Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Stylis: Nghề hái ra tiền

Tạp Chí Giáo Dục

Stylis Hữu Lợi (ĐH Mỹ thuật TP.HCM đang “diễn” tại một studioNăng động, nhiệt tình, có khả năng làm việc theo nhóm và có óc sáng tạo là tố chất không thể thiếu của người làm nghề tạo dựng phong cách (stylis). Công nghệ giải trí, truyền thông phát triển đòi hỏi phải có nghề tạo dựng phong cách để khẳng định tính chuyên nghiệp, thẩm mỹ cao. Nhiều năm trước đây, stylis chỉ dừng lại ở công việc cố vấn về trang phục cho người mẫu, diễn viên khi vào vai diễn nhưng dần dà stylis lại kiêm luôn nhiều công đoạn và sáng tác cả kịch bản cho buổi diễn hay xây dựng bố cục của một tấm ảnh. Trên thế giới hiện nay cũng chỉ có những khóa đào tạo ngắn hạn stylis, còn Việt Nam stylis hầu hết xuất phát từ công việc của một nhiếp ảnh gia, nhà thiết kế thời trang, trang điểm, đạo cụ, ánh sáng… Stylis trở thành một nghề thời thượng ở Việt Nam được nhiều bạn trẻ mơ ước nhưng số người thành công ở công việc này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Sự ra đời của các công ty truyền thông, các tạp chí thời trang, các công ty tổ chức sự kiện thì nhu cầu cần stylis rất cao. Tuy nhiên, không phải đã là stylis thì được nhận vào làm việc vì stylis là người góp phần rất lớn trong việc khẳng định thương hiệu của công ty mình. Hiện nay, một stylis có tiếng thu nhập lên đến vài trăm USD/ giờ, các công ty nước ngoài trả lương cho stylis từ 5 đến 10.000 USD/ tháng.

Sự có mặt của stylis ở các studio, các chương trình biểu diễn thời trang, múa… ngoài việc giúp cho bức ảnh đẹp hơn, buổi biểu diễn thành công hơn, họ còn tạo điều kiện cho một ekip thực hiện chương trình thêm tinh thần, khơi dậy sự sáng tạo. Các người mẫu chuyên nghiệp, các ca sĩ, nhiếp ảnh gia hiện cũng đang rất cần stylis để hỗ trợ, song để tìm một stylis hợp với ekip của mình không hề đơn giản.

Stylis chuyên nghiệp phải có kiến thức tổng hợp từ các ngành nghệ thuật như thiết kế thời trang, hội họa, âm nhạc, nhiếp ảnh, văn hóa, thẩm mỹ, lịch sử dân tộc, trang phục truyền thống các thời kỳ… và đặc biệt là nghệ thuật sắp đặt. Cũng giống như các ngành nghệ thuật khác, stylis có quyền học hỏi, phác thảo và phát triển thêm thành mẫu mới nhưng nếu không có cái tâm, cái tầm thì e rằng stylis dễ bị cuốn vào những mẫu stylis quá tuyệt hảo của nước ngoài.

Stylis – nghề không đợi tuổi, nghề không cần trình độ học vấn cao mà vẫn có thể cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, riêng và lạ. Chỉ cần gởi ý tưởng, kịch bản hoặc những mẫu stylis cho các nhà nhiếp ảnh, các công ty sự kiện, tạp chí… hoặc mạnh dạn đề nghị được “diễn” thì sẽ có cơ hội đến với nghề.

Trần Tuy An

Bình luận (0)