Đưa khoa học, công nghệ tiếp cận với nông nghiệp sẽ tạo điều kiện tốt để VN phát triển thành một cường quốc về nông nghiệp nhiệt đới.
Trong những năm vừa qua, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của VN có thị phần lớn và chiếm vị thế cao như lúa gạo, cà phê, hạt điều, tiêu, trà, cao su, thủy sản… nhưng vẫn chưa thực sự tạo được dấu ấn mạnh trên thị trường quốc tế do hầu hết sản phẩm nông nghiệp của VN không có thương hiệu và chủ yếu xuất dạng thô.
Tăng lượng, giảm giá
Thống kê kết quả xuất khẩu nông sản của ta trong những năm gần đây cho thấy tuy có sự gia tăng về lượng nhưng giá xuất lại giảm. Điều này đem lại thiệt thòi cho nông dân và cả một nền nông nghiệp.
Tại một cuộc hội thảo, vị đại sứ Nam Phi cho biết người tiêu dùng Nam Phi thường xuyên dùng gạo và nhiều loại hàng hóa công nghiệp, nội thất của VN, thế nhưng không mấy người biết đấy là hàng VN do những loại hàng hóa này xuất khẩu qua trung gian Singapore và Hồng Kông. Trà VN cũng được các doanh nghiệp Nga, Ấn Độ… nhập khẩu về chế biến thành sản phẩm mang thương hiệu của chính họ.
Chế biến trà tại Công ty Tâm Châu. Ảnh: TẤN THẠNH
Bên cạnh đó, do khoa học – công nghệ (KH-CN) chưa được đầu tư tương xứng nên các vấn đề về chọn giống, xử lý đất… cho phù hợp còn xa lạ. Nông dân hầu như chưa được tiếp cận với KH-CN. Theo tính toán của tổ chức quốc tế, trong tổng lợi nhuận của một cốc cà phê bán đến tay người tiêu dùng châu Âu, nông dân VN chỉ nhận được 8%, số còn lại thuộc về doanh nghiệp rang xay, chế biến.
Một cuộc điều tra từ Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL về chuỗi giá trị cá tra ở ĐBSCL cũng cho thấy trong tổng lợi nhuận thu được từ sản phẩm này, người nuôi chỉ thu được 19,4%, thương lái thu được 2,1%, còn lại 78,5% thuộc về công ty chế biến và kinh doanh xuất khẩu.
Đưa khoa học vào nông nghiệp
Trong một cuộc hội thảo gần đây về khoa học dịch vụ tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Văn Lạng cho biết: VN đủ điều kiện để trở thành một cường quốc kinh tế về nông nghiệp nhiệt đới, vấn đề là phải áp dụng KH-CN vào nông nghiệp để phát huy những lợi thế vốn có của VN. Cần có sự đầu tư đúng mức về giống, công nghệ chế biến theo tiêu chuẩn quốc tế để bán cái người ta cần, chứ không nên bán cái mà mình có.
GS Nguyễn Lân Dũng cũng từng bày tỏ quan điểm: “VN phải nhập khẩu khá nhiều bắp hạt, đậu tương, bột cá, những thứ mà chúng ta thừa năng lực sản xuất. Vậy thì tại sao chúng ta không mạnh dạn đầu tư KH-CN để xóa bỏ nghịch lý này?”.
Hiện nay, một số ngành nông nghiệp đã bắt đầu áp dụng các biện pháp KH-CN vào sản xuất, chế biến song kết quả đạt được vẫn chưa cao, chưa tương xứng với sự phát triển chung của ngành.
Ông Lê Thế Chỉ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cà phê VN, cho biết: Ngành cà phê đã từng bước tăng cường những biện pháp khoa học vào sản xuất, như chọn giống vô tính, áp dụng công nghệ sinh học trong chăm sóc, từng bước triển khai tưới nhỏ giọt, bước đầu đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nhằm nâng cao tỉ lệ cà phê chế biến xuất khẩu sang các nước khác… Con cá tra VN cũng đã được nghiên cứu để tận dụng được 70% phụ phẩm, phế phẩm thành các sản phẩm giá trị gia tăng…
GS-TS Lê Tất Khương, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển vùng (Bộ KH-CN), cho rằng để phát huy và phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, đặc biệt là trong chế biến, chọn giống… Và đây chính là vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp.
Bình Miên / NLĐ
Bình luận (0)