Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Ngành tài nguyên môi trường biển – khí tượng thủy văn: 4 yêu cầu đối với sinh viên sau khi ra trường

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Đảo Cát Bà. Ảnh: NGHIÊM HUÊVới 3.260km bờ biển, khoảng 3.000 đảo lớn nhỏ, diện tích biển lớn gấp 3 lần diện tích đất liền, đây là tiềm năng lớn của Việt Nam trong tiến trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. “Quay mặt ra biển để phát triển” là xu thế tất yếu của thế giới. Nhưng nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu phát triển này của Việt Nam lại quá mỏng và yếu. Hiện cả nước chỉ có ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Hàng hải, ĐH Nha Trang… và một vài trường CĐ, TCCN khác có đào tạo các nhóm ngành liên quan đến biển. Tuy vậy, các trường mới chỉ đào tạo các ngành liên quan đến khoa học biển, chưa có các nhóm ngành liên quan đến quản lý biển.

Thiếu số liệu thống kê

Tại hội thảo đào tạo nguồn nhân lực tài nguyên môi trường biển – khí tượng thủy văn biển (MTB – KTTVB) do dự án tài nguyên môi trường biển (Bộ GD-ĐT) và Trường CĐ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội tổ chức, có rất nhiều báo cáo của các trường, các nhà khoa học được nêu ra. Nhưng không báo cáo nào đưa ra được con số cụ thể hiện nay ngành MTB – KTTVB thiếu bao nhiêu nhân lực. Theo nhận định chung của ThS. Trần Duy Kiều, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường CĐ TN&MT Hà Nội thì thực tế cho thấy, có một số bất cập hiện nay về cơ cấu ngành nghề đào tạo; cơ sở đào tạo dàn trải; bậc đào tạo chỉ tập trung ở trình độ ĐH, chưa phát triển đào tạo nghề nghiệp. Đào tạo cán bộ TNMTB và KTTVB còn manh mún, dàn trải ở nhiều cơ sở. Mỗi cơ sở chỉ thực hiện đào tạo một số ngành hoặc chuyên ngành với số lượng sinh viên không nhiều. Ở các cơ sở đào tạo ĐH, chưa có một cơ sở đào tạo thực hiện nhiệm vụ đào tạo với đầy đủ các lĩnh vực về TNMTB và KTTVB. ThS. Nguyễn Duy Đô, Trưởng khoa Trắc địa – Bản đồ, cũng của Trường TN&MT Hà Nội đưa ra thực tế  các sở TN&MT của các tỉnh có biển chưa hề có nhân lực làm việc trong lĩnh vực quản lý biển và hải đảo (chưa kể đến cấp huyện, xã). Thậm chí, ông Đô còn nhận xét Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ TN&MT cũng chỉ mới được thành lập năm 2008.

Trong 16 báo cáo đó, chỉ có báo cáo của TS. Nguyễn Bá Dũng Phòng, Trường CĐ TN&MT Hà Nội có viện dẫn số liệu của PGS. TSKH Lê Đức Toàn, Phó chủ tịch Hội KHKT Biển Việt Nam. Kết quả nghiên cứu đề tài khoa học do trường ĐH Hàng hải Việt Nam hoàn thành năm 2007 cho thấy, số lượng sĩ quan, hàng hải sẽ bị thiếu hụt vào năm 2010 là khoảng 800 người. Cùng với đó là sự thiếu hụt đội ngũ thủy thủ lành nghề.

100% sinh viên ra trường phải đào tạo lại

Không chỉ đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực và ngành TNMTB và KTTVB còn gặp phải vấn đề chất lượng nguồn nhân lực. Thứ trưởng Bộ TN&MT, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Nguyễn Việt Thắng nhấn mạnh: thực trạng đào tạo nguồn nhân lực biển thời gian qua cho thấy chúng ta đã tụt hậu đáng kể so với các nước trong khu vực và thế giới. “Đã đến lúc phải chấm dứt môi trường giáo dục bảo thủ, nặng thành tích, hình thức mà thiếu sát thực, thiếu chuyên nghiệp, xa rời thực tiễn như hiện nay” – Thứ trưởng Thắng nói. Đứng từ góc độ là người sử dụng lao động, kỹ sư Lương Ngọc Thanh – Giám đốc Trung tâm Trắc địa bản đồ biển cho biết: kinh nghiệm 10 năm sử dụng các sinh viên mới ra trường tại Trung tâm Trắc địa bản đồ cho thấy: 100% sinh viên mới ra trường phải được bồi dưỡng kỹ thuật tại trung tâm từ 6 tháng đến 1 năm mới đảm nhận được công việc sản xuất. Ông Thanh cũng đưa ra 4 yêu cầu của nhà tuyển dụng dành cho sinh viên sau khi ra trường: nắm vững kiến thức cơ bản, thực tế chương trình đào tạo sinh viên không cần thiết phải rộng, dàn trải, dẫn đến tình trạng “cái gì cũng biết nhưng lại biết cái gì cũng rất lơ mơ” mà yếu về kiến thức cơ bản; kiến thức sinh viên thu nhận được ở trong nhà trường chỉ là nền tảng cơ bản. Muốn trưởng thành trong sản xuất, phải tiếp nhận công nghệ mới mà điều kiện để tiếp nhận là ngoại ngữ. Đa số sinh viên ra trường đều yếu ngoại ngữ. Vì vậy yêu cầu về đào tạo ngoại ngữ trong trường đối với sinh viên là rất cần thiết; cần trang bị cho các sinh viên những kiến thức cơ bản về công tác định vị, dẫn đường trên biển; đối với công tác trắc địa biển thì vấn đề an toàn lao động trên biển được đặt lên hàng đầu (đối với các công ty nếu không có chứng chỉ về an toàn hàng hải thì không được làm việc trên biển). Do vậy, theo ông Thanh, nếu có thể, nên đưa vào chương trình đào tạo một số học phần tích hợp về an toàn lao động trên biển.

Nghiêm Huê

Bình luận (0)