không còn phải chịu cảnh ăn đong từng tháng như trước” – ông Thịnh nói. Theo ông Thịnh, đơn hàng bắt đầu có lại từ cuối tháng 4 khi các nhà nhập khẩu “chốt” lại nhu cầu hàng cần đặt cho các tháng tới. Những doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ như công ty ông hiện nay không còn lo thiếu đơn hàng.

Áp lực thiếu nhân công

Theo ông Lê Hồng Phoa – chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương, toàn tỉnh đã có khoảng 500 doanh nghiệp hoạt động trong ngành may mặc gặp khó khăn những tháng trước đây. Hiện tình hình khó khăn vẫn chưa hết nhưng tỉ lệ các doanh nghiệp có đơn hàng mới đang tăng mạnh trở lại.

Tại những doanh nghiệp may mặc có quy mô sản xuất lớn ở khu vực TP.HCM, hầu như đơn hàng đã “kín” đến 90% trong quý 3, thậm chí cả nửa đầu quý 4-2009. Số doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu hàng chục triệu USD, thậm chí không dưới 20 triệu USD/quý như Sài Gòn 3, Việt Tiến, Nhà Bè, Phong Phú… không còn là chuyện hiếm.

Ông Phạm Xuân Hồng, phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN (Vitas), cho biết khả năng phục hồi xuất khẩu chắc chắn sẽ được cải thiện trong quý 3 nếu như giải quyết tốt áp lực thiếu nhân công hiện nay. “Đã có không ít doanh nghiệp buộc phải từ chối bớt đơn hàng khi không thể tuyển đủ số công nhân cần có” – ông Hồng nói.

Theo các chuyên gia trong ngành, việc thiếu hụt nhân công lao động trong thời gian qua đã khiến một số ngành thâm dụng nhiều lao động như dệt may, da giày… hết sức khó khăn. Ông Hồng cho biết để “chữa cháy” tình trạng trên, ngoài việc tự thân mỗi doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nhân công bổ sung, Hội Dệt may thêu đan TP.HCM (Agtek) đang gửi nhu cầu cần tuyển lao động cho các thành viên trong hội tại phòng lao động việc làm ở khắp các quận, huyện.

Đồng thời để tiết giảm chi phí sản xuất, Agtek đã liên kết với Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương tìm kiếm các nhà cung ứng nguyên phụ liệu, giao nhận, kho bãi… để giới thiệu cho các doanh nghiệp hội viên của mình với giá ưu đãi. Việc liên kết này, theo ông Hồng, là cần thiết nhằm chuẩn bị một quá trình dài hơi hơn trong duy trì việc làm cho người lao động.

ANH THOA – TRẦN VŨ NGHI

Đơn hàng trở lại với đồ gỗ, da giày

Bên cạnh ngành may mặc, các doanh nghiệp trong ngành đồ gỗ, da giày cũng đang có nhiều đơn hàng trở lại. Theo bà Đỗ Thị Kim Loan – tổng giám đốc Công ty Sao Nam (Bình Dương), thời điểm tháng 10-2008 đơn hàng của công ty giảm hơn 50% so với trước. Nhưng nay công ty đã hoạt động được 100% công suất và đơn hàng có đến hết năm với năng suất 8 container/tháng (thời điểm khó khăn chỉ được 4 container). “Đơn hàng tốt nên chúng tôi đã tăng 15% lương cho công nhân so với lúc khủng hoảng, đạt bình quân gần 2,5 triệu đồng/người/tháng” – bà Loan cho hay.

Trong khi đó, ông K., chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần giày A (TP.HCM), cho hay hiện bình quân mỗi tháng sản xuất được 170.000 giày vải xuất khẩu đi Mỹ và châu Âu trị giá hơn 1 triệu USD/tháng. Duy trì việc làm cho khoảng 600 công nhân.

Theo TTO

Bình luận (0)