Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Nguồn cung sẽ tiếp tục thiếu hụt rất lớn

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

 Sinh viên tham gia ứng tuyển tại chương trình Chỉ khoảng 30% sinh viên ra trường đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng

Vấn đề bức xúc của giáo dục ĐH VN là đào tạo chưa gắn liền với nhu cầu xã hội, đặc biệt là nhu cầu của doanh nghiệp (DN).

Hệ quả kéo dài là phần lớn sinh viên tốt nghiệp khó tìm việc làm hoặc làm trái việc, trái nghề; trong khi các DN phải mất nhiều thời gian, chi phí để đào tạo lại mới sử dụng được… PGS-TS Phùng Xuân Nhạ, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, phát biểu như thế tại một cuộc hội thảo mới đây bàn về hợp tác đào tạo nhân lực trình độ cao.

Nhu cầu tăng, thất nghiệp cũng tăng

Đang tồn tại một nghịch lý là trong khi việc tuyển dụng lao động của các DN ngày càng khó khăn hơn thì lượng sinh viên ra trường thất nghiệp ngày càng tăng. Theo số liệu khảo sát từ dự án giáo dục ĐH về việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp của Bộ GD-ĐT, chỉ có khoảng hơn 45% sinh viên tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp và 30% đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Còn thống kê của Bộ LĐ-TB-XH cho biết tỉ lệ sinh viên ĐH ra trường làm việc trái ngành, trái nghề chiếm khoảng 40%.

TS Đào Minh Phúc, Ngân hàng Nhà nước VN, nhìn nhận còn một khoảng cách quá xa giữa đào tạo và sử dụng lao động bậc ĐH và chúng ta đang lãng phí rất lớn khi sinh viên ra trường chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của DN. Cùng với những tồn tại, hạn chế của GD-ĐT bậc ĐH, còn có những nguyên nhân khác làm giảm chất lượng lao động ở bậc học này khiến phần nhiều sinh viên ra trường khó khăn tìm việc, phải làm trái ngành, trái nghề. Đó là do họ chưa có định hướng nghề nghiệp đúng trước khi vào trường; thiếu tư vấn hướng nghiệp để lựa chọn việc làm phù hợp với năng lực; thiếu kỹ năng thực hành nghề nghiệp; lúng túng khi áp dụng lý thuyết vào thực tế; yếu kém về ngoại ngữ…

Chưa chú trọng đến “cái thị trường cần”

Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho biết năm 2007 có khoảng 50.000 DN ra đời và dự kiến năm 2008 có thêm 52.000 DN. Sự phát triển của nền kinh tế kéo theo việc thành lập DN ngày càng nhiều, đầu tư nước ngoài tăng nhanh làm tăng cầu lao động, trong khi nguồn cung dự báo sẽ tiếp tục thiếu hụt rất lớn.

Vấn đề được đặt ra là chưa có sự chuẩn bị trước về cung lao động, đặc biệt hệ thống GD-ĐT chưa bắt nhịp nhanh với sự phát triển về kinh tế, yêu cầu của DN. Từ trước đến nay, về cơ bản, từ trường nghề đến CĐ, ĐH chủ yếu chỉ đào tạo “cái mình có”, chứ chưa chú trọng đến “cái thị trường cần”, nhu cầu từng ngành nghề trong tương lai. Nói cách khác, các nhà đào tạo không biết “sản phẩm” mình làm ra được thị trường, xã hội chấp nhận đến đâu.

Nếu cán cân cung – cầu lao động không được giải quyết có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của các DN nói riêng và của nền kinh tế nói chung; thậm chí ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư nước ngoài. GS Augustine Hà Tôn Vinh, chuyên gia kinh tế – tài chính quốc tế, cho rằng: “Chúng ta nói về chất lượng đào tạo ĐH ở VN còn thấp nhưng phải chỉ rõ thấp chỗ nào, yếu kém chỗ nào để có giải pháp khắc phục. Vấn đề cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho DN đang trở thành đòi hỏi cấp bách đối với ngành giáo dục VN, nhất là giáo dục bậc ĐH”.

Doanh nghiệp hóa đào tạo

Theo PGS – TS Phùng Xuân Nhạ, việc đẩy mạnh hợp tác sẽ giúp DN chủ động hơn nguồn nhân lực cho mình, thay vì mất thời gian, chi phí cho công việc tìm kiếm, tuyển chọn và đào tạo lại. Các trường ĐH cũng tận dụng được công nghệ, cơ sở vật chất của DN để giảng dạy và trên cơ sở đó, có thể cập nhật, cải tiến nội dung chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo.

Ở các nước, chẳng hạn như Nhật Bản, việc hợp tác đào tạo, xây dựng các vườn ươm DN hay các hoạt động “DN hóa đào tạo” rất phát triển. Bản thân các trường ĐH hay DN ở VN không phải không thấy rõ những lợi ích của việc liên kết đào tạo, nhưng mức độ quan tâm rất hạn chế. Đi tìm lời giải nâng cao chất lượng đào tạo, rút ngắn khoảng cách đào tạo – sử dụng lao động luôn cần có sự gắn kết giữa nhà trường và DN.

Mời dự hội thảo về hợp tác đào tạo nhân lực trình độ cao

Cùng với diễn đàn này, sáng 29-10, tại TPHCM, Trung tâm Giáo dục FideS (do Tổ hợp GD-ĐT Stellar Management và Tập đoàn Fideco hợp tác thành lập) phối hợp với Báo Người Lao Động, Trường ĐH Kinh tế thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo về hợp tác đào tạo nhân lực trình độ cao. Hội thảo đánh giá về thực trạng của GD-ĐT ĐH tại VN, cung – cầu nhân lực trình độ cao và vấn đề gắn kết đào tạo – sử dụng nhân lực giữa nhà trường và doanh nghiệp. Đặc biệt, hội thảo dự kiến có sự tham gia của phái đoàn gồm 10 nhà quản lý đào tạo ĐH của Mỹ do tiến sĩ Evan Dobelle, Hiệu trưởng ĐH Westfield State College, dẫn đầu sẽ có những báo cáo, chia sẻ kinh nghiệm quý giá.

Hội thảo diễn ra tại tòa nhà Fideco, tầng 19, số 81 Hàm Nghi, quận 1-TPHCM. Các tổ chức, trường ĐH và doanh nghiệp quan tâm, liên lạc tham dự hội thảo qua ĐT: 08-3910-6800, 098-916-5585 (chị Hằng) hoặc 093-820-2689 (chị Hoa Cương).

                                                                                                               N.Duy (nld)

 

Bình luận (0)