Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Sản phẩm du lịch Lý Sơn “ăn theo” điện

Tạp Chí Giáo Dục

Sau khi được kéo điện lưới quốc gia, Lý Sơn thu hút sự quan tâm không chỉ khách du lịch mà cả những nhà đầu tư. 

 
Người dân Lý Sơn đổ xô mua hàng điện máy sau khi có điện lưới quốc gia – Ảnh: C.V.K
 
Những dịch vụ “ăn theo” điện, cả những thứ không mấy liên quan đến điện cũng bắt đầu tăng giá…
Đặt chân lên Lý Sơn những ngày này, ngay từ cầu cảng, tiếng loa đã oang oang quảng cáo “khuyến mãi nhân dịp có điện lưới quốc gia” với sản phẩm là hàng điện tử, điện lạnh từ trung tâm điện máy gần đó.
Từ tỏi đến… đất đều tăng giá
Ông Phạm Việt Cường, quản lý cơ sở điện máy Việt Cường ở Quảng Ngãi, cho biết ngay khi Lý Sơn được đóng điện thử nghiệm, cơ sở này đầu tư hơn 1 tỉ đồng để mở cửa hàng chính thức tại đảo, dù dân Lý Sơn vẫn thường đến mua tại cửa hàng ở đất liền.
Lý do đầu tư một số tiền lớn và chấp nhận thuê cửa hàng để bán hàng, theo ông Cường, vì chắc chắn nhu cầu điện máy của dân Lý Sơn sẽ tăng mạnh, nhất là khi các dịch vụ du lịch sắp tới có thể nở rộ hơn.
Cùng với những “nhà đầu tư” cả lớn lẫn nhỏ từ đất liền ra với nhu cầu thuê nhà, mua đất, tại Lý Sơn những ngày này trở nên nhộn nhịp hơn, nhiều người nhận định du khách sẽ tăng mạnh, cơ hội làm ăn nhiều hơn và kinh tế đảo sẽ phát triển hơn…
Đây là một trong những lý do khiến nhiều mặt hàng ở Lý Sơn tăng giá. Điển hình nhất là hành, tỏi, đất đai, hải sản và giá phòng khách sạn…
Theo bà Nguyễn Thị Nga – người bán hành tỏi ở xã An Vĩnh, Lý Sơn, trước đây tỏi Lý Sơn chỉ khoảng 50.000-60.000 đồng/kg thì nay đã lên 70.000-80.000 đồng/kg, tỏi “mồ côi” cũng tăng lên 1,2 triệu đồng so với mức giá 700.000 đồng/kg trước đó.
Thậm chí ở một số nơi, loại tỏi đặc sản này đã được hét lên giá 1,3 triệu đồng, “không mua nhanh, tới đây khó có mà mua”.
Ông Nguyễn Văn Thành, chủ nhà nghỉ Thành Lợi ngay cầu cảng Lý Sơn, cho biết cùng với những nhà đầu tư mới đến Lý Sơn tìm cơ hội mở nhà nghỉ, khách sạn và dịch vụ hậu cần, bản thân ông cũng đang tìm một lô đất để mở thêm nhà hàng nhằm phục vụ du khách.
“Khách đến Lý Sơn thời gian gần đây đông hơn, không chỉ khách trong nước mà cả khách nước ngoài, nên nhiều người ở Lý Sơn đang có ý định đầu tư làm du lịch” – ông Thành nói.
Tuy nhiên, theo ông Thành, giá đất ở Lý Sơn đã tăng rất nhanh. Vào tháng 3-2014, lô đất 500m2 ông định mua giá chỉ khoảng 700 triệu thì đến nay được hét lên 1,2-1,3 tỉ đồng.
Dù vậy, đến nay chưa có giao dịch đất đai lớn nào thực hiện thành công với lý do “ít người muốn bán lúc này”.
Thiếu sản phẩm du lịch
Với điện lưới quốc gia, giá điện cho điện kinh doanh đã giảm còn khoảng 2.000 đồng/kWh so với mức giá 12.000 đồng/kWh trước đó, nhưng trái với kỳ vọng của nhiều du khách, giá dịch vụ tại Lý Sơn, đặc biệt là giá phòng nghỉ không những không giảm mà đã tăng mạnh.
Chẳng hạn tại nhà nghỉ Thành Lợi, ngoài việc có thêm điều hòa, nội thất và các vật dụng không khác gì nhà nghỉ bình dân trong đất liền, nhưng giá phòng đang từ 300.000 đồng/đêm đã tăng lên 400.000 đồng/đêm sau khi có điện lưới.
