Y tế - Văn hóaThư giãn

Sản xuất chương trình truyền hình trả tiền: Doanh nghiệp ngoại đang lấn sân

Tạp Chí Giáo Dục

Để lấp đầy sóng, nhà đài đã lựa chọn giải pháp mua bản quyền các chương trình của nước ngoài khiến phần lớn doanh thu trong lĩnh vực truyền hình trả tiền chảy vào túi các doanh nghiệp ngoại.

Trong khi giá cước các dịch vụ viễn thông tại Việt Nam đã và đang có xu hướng giảm thì dịch vụ truyền hình trả tiền (THTT) lại đang tăng dần đều theo từng năm. Tuy nhiên, các đơn vị cung cấp dịch vụ THTT trong nước đều quy kết cho rằng, cước phí thấp đang là “thủ phạm” lớn nhất khiến THTT Việt Nam không có nhiều chương trình chất lượng cao. Và để lấp đầy sóng, nhà đài đã lựa chọn giải pháp mua bản quyền các chương trình của nước ngoài khiến phần lớn doanh thu trong lĩnh vực này chảy vào túi các doanh nghiệp ngoại.
Tại Hội thảo quốc tế về cơ hội cho THTT tại Việt Nam do Hiệp hội Phát thanh-Truyền hình châu Á-Thái Bình Dương (cassbaa) và Hiệp hội THTT Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ông Jacques-Aymar de Roquefeuil, Phó Tổng Giám đốc K+ cho rằng, chi phí thuê bao ở Việt Nam hiện ở mức khá thấp so với các quốc gia trong khu vực và thế giới, trung bình chỉ 4-5 USD/tháng, trong khi ở châu Phi, nơi có nhiều nước kém phát triển hơn Việt Nam nhưng giá thuê bao THTT trung bình cũng là 20 USD.
Phim nước ngoài đang soán ngôi trên các kênh THTT.
Còn bà Nguyên Hạnh – Tổng Giám đốc Công ty Truyền thông và Giải trí Q.net thì ví von hình ảnh khi đưa ra so sánh: “Hiện có những thuê bao hằng tháng xem được 70-100 kênh mà chi phí có thể chưa bằng một bữa ăn sáng. Nếu chỉ bỏ số tiền như vậy mà có thể hưởng thụ được mọi tinh hoa trong một tháng thì quả là bất công với người sáng tạo". Cũng theo bà Hạnh, cước thuê bao rẻ cùng với tâm lý doanh nghiệp không mặn mà với việc quảng cáo trên các chương trình THTT chính là một trong những nguyên nhân khiến cho các nhà đài không đủ kinh phí để đầu tư sản xuất nội dung, nâng cao chất lượng các chương trình phát sóng.
“Tự sản xuất rất khó mang lại lợi nhuận. Các kênh trong nước thường làm chương trình giải trí như phim, hay các chương trình mua từ các kênh nước ngoài, hoặc mua của nhau. Đó là cách rẻ tiền và an toàn. Mặc dù với cách này, phần lớn doanh thu từ THTT sẽ chảy vào túi các nhà cung cấp chương trình truyền hình ngoại như Fox International Channels (thuộc Tập đoàn truyền thông giải trí 21th Century Fox) – một trong những hãng phân phối chương trình lớn nhất tại Việt Nam, phủ khắp hầu hết các hệ thống THTT với nhiều thể loại chương trình như phim tài liệu, phim truyện, chương trình thể thao” – ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch và CEO Le Media Studio chia sẻ.
Tuy nhiên, ở góc độ khác, bà Lê Thị Phương Thủy, Chủ tịch Dream Field Studio (HTV3), thì lại nhìn vấn đề xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, đó là thiếu những con người sản xuất được các chương trình hay và hấp dẫn.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Vũ Tú Thành – Cố vấn Hiệp hội THTT châu Á – Thái Bình Dương cho biết: Việt Nam là một trong những quốc gia đang phát triển đi đầu về lựa chọn công nghệ mới. Tuy nhiên, điểm yếu “chết người” của các nhà cung cấp dịch vụ THTT Việt Nam lại nằm ở chỗ thiếu trầm trọng các chương trình THTT, đặc biệt là các chương trình hấp dẫn do các nhà đài và doanh nghiệp trong nước tự sản xuất, khiến cho các nguồn lực xã hội trong lĩnh vực này chưa được tận dụng và phát huy một cách tối đa.
Theo chia sẻ của ông Thành, nhu cầu thông tin của người dân hiện nay rất lớn. Nếu không xem THTT thì người dân lại tìm đến các nguồn thông tin không chính thống khác… Do đó, “Chính phủ cần có điều chỉnh mạnh mẽ hơn nữa về mặt chính sách để thúc đẩy thị trường THTT phát triển bởi THTT không chỉ là kênh thông tin giúp chính phủ tuyên truyền các chủ trương, chính sách mà còn là kênh chính thống dễ quản lý hơn so với các kênh thông tin phi chính thức khác”…
Theo CAND

 

Bình luận (0)