Cuộc sống luôn vận động, để tồn tại và phát triển thì con người bằng bản lĩnh và ý chí của mình, luôn phấn đấu, từng bước vươn lên. Xuất thân từ nghề giáo, vào quân ngũ rồi làm kinh tế… tất cả hòa quyện vào nhau kết thành những kinh nghiệm quý báu để người doanh nhân ấy thành công cùng thương hiệu doba.
Miền Nam giải phóng – đất nước thống nhất, hình ảnh của những đoàn người xuôi ngược, tay bắt mặt mừng, niềm vui khôn xiết… không thể xóa nhòa trong mọi chúng ta. Đặc biệt, ký ức về những người lính khoác trên mình chiếc áo màu xanh, màu xanh của niềm tin, tình yêu và hy vọng sẽ mãi là hành trang băng qua lửa đạn chiến tranh, băng qua thời gian và đi cùng năm tháng.
Hòa bình lập lại, môi trường mới với nhiều thay đổi và lắm thử thách, đất nước “thay da đổi thịt” từng ngày. Rồi đổi mới, rồi toàn cầu hóa… Người lính năm xưa sẽ mãi tiếp tục vững tin, vững bước ngay trên chính quê hương mình? Và bản lĩnh người lính cụ Hồ mãi còn trong họ? Đó là những câu hỏi mà nhân dân hướng về những người lính bằng cả tấm lòng và sự tin tưởng.
Gặp anh trong một cuộc triển lãm tại nhà thi đấu Quân khu 7 – TP.HCM, trang phục giản dị, tác phong dễ gần là những ấn tượng đầu tiên của tôi về anh Trần Ngọc Anh – Tổng giám đốc Công ty Xúc tiến công nghiệp giày da (thuộc Hội Da giày TP.HCM), Chủ tịch HĐQT Công ty sản xuất giày da An Thịnh, chủ hệ thống kinh doanh giày nội địa thương hiệu doba. Ban đầu, chỉ là những lời giao tiếp bình thường thuần túy về công việc, về sau giữa chúng tôi như có sự đồng cảm. Bằng lời tâm sự chân thành, tôi biết nhiều hơn về anh, về cuộc đời anh…
Đến với nghề sư phạm từ lòng đam mê ngoại ngữ, là một trong những giáo viên dạy tiếng Nga sớm nhất ở Cần Thơ, lúc ấy, anh như con cá nhỏ vùng vẫy trong biển lớn của tri thức, say mê giảng dạy và học tập, say mê nghiên cứu và cống hiến. Rồi hòa mình vào sự nghiệp chung của dân tộc, theo tiếng gọi của non sông anh lên đường nhập ngũ, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Anh tâm sự: “Ban đầu vào quân đội gặp không ít khó khăn, vất vả nhưng bằng lòng kiên định, bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng với sự đoàn kết, dìu dắt của đồng đội đã giúp tôi vượt qua tất cả. Thời gian dần trôi, tôi mới hiểu và học được nhiều điều từ môi trường quân đội. Có thể nói đó như một trường học lớn trong cuộc đời tôi”…
Anh xuất ngũ trở về, còn bỡ ngỡ trước bước chuyển mình của quê hương. Dấn thân vào môi trường mới – môi trường kinh doanh đã có thêm trong anh một góc nhìn rộng mở hơn nữa về cuộc đời. Với vốn tiếng Nga có sẵn và sự say mê học hỏi, năm 1987 anh được Nhà nước phân công vào nhiệm vụ mới: quản lý ngành giày da xuất khẩu qua Liên Xô lúc bấy giờ. Duyên cơ đến với ngành giày da của anh Trần Ngọc Anh bắt đầu từ đó.
“Đây quả thật là bước ngoặt trong cuộc đời tôi. Từ một giáo viên, rồi được rèn luyện bản lĩnh người lính trong môi trường quân đội, nay lại làm kinh tế nên có rất nhiều điều mới mẻ mà tôi cần thời gian thích nghi. Trải qua những thăng trầm trong kinh doanh, có lúc tưởng chừng không thể vượt qua và bỏ cuộc; nhưng bản lĩnh, quyết tâm của một người lính đã giúp tôi từng bước vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của mình” – anh trầm giọng.
Gắn bó với nghề giày da đã 20 năm, kiêm nhiệm qua nhiều chức vụ khác nhau, điều này đã giúp anh có được vốn kiến thức và những kinh nghiệm quá đỗi cần thiết cho công việc và cuộc sống. Hiện nay, anh Trần Ngọc Anh với cương vị quản lý đơn vị sản xuất và kinh doanh gắn liền với thương hiệu doba, công việc ngày càng nhiều, đôi vai càng nặng gánh, bao suy nghĩ lo toan, vậy mà trông anh lúc nào cũng tràn đầy niềm tin và sức sống.
Nhìn anh hướng dẫn nhân viên của mình tận tình như những người đồng đội; những đôi dép có màu sắc trang nhã, mẫu mã đa dạng… mà lòng tôi cảm phục! Những kiểu chữ doba xinh xinh ở góc những đôi giày như tiếp thêm trong tôi niềm tin về sự phát triển của công ty, của thương hiệu. Sức mạnh của sự vươn lên không ngừng, sức mạnh của niềm tin và bản lĩnh…
Những thành quả đó phải chăng xuất phát từ quan điểm về cuộc đời của anh: “Muốn thành công, trước tiên phải thành người; con người phải biết trung hiếu, lễ nghĩa, tôn sư trọng đạo, nung nấu trong mình động lực mạnh mẽ, đóng góp phần sức nhỏ bé cho sự phát triển hơn nữa ngành nghề của mình nói riêng và đất nước nói chung”.
Nghĩ về nghề giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, anh chia sẻ: “Dù xuất thân như thế nào thì chúng ta cần lắm môi trường giáo dục, sau đó cố gắng đi theo những gì mình say mê nhất, thực hiện bằng được những ước mơ và hoài bão của mình. Bởi vì, người giàu có là người tiếp nhận được một nền giáo dục tốt và thành công trong công việc. Không có ngành nghề thất bại, chỉ có con người không thành công mà thôi…”.
Dòng người xuôi ngược trên lối về, mỗi người đang đi bằng chính bước chân của mình, vậy mà sao tôi vẫn cứ nghĩ mãi về câu nói của anh…
Phúc Hậu
Bình luận (0)