Ngày 26.6, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết Bộ Văn hóa Pháp đã đồng ý không tranh mua cổ vật với VN đối với chiếc xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh, mẹ vua Thành Thái.
Chiếc xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh (mẹ vua Thành Thái) trưng bày tại phiên đấu giá – Ảnh: do ông Phan Thanh Hải cung cấp |
Nguồn tin trên được Đại sứ quán VN tại Pháp thông báo vào tối 25.6. Trước đó, ngày 13.6 tại Văn phòng Rouillac (Pháp) đã diễn ra phiên đấu giá hai cổ vật quý của hoàng cung triều Nguyễn, gồm chiếc long sàng (giường vua nằm) của vua Thành Thái và chiếc xe.
Người mua chiếc long sàng là ông Tạ Văn Quang, một hậu duệ thuộc dòng cháu ngoại vua Thành Thái đang định cư tại Pháp. Ông Quang cũng đang có kế hoạch đưa cổ vật về Huế |
Tại phiên đấu giá, chiếc long sàng đã bị đẩy lên mức giá quá cao, nên người đại diện của Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế (gọi tắt là trung tâm) không thể theo được. Cuối cùng, nó đã được bán với mức giá 100.000 euro (chưa kể 24% lệ phí đấu giá). May mắn thay, người mua chiếc long sàng là ông Tạ Văn Quang, một hậu duệ thuộc dòng cháu ngoại vua Thành Thái đang định cư tại Pháp. Sau khi mua cổ vật, ông Quang cũng đang có kế hoạch đưa cổ vật về Huế. Như vậy, dù thuộc sở hữu tư nhân, nhưng cổ vật này chắc chắn sẽ trở về quê hương cố đô Huế.
Riêng với chiếc xe kéo, ngay sau lúc người đại diện của trung tâm trả giá cao nhất (45.000 euro) và giành được quyền mua thì một tình huống bất ngờ xảy ra. Bà Katia Mollet – phụ trách trưng bày của Bảo tàng Nghệ thuật châu Á Guimet (Paris) tuyên bố rằng nhà nước Pháp sẽ đề nghị mua lại chiếc xe ấy (với giá trên) theo nguyên tắc “quyền ưu tiên mua” ở nước sở tại.
Sau hơn một tuần vận động ngoại giao, nay Bộ Văn hóa Pháp đã đồng ý nhường quyền mua cổ vật cho phía VN.
Cần có quỹ bảo tồn cổ vật VN
“Sau khi nhận được tin vui, tôi đã điện báo cho Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Cao và Chủ tịch tỉnh đã đồng ý bổ sung kinh phí ngân sách, tuy nhiên ông cũng đề nghị vận động thêm nguồn lực xã hội để có đủ kinh phí làm thủ tục mua và đưa cổ vật về nước” – ông Phan Thanh Hải nói.
Theo ông Hải, mặc dù được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt ngân sách, nhưng vẫn chưa đủ để trả tiền mua cổ vật, lệ phí đấu giá và đưa cổ vật về nước. Cụ thể, nguồn ngân sách UBND tỉnh phê duyệt là 33.000 euro, cộng với 7.000 euro do Đại sứ quán VN tại Pháp và trung tâm quyên góp, vận động từ bà con Việt kiều và những tổ chức cá nhân khác. Tuy vậy, tại phiên đấu giá chiếc xe đã được đại diện của Huế trả giá cao nhất là 45.000 euro và được quyền mua. Để sở hữu được cổ vật này còn phải trả thêm khoản lệ phí đấu giá 24% nữa, tổng cộng 58.000 euro, chưa kể chi phí vận chuyển, thủ tục hải quan để đưa cổ vật về nước.
Ông Hải cho biết đối với các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… từ lâu người ta đã có nhiều chính sách và chương trình vận động, kêu gọi kiều bào chung tay sưu tầm, phát hiện và đóng góp nguồn lực để đưa báu vật trở về quê hương. Còn VN đến nay vẫn chưa có những cuộc vận động như vậy. Đây cũng là lần đầu tiên tỉnh Thừa Thiên-Huế chi ngân sách ra để tham gia đấu giá với mong muốn đưa báu vật của tổ tiên trở về với đất nước. Do chưa có tiền lệ và ngân sách còn hạn chế nên việc nỗ lực đưa cổ vật VN hồi hương vẫn gặp nhiều khó khăn.
“Do hoàn cảnh lịch sử, rất nhiều cổ vật của VN đang còn lưu lạc khắp nơi trên thế giới. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực và rất quyết tâm, nhưng do nguồn lực có hạn nên chúng tôi vẫn chưa thể thành công trong các phiên đấu giá để đưa cổ vật quý giá của cha ông trở về. Tôi tha thiết đề nghị mở cuộc vận động mọi công dân VN và kiều bào VN trên toàn thế giới tham gia sưu tầm, phát hiện và chung tay đưa các cổ vật quý giá của dân tộc trở về quê hương. Đây là việc làm rất có ý nghĩa không chỉ cho hôm nay mà còn cho các thế hệ con cháu mai sau”, ông Hải tâm sự.
Theo TNO
Bình luận (0)