Y tế - Văn hóaThư giãn

Xe đạp và những kịch bản hoạt hình xuất sắc

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Gọn, mỏng, xinh xắn như chính những bộ phim hoạt hình dành cho trẻ em, tập kịch bản Xe đạp và những kịch bản hoạt hình xuất sắc (NXB Kim  Đồng) của biên kịch Phạm Sông Đông lần đầu tiên đem tới cho độc giả một hình thức đọc mới: những bộ phim  hoạt hình trên giấy.
Với hai giải biên kịch xuất sắc nhất, nhiều giải Bông sen vàng, Bông sen bạc, cánh diều vàng, cánh diều bạc, khuyến khích… tại các kỳ LHP quốc gia và lễ trao giải Cánh diều vàng hằng năm của Hội Điện ảnh, biên kịch Phạm Sông Đông đã xác lập được một vị trí riêng trong làng viết kịch bản phim hoạt hình dành cho thiếu nhi. Từ những kịch bản của chị, cái viết về thần thoại, cổ tích, cái nặng tính triết lý… nhiều đạo diễn đã có một cốt nền vững chắc để kiến tạo nên những bộ phim hoạt hình xuất sắc cho thiếu nhi. Không hài lòng, đóng khung trong một thể loại nhất định, với biên kịch Phạm Sông Đông, mỗi lần viết kịch bản là một lần tìm kiếm, phá bỏ đi những lối mòn, thói quen đã làm nên tên tuổi mình. Từ những kịch bản dài hàng 5 – 7 trang giấy, nhiều thoại như Vợ chồng Ama và con báo, Sự tích hoa râm bụt… chị chuyển sang những kịch bản triết lý cực ngắn với độ dài cho cả kịch bản phim không vượt quá 1 – 2 trang giấy. Ở nhiều kịch bản, chị chọn hình thức không lời thoại mà dùng hình tượng, chi tiết, hành động để tải nội dung, kịch tính của phim như Xe đạp, Xe đạp và ô tô, Đôi bạn… Với nhà biên kịch Sông Đông, hành trình viết kịch bản là hành trình tìm kiếm, xác lập và phá bỏ đi những rào cản để đạt tới những nấc thang mới trong nghề nghiệp, trong cách xây dựng và viết một kịch bản.
Không sắp xếp theo trình tự thời gian, cuốn sách mỏng chỉ chứa đựng vỏn vẹn 7 kịch bản. Không nhiều với một tác giả, nhất là với một người đã dành cả đời mình để viết lên những kịch bản hoạt hình cho thiếu nhi như biên kịch Phạm Sông Đông. Tuy nhiên, đọc kỹ từng kịch bản, độc giả dễ dàng nhận ra sự dụng công, tâm sức mà tác giả để lại trên từng trang viết, con chữ, hình tượng nhân vật. Có kịch bản là ký ức tuổi thơ của tác giả gắn với một lớp trẻ em Việt Nam với những món quà, trò chơi ngày xưa như kịch bản Chú gà đất. Có kịch bản lại giải thích sự ra đời của một loài hoa thường mọc nhiều tại các bờ rào nơi làng quê như Sự tích hoa râm bụt. Có kịch bản khái quát cả đời người, những bước thăng trầm, những cột mốc, các gian khó, thử thách xuất hiện trên đường đời như kịch bản phim Xe đạp. Có thể nói, với thời gian, biên kịch Phạm Sông Đông đã phá bỏ được những rào cản, giới hạn của đề tài, thể loại dành cho thiếu nhi để đưa ngôn ngữ hoạt hình khoáng đạt, triết lý và hướng tới nhiều lớp khán giả hơn ngoài trẻ em.
Đọc kịch bản, xem phim mà các đạo diễn làm từ kịch bản của chị có điểm được nâng lên, có cái làm chưa tới nhưng trên tất cả, tình yêu thương cuộc sống, tình yêu trẻ em, tình yêu con người luôn tràn ngập từ trang viết đến phim. Đó cũng là dấu ấn mà biên kịch Phạm Sông Đông để lại trong kịch bản, trong phim, trong tình cảm của bạn bè, đồng nghiệp và khán giả.
Theo ĐAVN


 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)