Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp nhỏ thích ứng tốt với khủng hoảng

Tạp Chí Giáo Dục

Kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2009 được công bố hôm 17/9 khiến nhiều người băn khoăn về sự cần thiết cũng như liều lượng của các gói kích thích kinh tế thời gian qua.

2009 là năm thứ 6, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cùng Viện Khoa học Lao động và Xã hội phối hợp với Khoa Kinh tế Đại học Copenhaghen (Đan Mạch) thực hiện báo cáo đặc điểm môi trường kinh doanh Việt Nam dựa trên điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa. 2.543 doanh nghiệp thuộc 10 tỉnh thành phố đã tham gia cuộc điều tra, trong đó 2.492 doanh nghiệp đã được phỏng vấn trong các năm 2005 và 2007.

Báo cáo công bố hôm 17/9 tại Hà Nội tập trung vào những vấn đề chính như khủng hoảng toàn cầu và các hạn chế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; các nhân tố xác định việc doanh nghiệp thoát khỏi thị trường; tăng trưởng và tính phi chính thức; đầu tư và khả năng tiếp cận tín dụng.
Hơn 65% trong tổng số 2.543 doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia khảo sát trả lời rằng khủng hoảng toàn cầu tác động tiêu cực đến các điều kiện hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp tại Hà Nội, Nghệ An và TP HCM chịu tác động mạnh nhất. Nếu xét theo quy mô, các doanh nghiệp vừa chịu tác động của khủng hoảng nhiều nhất (với tỷ lệ trả lời có là 83,9%), kế đó là doanh nghiệp nhỏ (78,9%) và siêu nhỏ (58%). Xét theo loại hình doanh nghiệp, các công ty TNHH chịu ảnh hưởng nhiều nhất (82,7%), còn các hộ gia đình chịu ảnh hưởng ít nhất (chỉ 57,8%).
Tuy nhiên, gần hai phần ba doanh nghiệp tham gia khảo sát tin rằng tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng là tạm thời, chỉ 15% tin cuộc khủng hoảng sẽ có tác động lâu dài đến hoạt động kinh doanh trong tương lai.
Đáng chú ý, 12% doanh nghiệp tin rằng cuộc khủng hoảng đã tạo ra cơ hội cho họ. Lợi ích của khủng hoảng chủ yếu là đầu vào rẻ hơn, cạnh tranh bớt gay gắt hơn và có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tốt hơn của Chính phủ.
Cũng theo kết quả điều tra, thị trường lao động dường như không điều chỉnh trong điều kiện khủng hoảng. Thậm chí năm 2009, tỷ lệ tăng trưởng việc làm bình quân của các doanh nghiệp được khảo sát là 9,9%. Trong đó Quảng Nam tăng trưởng mạnh nhất (28,5%), kế đó là Khánh Hòa (18,8%) và Hà Nội (13,7%).
Tỷ lệ sống sót hằng năm của doanh nghiệp vừa và nhỏ có xu hướng giảm xuống, từ mức 94% của năm 2007 xuống còn 91,6% trong năm 2009. Tuy nhiên, tỷ lệ 9-10% doanh nghiệp thoát khỏi thị trường không đáng nghiêm trọng, bởi theo các chuyên gia nghiên cứu đây cũng là tỷ lệ phổ biến ở các nước đang phát triển.
Những số liệu trên đây cho thấy khủng hoảng kinh tế toàn cầu dường như không tác động bất lợi đến hoạt động kinh doanh như cảm nhận của doanh nghiệp. Nó cũng khác xa mối quan ngại của chính các doanh nghiệp cuối năm 2008, khi suy thoái lan rộng trên toàn cầu và bắt đầu ảnh hưởng tới Việt Nam.
Theo số liệu của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa công bố cuối năm 2008, 20% doanh nghiệp hội viên khó có thể trụ vững, 60% khác sa sút sản xuất do chịu tác động của khó khăn kinh tế. 20% còn lại vẫn trụ vững do trước nay ít phải nhờ đến nguồn vốn vay và được các lãnh đạo có kinh nghiệm dẫn dắt. Không lâu sau khi những số liệu này được công bố, Chính phủ quyết định triển khai các chương trình kích thích kinh tế với tổng mức cam kết lên tới 8 tỷ USD, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 4%.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Trung ương, không lấy làm ngạc nhiên trước phát hiện của nhóm nghiên cứu. Theo ông doanh nghiệp Việt Nam vượt khủng hoảng thành công do khả năng thích ứng tốt, linh hoạt thay đổi cách làm ăn và đặc biệt là được sự hỗ trợ rất lớn của nhà nước.
Tuy nhiên, ngẫm lại về các chương trình kích thích kinh tế của Chính phủ, ông Thành không khỏi băn khoăn. Riêng về gói hỗ trợ 4% lãi suất, ông Thành cho rằng hơi quá, cả về mức hỗ trợ cũng như cường độ giải ngân.
"Người ốm chỉ cần thuốc 5 đồng, nhưng được uống thuốc tới 500 đồng, sao mà không khỏe. Nếu tôi có quyền quyết định và nếu quay lại hai năm trước, tôi sẽ không trợ cấp tới 4% lãi suất như vậy. Chưa có tính toán cụ thể, nhưng tôi cảm nhận chỉ ở mức trên dưới 2,5% đến 3% là vừa", ông Thành trao đổi với báo chí.
Điều mà ông Thành băn khoăn nhiều nhất chính là tiền cứu trợ giải ngân nhanh quá khả năng hấp thụ của doanh nghiệp, dẫn tới tình trạng sử dụng không đúng mục đích. Thậm chí có doanh nghiệp dùng tiền vay ưu đãi lãi suất (chỉ khoảng 6%) đem gửi ngân hàng khác để hưởng chênh lệch (lãi suất tiền gửi lúc đó lên đến 8%); hoặc rót vào các kênh chứng khoán, bất động sản hay vàng.
Băn khoăn của ông Thành cũng được thể hiện một phần trong báo cáo của nhóm nghiên cứu. Hơn 60% tham gia khảo sát cho biết vẫn tiếp tục đầu tư trong năm 2009, trong khi tỷ lệ của năm 2007 chỉ là 42,6%. Tổng đầu tư tăng lênh, nhưng phần dành cho đất đai, thiết bị, máy móc giảm, trong khi có sự tăng lên đáng kể về các khoản đầu tư không xác định rõ mục đích.

