Y tế - Văn hóaThư giãn

Ước mơ bay cao cùng nhạc cụ dân tộc

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Không chỉ được đào tạo chuyên nghiệp, các em còn bắt kịp những hơi thở âm nhạc hiện đại, đang nuôi ước mơ kết hợp thăng hoa những tinh hoa nhạc dân tộc với âm nhạc đương đại thế giới

Sau 6 năm rèn luyện tại xứ người, 5 nghệ sĩ nhạc cụ dân tộc trẻ tuổi đầy tiềm năng của Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen trở về với sự căng tràn đam mê nhiệt huyết, ôm ấp ước mơ thăng hoa trên con đường nghệ thuật bằng những nhạc cụ dân tộc.

Tiềm năng lớn
Đêm diễn nghệ thuật Nàng Sen 5-9 vừa qua tại Nhà hát TP HCM được xem là đêm “báo cáo kết quả học tập” của 5 em: Nhật Minh (sáo trúc), Hải Vũ (đàn tranh), Sĩ Phú (tam thập lục), Thảo Linh (đàn nhị) và Bá Hưng (đàn tỳ bà) sau khi hoàn tất 6 năm trung cấp tại Học viện Nghệ thuật Quảng Tây (Trung Quốc). Với những ai đã đến xem đêm “báo cáo” này sẽ khó quên bởi các tiết mục trình diễn ấn tượng của các em, như độc tấu sáo trúc Nhớ về dòng sông của Nhật Minh, độc tấu đàn tranh Khúc sông trăng của Hải Vũ, độc tấu đàn tỳ bà Nhớ Huế của Bá Hưng hay độc tấu đàn đá, đàn tam thập lục của Sĩ Phú…

