Nhu cầu tuyển dụng LĐ qua các trung tâm GTVL tăng cao. Ảnh: N.L |
"Bước sang quý II/2009, xu hướng mất việc làm đã giảm, nhiều nơi đã treo bảng tuyển dụng LĐ. Những tín hiệu đó cho thấy kinh tế đã bớt khó khăn, nhiều DN bắt đầu phục hồi sản xuất", trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết.
"Do đó, trong 5 tháng còn lại, tỉ lệ mất việc làm sẽ giảm và nhu cầu tuyển LĐ mới sẽ tăng lên. Chỉ tiêu tạo 1,4-1,5 triệu việc làm chắc sẽ không khó thực hiện". Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định tình hình việc làm 5 tháng cuối năm.
Thị trường trong nước: Cầu tăng trở lại
Báo cáo từ Bộ LĐTBXH cho thấy: Bước sang quý II/2009, nhiều DN đã có đơn đặt hàng trở lại nên nhu cầu thu hút LĐ vào làm việc trong các DN này tăng cao.
Cụ thể, tại TPHCM, số LĐ mất việc làm trong 6 tháng đầu năm là 23.796 người, nhưng số lượng cần tuyển hiện nay là 61.527 người; tỉnh Bình Dương số LĐ mất việc là 8.967 người nhưng số LĐ cần tuyển là 41.600 người; tỉnh Đồng Nai có 7.821 người mất việc nhưng cần tuyển thêm 25.000 người; tỉnh Nam Định số LĐ mất việc là 6.755 nhưng số LĐ được tuyển thêm là trên 11.000 người… Qua "kênh" sàn giao dịch việc làm ở các địa phương thì có tới trên 100.000 chỗ làm việc còn trống.
Tổng hợp từ các sở LĐTBXH, số LĐ mất việc làm thời gian qua chỉ là mất việc tạm thời vì đến nay đã có khoảng trên 80% số LĐ mất việc làm ở các địa phương đã tìm được việc. Điển hình như Bình Dương 95% số LĐ đã tìm được việc; TPHCM và Đồng Nai trên 80% LĐ đã tìm được việc làm mới.
Lãnh đạo Bộ LĐTBXH cho rằng: Hiện nay, tuy xu hướng mất việc làm đã giảm song chúng ta vẫn phải nỗ lực thực hiện các giải pháp trong hệ thống giải pháp mà Chính phủ đưa ra để thúc đẩy tạo việc làm, cố gắng đạt chỉ tiêu tạo 1,4- 1,5 triệu việc làm mới.
Xuất khẩu lao động: Sẽ mở thị trường mới
Về XKLĐ đi các thị trường, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay: "Các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… chúng ta vẫn nỗ lực duy trì thông qua các hiệp định hợp tác về LĐ giữa các chính phủ. Mức độ tiếp nhận tuy có ít hơn, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục đàm phán để tạo điều kiện cho LĐVN được ổn định việc làm. Bên cạnh đó, chúng ta cũng tích cực mở các thị trường mới".
"Cụ thể, Bộ LĐTBXH đã ký được một số hợp đồng XKLĐ sang Trung Đông. Sắp tới, bộ sẽ tiếp tục "nhắm" tới một số thị trường có yêu cầu cao hơn ở Châu Âu, nhưng để làm được việc này, Nhà nước phải đóng vai trò mở đường giúp người LĐ", theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Kim.
Tuy nhiên, theo bà Ngân: Việc tuyển LĐ ra nước ngoài không nên chạy theo số lượng mà phải đảm bảo chất lượng, tức người LĐ cần được đào tạo nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng thật tốt. Cần tránh tình trạng ồ ạt đưa LĐ phổ thông ra nước ngoài giống như LĐ phổ thông nước ngoài tràn vào nước ta.
6 tháng đầu năm, cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 650 ngàn người (đạt 38,2% kế hoạch năm và bằng 83,3% so với cùng kỳ năm 2008); đưa 33.435 ngàn người đi XKLĐ (đạt 34,4% kế hoạch và bằng 72,1% cùng kỳ năm 2008). Theo tính toán của Bộ LĐTBXH, ước cả năm tạo việc làm cho 1.505 ngàn người (đạt 88,5% kế hoạch Quốc hội giao), trong đó: Tạo việc làm trong nước: 1.430 ngàn người, XKLĐ 75 ngàn người.
Bình luận (0)