Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Long đong “phận” xăng E5

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 20/11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”, với nhiên liệu được nhắc đến dòng xăng có ký hiệu E. Việc nghiên cứu, phát triển đã được thực hiện, xăng E5 cũng xuất hiện trên thị trường nhưng đến nay, khi chỉ còn hơn 3 năm nữa là kết thúc giai đoạn đầu của đề án, “số phận” của dòng xăng này vẫn… long đong.
Dòng xăng E là viết tắt của Ethanol, hay còn gọi ethyl alcohol, được xếp vào dạng nhiên liệu sinh học (NLSH) và cũng được đánh giá là một dạng năng lượng mới, thân thiện với môi trường cùng nhiều yếu tố lợi ích kèm theo, cần được phát triển để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống.

Xăng E5 chưa có nhiều người lựa chọn sử dụng.

Kể từ khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2007 thì đến năm 2010, xăng E5 xuất hiện trên thị trường bên cạnh các dòng xăng vốn đã rất quen thuộc là A92, A95. Việc được gắn với tên gọi NLSH có lẽ là đủ để định hướng cho người tiêu dùng, khi ethyl alcohol là một hợp chất hữu cơ dạng lỏng dễ cháy, không màu, ít độc hại hơn các alcohol khác. “Sinh học” ở đây được gắn với việc nguyên liệu để tạo ra Ethanol là các sản phẩm nông nghiệp (mía, sắn, ngô, cây có dầu, mỡ động vật tận thu…), kéo theo những đánh giá về độ “thân thiện với môi trường” hơn dòng A vốn được khai thác từ nhiên liệu hóa thạch truyền thống.
Xăng E5 hiện có trên thị trường được hiểu là sự pha trộn của hỗn hợp gồm 5% cồn ethanol và 95% xăng thông thường. Với những nghiên cứu đã được tiến hành trong những năm qua, theo Tiến sĩ Phạm Hữu Tuyến, Trưởng phòng thí nghiệm động cơ đốt trong (Viện Cơ khí động lực – Đại học Bách khoa Hà Nội), sự kết hợp giữa Ethanol và xăng sẽ làm tăng khả năng chống kích nổ của nhiên liệu (còn gọi là trị số Octane). Bên cạnh đó, với hàm lượng ôxy cao hơn xăng thông dụng giúp quá trình cháy trong động cơ diễn ra triệt để hơn, tăng công suất, giảm tiêu hao nhiên liệu, đồng thời giảm thiểu phát thải các chất độc hại trong khí thải động cơ.
Tiến sĩ Phạm Hữu Tuyến cho biết, động cơ sử dụng xăng E5 tạo ra rất ít khí thải, ít hơn hẳn so với A92 và A95 tới 20%. Không chỉ có vậy, việc phát triển xăng sinh học còn kéo theo những vấn đề có lợi khác như việc nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp – vốn là thế mạnh của nước ta, đồng thời tăng thêm việc làm, lợi ích kinh tế cho người nông dân từ các sản phẩm của họ.
Hiện nay, trên thế giới đã tiến tới xu hướng sử dụng xăng sinh học, với các dòng xăng E5, E10, E20 và E85, cùng những ghi nhận, phản ánh tích cực. Còn tại Việt Nam, không khó để nhận thấy, trong 2 năm kể từ khi xuất hiện, sự tiếp cận của người dân với xăng E5 hiện tại là rất ít. Tại sao lại như vậy khi các nhà nghiên cứu đều đã khẳng định, việc sử dụng xăng E5 có nhiều lợi ích, không gây hại cho động cơ và giá thành thậm chí còn rẻ hơn xăng A92, A95?
Trao đổi với Tiến sĩ Phạm Hữu Tuyến, có thể thấy được lý do đầu tiên là sự dè dặt khi đón nhận một sản phẩm “lạ” mà chưa có một phản hồi nào rộng rãi. Theo thời gian, đã có dấu hiệu tích cực hơn với số lượng người dùng, tin tưởng tăng lên.
Tuy nhiên, với sự kiện nổi bật trong thời gian gần đây là các vụ cháy ô tô, xe máy, tâm lý người sử dụng lại tỏ ra e ngại vì cho rằng, xăng E5 là “thủ phạm” chính, niềm tin mới được hình thành cho loại nhiên liệu mới đã bị lung lay, dẫn đến việc tiêu thụ loại nhiên liệu này chững lại.
Nhưng đánh giá của Tiến sĩ Phạm Hữu Tuyến cho rằng, “không thể đổ tội cho xăng E5, bởi việc cháy, nổ ô tô, xe máy là sự tổng hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau chứ không phải do nhiên liệu”. Ông cũng cho biết, “xăng E5 tương thích với mọi loại động cơ từ trước đến nay, trong khi chỉ đến khi dùng xăng E10, E20 hay E85 (Việt Nam chưa có) mới cần thế hệ động cơ mới”.
Câu trả lời từ các nhà nghiên cứu về các vụ cháy nổ “không phải do xăng” đã làm người dân yên tâm hơn nhưng một vấn đề khác được nói đến là việc phân bổ các địa điểm bán xăng sinh học vẫn còn thiếu hợp lý. Ở thời điểm khởi động việc bán xăng E5 (tháng 8/2010), trên cả nước chỉ có 12 điểm tại các thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Hải Phòng, Hải Dương. Hiện tại, số điểm bán ở một số thành phố đã tăng thêm, trong khi Tổng công ty dầu Việt Nam (PV Oil) cũng đã đưa xăng E5 về các địa phương khác như Quảng Ninh, Nghệ An, Thái Nguyên, nhưng lượng tiêu thụ vẫn rất khiêm tốn so với A92, A95.
Hướng đến tương lai, khi việc sử dụng NLSH được xác định kèm theo những yếu tố quan trọng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, phù hợp với xu thế phát triển chung trên thế giới… thì đẩy mạnh tuyên truyền là rất cần thiết để người dân hiểu rằng, sử dụng loại nhiên liệu này là một hướng đi đúng.
Hướng đến người tiêu dùng nhưng bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, khuyến khích việc sản xuất, kinh doanh. Nói cách khác, việc thực hiện phải có kế hoạch, bài bản, có lộ trình để nhận được sự đồng thuận của nhiều phía.
Khi chiến dịch bảo vệ môi trường đang được đẩy mạnh như hiện nay, không nên để cho NLSH trải qua “số phận long đong” như thời gian qua.

Tam Nguyên

Báo Tin Tức

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)