Năm nghệ sĩ trẻ biểu diễn trong chương trình
Cả Nhật Minh, Hải Vũ, Thảo Linh, Sĩ Phú và Bá Hưng đều bộc lộ năng khiếu âm nhạc từ rất sớm và đã được UBND TP HCM hỗ trợ sang Trung Quốc du học từ khi chỉ mới 10-12 tuổi. Đam mê và năng khiếu sẵn có, do sinh ra trong những “chiếc nôi” âm nhạc dân tộc (cha mẹ, ông bà các em là những nghệ sĩ) cộng với kỹ thuật biểu diễn điêu luyện được rèn giũa ở nước ngoài đã giúp cả 5 em khi trở về có được những tiết mục biểu diễn đặc sắc. Bên cạnh đó, tuổi đời trẻ trung cùng ngoại hình đẹp, sáng sân khấu cũng là yếu tố quan trọng để các em trở thành những gương mặt nghệ sĩ biểu diễn đầy tiềm năng.
So với các thế hệ nghệ sĩ âm nhạc dân tộc đi trước, Nhật Minh, Hải Vũ, Sĩ Phú… không chỉ được đào tạo chuyên nghiệp mà còn bắt kịp những hơi thở âm nhạc hiện đại và đang nuôi dưỡng ước mơ phối hợp tinh hoa dân tộc với âm nhạc đương đại thế giới, như Nhật Minh từng thổ lộ ý muốn “tìm hiểu thêm về âm nhạc đương đại để phối hợp với nhạc dân tộc mang đến người thưởng thức những tiết mục trình diễn thích thú bằng nhạc cụ dân tộc”. Tiết mục Sen hồng ru tình kết hợp giữa hát, đọc rap, guitar và sáo trúc của Nhật Minh – Hải Vũ hay tiết mục hòa tấu các nhạc phẩm nước ngoài như Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ, Flight of the Bumblebee là những minh chứng cụ thể cho định hướng ấy. Trong nhóm, Sĩ Phú và Bá Hưng lại đặc biệt có đam mê sáng tác nên nếu được đào tạo đúng hướng, các em hoàn toàn có thể cống hiến những tác phẩm hay trong tương lai.
Lo hổng kiến thức văn hóa
Kỹ thuật biểu diễn đã có nhưng lỗ hổng kiến thức văn hóa lại là vấn đề đối với cả 5 em cùng các bậc phụ huynh. Nghệ sĩ Cao Bá Phương, bố của Bá Hưng, chia sẻ: “Bá Hưng mới chuẩn bị bước sang tuổi 16, vẫn còn nhỏ nên phải tiếp tục học cả văn hóa và chuyên môn. Nhưng do đi du học cùng lứa với các cháu lớn hơn nên cháu tốt nghiệp trung cấp sớm gần 2 năm, hiện vẫn thiếu tuổi để học lên đại học âm nhạc. Tôi đang xin đặc cách nhưng phải chờ, nếu được duyệt thì cháu mới được học tiếp, còn nếu không phải chờ hết năm sau. Hiện nay, cháu phải học bổ sung thêm về kiến thức văn hóa. Lúc đi du học, cháu mới học hết lớp 4 thôi, thế nên cháu bị hổng lượng kiến thức lớn và phải gấp rút bổ túc. Gần đây, việc học văn hóa của cháu rất nặng, sáng, trưa, chiều, tối học đủ các môn toán, văn, lý, hóa… để chuẩn bị đủ điều kiện xin đặc cách”. Tương tự Bá Hưng, Thảo Linh cũng xa gia đình đi học khi mới 10 tuổi nên nghệ sĩ Hồ Nga – mẹ của Thảo Linh cũng cho biết em sẽ phải hoàn tất trình độ THPT tại Việt Nam trước khi học bậc đại học tại Nhạc viện TP HCM.
Trong khi đó, Hải Vũ, Nhật Minh và Sĩ Phú do lớn tuổi hơn nên đã đủ điều kiện vào Nhạc viện TP HCM, riêng Sĩ Phú đang theo học ngành sáng tác Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Dù vậy, theo NSƯT Tuyết Mai, mẹ của Nhật Minh, kiến thức văn hóa đối với các em vẫn là vấn đề chung. “Lúc đầu, được UBND TP cho đi du học, chúng tôi ngỡ là có học văn hóa nhưng sang bên kia các cháu không được học. Về Việt Nam thì lại phải có kiến thức văn hóa mới được lấy bằng tốt nghiệp đại học. Không có kiến thức văn hóa là điều đáng lo ngại, vì nghệ sĩ dù chuyên môn giỏi đến đâu vẫn phải có trình độ văn hóa cao” – chị băn khoăn.
Theo NSƯT Đặng Hùng, Giám đốc Nhà hát Bông Sen, do độ tuổi còn nhỏ nên sắp tới các em vẫn phải học thêm về âm nhạc dân tộc và văn hóa Việt Nam. Ông nói thêm: “Nhà hát sẽ tạo điều kiện cho các cháu học văn hóa tại Nhạc viện TP và trong vài năm tới sẽ trau dồi thêm về nhạc dân tộc. Kỹ thuật các cháu học từ nước ngoài rồi, quan trọng là phải nắm bắt giai điệu âm nhạc dân tộc để có thể biểu diễn tốt các tác phẩm âm nhạc Việt Nam”. 
Lập nhóm nhạc?
Sau đêm diễn Nàng Sen, đã có một số ý kiến cho rằng 5 em có thể thành lập một ban nhạc riêng đi biểu diễn trong tương lai. Theo nghệ sĩ Hồ Nga, Nhà hát Bông Sen hiện vẫn tạo điều kiện cho các em hoạt động nghệ thuật ở bên ngoài, các em được phép diễn khắp nơi, miễn sao không ảnh hưởng đến những hoạt động của nhà hát, như Thảo Linh hiện vẫn thường xuyên đi diễn cùng nhóm Mặt Trời Đỏ. Tuy nhiên, việc lập nhóm lại đòi hỏi rất nhiều yếu tố khác. NSƯT Tuyết Mai giải thích: “Thật ra, ở Nhà hát Bông Sen, các cháu đã là một nhóm rồi. Nếu có điều kiện lập nhóm thì các cháu cũng sẵn sàng kết hợp với nhau nhưng phải xác định lập nhóm theo kiểu nào chứ không cũng chỉ là gia vị điểm tô cho cuộc sống âm nhạc chứ không sống “thọ”. Lập nhóm không khó mà khó là duy trì nhóm nên cần phải một người chủ trì năng động, nhạy bén với các xu hướng để nhóm hoạt động được bền lâu”.
Theo NLĐ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)