"Ở Việt Nam, khái niệm đầu tư được hiểu rộng hơn. Không chỉ rót vốn cho nhà xưởng, đất đai, máy móc, mà còn bao gồm cả chuyện gửi tiết kiệm, chơi vàng, bất động sản hay chứng khoán. Trong giai đoạn ồ ạt giải ngân vốn ưu đãi lãi suất, tăng trưởng tín dụng luôn tỷ lệ thuận với đà tăng điểm của Vn-Index", ông Thành nói thêm.

Chiều 17/9, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Cao Sỹ Kiêm vẫn bảo lưu nhận định của mình về tình cảnh doanh nghiệp cuối năm 2008 và ủng hộ chương trình kích cầu của Chính phủ. Ông cho rằng khi mới bước vào khủng hoảng, doanh nghiệp Việt Nam chịu tác động rất mạnh và đối mặt với nhiều nguy cơ. Nhưng khi bị dồn tới bước đường cùng, do đặc tính của mình, các doanh nghiệp đã bứt lên. Cùng lúc đó lại được sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, doanh nghiệp đã vượt qua khủng hoảng thành công.
"Chúng tôi đã không lo lắng thái quá khi đưa ra số liệu 20% doanh nghiệp nguy cơ phá sản và 60% khó khăn vì suy thoái. Tình hình thực tế lúc đó còn bi đát hơn nhiều", ông Kiêm nói.
Cũng theo ông Kiêm, việc Chính phủ hỗ trợ lãi suất 4% không thể coi là "thuốc quá liều", nhưng điều đáng quan ngại là tiền hỗ trợ đi sai địa chỉ, dùng không đúng mục đích.
"Nếu được làm lại, lúc đó có lẽ chúng ta cần khảo sát để tiền hỗ trợ đúng đối tượng và phải hỗ trợ làm sao để doanh nghiệp không mắc bệnh ỷ lại, dựa dẫm vào sự cứu trợ của Nhà nước", ông Kiêm băn khoăn.
Tuy nhiên, theo ông Kiêm, vượt qua khủng hoảng mới là kết quả tạm thời. Về lâu dài các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn như cạnh tranh bất bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác, chi phí vốn cao, khả năng tiếp cận tín dụng thấp và sự nhiêu khê trong thủ tục hành chính.
Nguồn VNEXPRESS

Bình luận (0)