Ông chủ khách sạn Đại Dương nằm ngay cầu cảng cũng vừa lắp điều hòa ngày hôm trước, hôm sau đã quyết định tăng giá phòng với mức tương tự 400.000 đồng/đêm “vì có điều hòa”.
Trong khi đó, theo ghi nhận của chúng tôi, sản phẩm du lịch ở Lý Sơn còn khá nghèo nàn, chủ yếu là di tích thắng cảnh thiên nhiên, còn hạ tầng cơ bản không có gì.
Một số chủ nhà nghỉ cũng thừa nhận Lý Sơn đang có rất ít điểm du lịch, dù đảo có những điểm san hô, hang dưới đáy biển rất đẹp.
Chủ một nhà nghỉ tại đây cho rằng để phát triển du lịch, Lý Sơn cần có sản phẩm du lịch đa dạng và hấp dẫn hơn.
“Chỉ sau khi đầu tư hạ tầng đường sá liên xã, rồi quy hoạch, phát triển các điểm tham quan du lịch mới, cũng như xử lý vấn đề rác thải, môi trường thì Lý Sơn mới thật sự có cơ hội phát triển tốt lên” – chủ một nhà nghỉ nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thanh, bí thư huyện đảo Lý Sơn, cho biết Lý Sơn đất chật, chỉ có khoảng 10,2km2, nhưng đã có 22.000 dân nên cùng với việc điện lưới quốc gia ra đảo, tương lai hạ tầng có thể tốt lên, người ta đã nghĩ đến việc tăng giá đất.
Tuy nhiên, người dân cũng có căn cứ về triển vọng bởi khách đến Lý Sơn ngày càng tăng. Chỉ riêng tám tháng đầu năm 2014, lượng khách đến Lý Sơn đạt tương đương cả năm 2013, lên tới 18.000 lượt khách.
Theo ông Thanh, tới đây huyện đảo sẽ cùng các cơ quan trung ương tổ chức hội thảo để định hướng chiến lược phát triển cũng như tìm cơ chế đặc thù, trong đó có cơ chế thu hút đầu tư du lịch, nhằm phát triển hạ tầng và kinh tế đảo tiền tiêu này một cách bền vững.
Được ưu đãi khi đầu tư vào đảo Lý Sơn
Ngày 1-10, tại hội thảo định hướng phát triển và cơ chế, chính sách đặc thù cho Lý Sơn diễn ra tại huyện đảo này, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Chính phủ sẽ ưu tiên đầu tư nguồn vốn ngân sách trung ương vào các dự án kết cấu hạ tầng hiện nay; ưu tiên hỗ trợ vốn các dự án mới; hỗ trợ mức cao nhất về tín dụng cho ngư dân và khuyến khích, hỗ trợ các hình thức đầu tư, kinh doanh tại Lý Sơn.
Ngoài ra, các doanh nghiệp khi đầu tư vào Lý Sơn sẽ được hưởng ưu đãi về cơ chế, chính sách, hỗ trợ theo mức cao nhất so với đầu tư vào những vùng khuyến khích phát triển; hỗ trợ ngư dân cao nhất trong các chương trình, dự án đánh bắt, khai thác thủy sản và cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang làm việc ở Lý Sơn được hưởng phụ cấp đến 0,7%.
TS Trần Văn Minh – phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi – cho rằng Lý Sơn giữ vị trí chiến lược rất quan trọng trong vùng biển Đông, có nhiều tiềm năng về khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản, về du lịch.
Tuy nhiên, quá trình xây dựng và phát triển, Lý Sơn đã bộc lộ một số yếu tố bất cập, thiếu tính bền vững nên chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế, đời sống người dân còn nhiều khó khăn.
Ông Minh đề nghị cần có những cơ chế, chính sách đặc thù cho huyện đảo Lý Sơn phát triển toàn diện kinh tế – xã hội, vừa đảm bảo an ninh quốc phòng là vấn đề rất cấp thiết hiện nay.
V.HÙNG
CẦM VĂN KÌNH (TTO)

 

Bình luận (0)